Ông La Vũ, con trai của Đại tướng La Thụy Khanh (tướng tâm phúc của ông Mao Trạch Đông) từng làm quan ở Bộ Tổng Tham mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì không chấp nhận tình trạng hủ bại trong quân đội ĐCSTQ, sau sự kiện Thiên An Môn ông đã bỏ ra nước ngoài sinh sống.
Gần đây ông lại kêu gọi ông Tập Cận Bình từ bỏ chế độ chuyên chế một Đảng để đi về hướng dân chủ. Vào ngày 12/12 vừa qua, báo Đại Kỷ Nguyên và Đài Truyền hình Tân Đường Nhân đã cùng phỏng vấn ông La Vũ. Trong bài thứ ba này, ông La Vũ chia sẻ về chiến tranh, mâu thuẫn giữa dân chủ và chuyên chế, thời cuộc của Trung Quốc, quan hệ Trung – Mỹ, quan hệ Trung Quốc Đại Lục và các khu vực Hồng Kông, Macao, Đài Loan.
Giữa hai bờ không thể có chiến tranh
Phóng viên: Trung Quốc có một bộ phận người thường tưởng tượng Mỹ như kẻ thù, nếu một ngày nào đó Mỹ và Trung Quốc có chiến tranh thực sự thì ông nghĩ phần thắng nghiêng về bên nào?
La Vũ: Đề tài chiến tranh không thể nói “nếu như”. Sau Thế chiến thứ Hai, Trung Quốc từng có lần chiến tranh với Mỹ (hoặc nói là với quân Liên Hiệp Quốc) ở Triều Tiên. Cuộc chiến này như thế nào cũng đã rõ. Vì cha tôi là người trong cuộc nên tôi biết nhiều. Từ góc nhìn hiện tại thì đây là một cuộc chiến sai lầm, diễn ra trong thời gian và địa điểm sai lầm. Cả Trung Quốc và Mỹ hiện đều nhận thấy đó là cuộc chiến oan uổng.
Sau Thế chiến thứ Hai, có thể nói không có bất cứ vấn đề gì phải giải quyết bằng chiến tranh giữa các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật. Những lãnh đạo giữa các nước lớn này cũng không nên ngu ngốc đến mức dùng đến chiến tranh để giải quyết một sự kiện nào đó. Giữa các nước lớn phải có nhận thức chung không thể dùng chiến tranh để giải quyết được bất cứ vấn đề gì.
Ở đây không chỉ là giữa các nước lớn, giữa hai bờ eo biển cũng thế. Nhưng có một số người gây ồn ào để thu hút sự chú ý. Kỳ thực Đại Lục thì nói, “Anh không đòi độc lập thì tôi không đánh”, còn Đài Loan thì nói “Anh không đánh thì tôi không đòi độc lập”, hai cách nói này đã phản ánh tình hình rất rõ ràng.
Đáng lẽ đã thu xếp được vấn đề Đài Loan, nhưng thời Mao Trạch Đông nắm quyền, ông ấy không cân nhắc lại dùng vũ lực đánh Đài Loan.
Hiện nay quân đội Trung Quốc toàn đám ô hợp, với tệ nạn mua quan bán chức như vậy liệu có còn đánh trận được không? E rằng vừa nghe tiếng súng là đã đầu hàng cả rồi.
Phóng viên: Ông cho rằng quân đội Trung Quốc không còn sức chiến đấu nữa à?
La Vũ: Đúng vậy.
Phóng viên: Thưa La tiên sinh, trong bức thư gửi ông Tập Cận Bình, ông kêu gọi phải đa đảng, có báo chí tư nhân, tư pháp độc lập, tiến hành tổng tuyển cử và quốc gia hóa quân đội (phi Đảng phái) để kết thúc chuyên chính độc đảng. Vậy theo ông liệu có dấu hiệu về sự thay đổi cơ chế qua hành động chống tham nhũng và cải cách trong quân đội của ông Tập Cận Bình không?
La Vũ: Vấn đề cơ chế thì có thay đổi. Tuy nhiên tôi chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy sẽ phát triển theo hướng quốc gia hóa quân đội.
Tôi cho rằng đây là vấn đề khó khăn nhất, vì việc bỏ cấm đa đảng và báo chí tư nhân thì có phần dễ hơn, vấn đề tư pháp độc lập và tổng tuyển cử cũng vậy. Còn như quốc gia hóa quân đội, nghĩa là quân đội không còn là quân đội của Đảng mà là quân đội của quốc gia, vậy thì Đảng của bạn phải là Đảng được lòng dân, nếu không Đảng sẽ tan, đúng không? Vì thế làm được điều này đòi hỏi nhiều quyết tâm hơn.
