Ông La Vũ, con trai của Đại tướng La Thụy Khanh (tướng tâm phúc của ông Mao Trạch Đông) từng làm quan ở Bộ Tổng Tham mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì không chấp nhận tình trạng hủ bại trong quân đội ĐCSTQ, sau sự kiện Thiên An Môn ông đã bỏ ra nước ngoài sinh sống.
Gần đây ông đã lên tiếng kêu gọi ông Tập Cận Bình từ bỏ chế độ chuyên chế một Đảng để đi về hướng dân chủ. Vừa qua, báo Đại Kỷ Nguyên và Đài Truyền hình Tân Đường Nhân đã cùng phỏng vấn ông La Vũ.
Bài thứ tư trong loạt bài phỏng vấn này, ông La Vũ cho biết đã từ bỏ chức vụ trong Quân đội, cam chịu làm người bình dân vì không muốn tiếp tục “khiêu vũ cùng bầy sói”. Là “thái tử Đảng” đời thứ hai, ông La Vũ khuyên các “thái tử Đảng” khác hãy từ bỏ ĐCSTQ theo đúng lương tâm của mình.
Phóng viên: Là “thái tử Đảng” đời thứ hai, con một Đại tướng Cộng sản Trung Quốc và bỏ Trung Quốc Đại Lục ra đi, khi đi ông đã là Trưởng ban Ban Trang thiết bị Hàng không (hàm Đại tá). Nếu không ra đi có lẽ hiện nay ít nhất ông cũng phải lên đến Thứ trưởng, Tư lệnh Quân khu. Giờ ông có ân hận không?
La Vũ: Tôi không có gì phải ân hận! Chắc chắn thế! Ít nhất tôi đã không bị nó làm chết ngạt. Tôi là người không thích làm việc gì mà mình cứ phải miễn cưỡng. Việc bạn hỏi như làm đến vị trí này hay vị trí kia, đối với tôi thực ra những chức vụ đó không quan trọng.
Phóng viên: Việc ông từ bỏ ĐCSTQ ảnh hưởng như thế nào với cá nhân cũng như gia đình ông?
La Vũ: Dĩ nhiên là đắc tội với ông Đặng Tiểu Bình và ông Dương Thượng Côn, vì thế họ cắt toàn bộ phúc lợi hưu trí của tôi. Hiện tôi phải sống dựa vào con cái, bạn bè thân thiết. Nhưng dù sao tôi cũng không dựa vào ĐCSTQ.
Quá trình tư tưởng “chia tay” với ĐCSTQ
Phóng Viên: Ông có thể tiết lộ cho mọi người về quá trình chuyển biến tư tưởng của ông được không?
La Vũ: Dĩ nhiên là bắt đầu từ sự kiện ông Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn điều xe tăng đến Quảng trường Thiên An Môn, sự kiện này kết thúc toàn bộ hy vọng của tôi vào ĐCSTQ.
Trong quá khứ, tôi cũng từng có bất đồng với ông Đặng Tiểu Bình và ông Dương Thượng Côn, nhưng ở hai vấn đề, một là tôi phản đối cho quân đội tham gia vào kinh tế, hai là vì biết bọn chúng (con rể của Đặng và Dương) lấy tiền chiết khấu nên đã có ý kiến với các ông ấy. Những vấn đề này không đáng kể gì so với chuyện tàn sát sinh viên.
Xưa nay đạo lý là thanh quan xử tham quan, nhưng đến khi đó lại biến thành tham quan xử thanh quan. Chúng tôi đều tham, tại sao anh lại không tham, anh muốn gì đây?
Phóng viên: Qua chuyện này khiến ông nhận thức được mức độ tàn ác kinh khủng của họ: đến mức sẵn sàng cầm súng bắn vào nhân dân, vào sinh viên?
La Vũ: Đúng thế, đây là việc không thể chấp nhận được. Cũng có nhiều người khác phản đối việc dùng vũ lực. Ví dụ có năm vị tướng viết cùng một bức thư, thế nhưng sau khi dùng vũ lực xong thì họ lại im lặng. Ngoài ra còn có hai vị tướng khác cũng phản đối là ông Từ Hướng Tiền (Xu Xiangqian) và ông Nhiếp Vinh Trân (Nie Rongzhen).
Phóng Viên: Từ đó ông ý thức rằng tuyệt đối không thể làm đồng chí với họ?
La Vũ: Đúng thế! Tôi cảm thấy mình không thể nào tiếp tục mặc bộ quân phục này nữa.
Không thể tin vào ĐCSTQ
Phóng viên: Vừa rồi ông có nói ĐCSTQ toàn dối trá, trong sách ông cũng có viết rằng người dân Trung Quốc phải sống trong lừa dối suốt hơn năm mươi năm qua, ông có thể bàn sâu hơn vấn đề này được không?
La Vũ: Sự dối trá trong xã hội Trung Quốc sau năm 1949 càng ngày càng phổ biến, mức độ dối trá càng ngày càng nghiêm trọng, từ Chỉnh phong Phản hữu đến Đại nhảy vọt, rồi đến Cách mạng Văn hóa…
Sau khi ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền cũng là lúc sự giả dối ngày càng lan rộng. Hiện nay ở Trung Quốc người ta mỗi khi đi mua rau hay mua gạo, điều đầu tiên là xem hàng có thật hay không. Bạn nghĩ xem tại sao lại đến nông nỗi như thế?
Theo tôi chính vì ĐCSTQ dùng bọn thống trị vô đạo và không có niềm tin vào giá trị gì nên người dân bị cuốn vào vòng hư hoại. Nếu bộ máy cầm đầu có đạo đức và giá trị theo đuổi thì sao người dân có thể như thế được? Vì hiện nay ĐCSTQ không điều hành đất nước đúng theo Hiến pháp nên nhân dân cũng bất cần theo Hiến pháp. Sống chung với giai cấp thống trị xấu xa như vậy thì những người tử tế liệu có đất sống không?
Theo Chủ nghĩa tư bản quan liêu là sai lầm
Phóng viên: Theo như cách ông vừa nói thì chúng tôi nghĩ ĐCSTQ đang đi vào đường cùng. Con đường Chủ nghĩa tư bản quan liêu mà ông Đặng Tiểu Bình thực hiện cũng mang tới sự phát triển kinh tế nhất định, tại sao ông vẫn giữ quan điểm của mình?
La Vũ: Nếu Trung Quốc đi theo con đường Chủ nghĩa tư bản quan liêu của ông Đặng Tiểu Bình thì sẽ rơi vào bế tắc. Vì con đường Chủ nghĩa tư bản quan liêu không phải để mưu lợi cho dân, nó chỉ làm lợi cho Đảng chuyên chính. Bạn có thấy nước nào thực hiện Chủ nghĩa tư bản quan liêu mà thành công được không? Cho đến nay chỉ thấy con đường duy nhất thành công là Chủ nghĩa tư bản tự do.
Chủ nghĩa tư bản tự do được xây dựng trên nền tảng dân chủ hóa, vì cái hồn của Chủ nghĩa tư bản là tự do. Ông Đặng Tiểu Bình và ĐCSTQ lại giết chết cái hồn này của Chủ nghĩa tư bản, dùng tiền của Chủ nghĩa tư bản nuôi một Đảng chuyên chính. Mục đích là mở cửa để đón Chủ nghĩa tư bản, thế nhưng khi thực hiện lại áp dụng chính sách một Đảng chuyên chính.
Tôi xin lấy ví dụ: Khi vừa cải cách mở cửa ở tỉnh Quảng Đông thì các nhà đầu tư tràn vào xây dựng nhà máy, theo đó số sự cố tai nạn lao động trong một năm đã ngốn đến 50 ngàn ngón tay. Có nhà văn đã viết bài “Bốn mươi ngàn ngón tay”. Ông ta đã so sánh số sự cố tai nạn lao động trong hệ thống công xưởng của Chủ nghĩa tư bản dưới thể chế dân chủ và của Chủ nghĩa tư bản dưới thể chế chuyên chính một Đảng. Ông nhận xét, dưới quốc gia dân chủ, đừng nói 10 ngàn đầu ngón tay, chỉ cần mất một đầu ngón tay thôi thì nhà máy của bạn cũng gặp rắc rối to.
Vì thế, có thể nhiều người cảm thấy Chủ nghĩa tư bản tự do khiến con người có gì đó vô cảm, nhưng dù sao nó cũng bị pháp luật theo dõi chặt chẽ nên hạn chế được rất nhiều hành vi trái lương tâm. Tương tự, nếu Trung Quốc có dân chủ, có pháp luật thì quan tham sẽ hạn chế rất nhiều.
Đừng nghĩ dân chủ làm nước bị loạn
Phóng viên: Trong bài viết ông từng đề cập, những nguy cơ phổ biến trên khắp nơi ở Trung Quốc Đại Lục đều bắt nguồn từ thể chế một Đảng chuyên chính. Trung Quốc phải làm thế nào để kết thúc một Đảng chuyên chính?
La Vũ: Dĩ diên phải thực hiện dân chủ hóa. Không phải dân chủ là giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nếu không có dân chủ thì không vấn đề gì giải quyết được.
Phóng viên: Nhưng có một bộ phận người cho rằng, nếu đa nguyên đa đảng thì Trung Quốc sẽ loạn. Ông nghĩ thế nào?
La Vũ: Đây là nói nhảm nhí. Hãy xem bao nhiêu quốc gia theo chế độ dân chủ họ có loạn không? Vấn đề quan trọng bây giờ là phải thực hiện từng bước xóa bỏ tình trạng một đảng chuyên chính sao cho ổn thỏa. Hãy nhìn vào ông Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988) đã bước đi thành công như thế nào? Vì thế hiện nay Trung Quốc không cần phát minh sáng tạo gì, chỉ cần làm theo con đường thành công của các nước tiên tiến trên thế giới là những vấn đề của Trung Quốc có thể giải quyết ổn được.
Phóng viên: Ông nghĩ sao khi ĐCSTQ tuyên truyền rằng, hiện dân trí của người dân Trung Quốc chưa đủ, vì thế cần phải đạt được một trình độ văn minh nhất định mới có thể thực hiện dân chủ đa đảng?
La Vũ: Đây cũng là nói bậy. Vậy Hồng Kông thì sao? Tại sao không cho họ tổng tuyển cử? Trong ĐCSTQ có nhóm phần tử hàng ngày chỉ nghĩ những lời biện bạch hoang đường.
Các thái tử Đảng đời thứ hai hãy thoái Đảng
Phóng viên: Thưa La tiên sinh, ông đã từ bỏ ĐCSTQ, ông Giang Trạch Dân cũng đã khai trừ Đảng tịch của ông. Với vai trò là thái tử Đảng đời thứ hai nhưng còn giữ vững đầu óc tỉnh táo, ông có lời chia sẻ gì với những người bạn cùng thế hệ với mình không?
La Vũ: Những người cùng thế hệ tôi hiện nay cũng không phải ai cũng giống nhau. Dù quan niệm của một bộ phận người về Chủ nghĩa tư bản quan liêu của ông Đặng Tiểu Bình có gần gũi với tôi, nhưng trình độ không hoàn toàn giống nhau.
Mức độ sa ngã của ĐCSTQ hiện thế nào? Đó là nó không còn bất cứ giá trị niềm tin nào theo đuổi ngoài lợi ích vật chất. Bạn nói xem những kẻ như Chu Vĩnh Khang hay Từ Tài Hậu tin vào gì?
ĐCSTQ hiện nay có thể nói là đang “treo đầu dê bán thịt chó”. Những lời của nó nói đến chính nó còn không tin thì làm gì có người tin. Bạn thử cầm tờ Nhân dân Nhật báo rồi tùy ý hỏi một người qua đường xem họ có tin không (người có thể xem và hiểu được)? Tôi nghĩ bạn khó mà tìm được, dù chỉ một người.
Có thể nói, trên thực tế thì Đảng đã tan rã. Chuyện một ai đó có phải Đảng viên hay không hiện không ai thèm hỏi, không ai quan tâm nữa.
Tôi có nghe một người bạn học của tôi kể câu chuyện thế này: “Một bữa nọ khi mọi người đang ngồi ăn cùng nhau thì bất ngờ có một người lên tiếng: Ai là Đảng viên? Sau câu hỏi, lác đác có vài tiếng nói phản hồi, đại ý là: Thời đó chúng tôi còn trẻ nên không hiểu gì, không thể không vào Đảng”.
Tôi biết rằng, hiện rất nhiều người là con cháu đời thứ hai của các lão thành cách mạng đều đang rất chán nản với Đảng, trạng thái của họ mỗi người mỗi vẻ, nhưng muốn họ công khai đứng lên tuyên bố bỏ Đảng là rất khó. Tuy nhiên nếu họ không muốn trông thấy ĐCSTQ làm những việc xấu, ví như chuyện mổ cướp nội tạng, thì tốt nhất là họ nên thoái Đảng… Tóm lại là làm sao để mình không trở thành người tiếp tay cho ĐCSTQ.
(*) Bạn đang xem P4 của loạt bài Phỏng vấn ông La Vũ, xem thêm Phần 1, Phần 2 và Phần 3
Theo Daikynguyenvn