Mâu thuẫn giữa chuyên chế và dân chủ
Phóng viên: Trong sách ông có nhắc đến mâu thuẫn chủ yếu trong thế giới ngày nay là giữa chuyên chế và dân chủ. Nhưng ĐCSTQ luôn kêu gọi Hồng Kông, Macao, Đài Loan phải thống nhất, phải thu phục Đài Loan, thống nhất Hồng Kông. Hiện nay đối với Hồng Kông rơi vào tình trạng một nước hai chế độ. Nếu thống nhất họ có đi theo hướng độc tài không?
La Vũ: Không có khả năng này! Vì lịch sử không thể đi ngược lại. Lịch sử không có chuyện thống nhất giữa độc tài và dân chủ. Đây là do một số kẻ độc tài hoặc bồi bút của kẻ độc tài nói lung tung. Làm sao có thể thống nhất (thể chế) với Hồng Kông? Đây là vấn đề không thể nào xảy ra! Nó dựng lên Lương Chấn Anh, mọi người hay nói Lương Chấn Anh là Đảng viên ngầm. Dù sao thì ĐCSTQ cũng không dám công khai bàn chuyện thống nhất (thể chế) với Hồng Kông. Nó dựng lên ông Lương Chấn Anh, hoặc nói ông Lương Chấn Anh làm việc cho nó cũng được, bán mạng cho nó cũng được, nhưng dù sao ông ta cũng không được người dân Hồng Kông ủng hộ.
Phóng viên: Ông cho rằng chuyện một nước hai chế độ ở Hồng Kông là do ông Đặng Tiểu Bình thúc đẩy, liệu tình trạng này có thể kéo dài bao lâu?
La Vũ: Tôi cảm thấy từ sau năm 1997 có một thế lực trong ĐCSTQ muốn chiếm trọn Hồng Kông, hủy bỏ tình trạng một nước hai chế độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói có thể một đất nước hai chế độ với Hồng Kông, còn Tây Tạng lại không. ĐCSTQ dĩ nhiên không muốn một nước hai chế độ, nhưng do những cản trở của ông Đặng Tiểu Bình mà họ không lật ngược lại được vấn đề này.
Hiện tình trạng đang bế tắc. Người Hồng Kông muốn tổng tuyển cử, muốn giữ một nước hai chế độ. Một thành phần của ĐCSTQ muốn xóa bỏ tình trạng này. Tôi nghĩ số người muốn lật đổ tình trạng một nước hai chế độ không nhiều, chẳng phải năm nay Hồng Kông đã chiếm cứ khu Trung tâm kinh tế – chính trị Trung Hoàn sao? Khi đó cảnh sát đã ra lệnh nếu không dừng lại sẽ có nổ súng. Nhưng ông Tập Cận Bình đã nói “ai muốn nổ súng thì thử xem”? Dĩ nhiên những điều này tôi đều chỉ biết qua mạng, nhưng tóm lại là không có nổ súng.
Vì có người muốn hại ông Tập Cận Bình, muốn ông ta phải quản việc ở Hồng Kông, đây là một trở lực cho ông ấy. Ông Tập Cận Bình không làm theo ý của người khác cho thấy ông ấy rất tỉnh táo. Đây là lý do vì sao tôi hy vọng ông ấy sẽ đi theo hướng dân chủ.
Chủ nghĩa dân tộc và việc bán nước của ông Giang Trạch Dân
Phóng viên: Khi ông Giang Trạch Dân nắm quyền đã thường xuyên kích động chủ nghĩa dân tộc. Có thể thấy trong tình trạng bất mãn của giới trẻ Trung Quốc Đại Lục hiện nay, khi xảy ra chuyện đảo Điếu Ngư họ đã bị kích động gây rối trật tự. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
La Vũ: Đây là hành động ngu xuẩn. Về vấn đề lãnh thổ như tôi đã nói, không thể dùng thủ đoạn chiến tranh để giải quyết được, chuyện đảo Điếu Ngư hay Hải Nam đều như vậy, phải đàm phán ôn hòa với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, hơn nữa phải đàm phán bằng tư duy mới. Không thể chỉ biết khăng khăng nói đây là của anh hay của tôi, không nên dùng cách nói này vì hiện nay cả thế giới như một cái làng. Vấn đề không phải là của anh hay của tôi, như thế làm sao có thể cùng phát triển đây? Việc tranh chấp hiện nay trên thực tế là tranh chấp nguồn tài nguyên.
Phóng viên: Ông Giang Trạch Dân bề ngoài thì kích động tình cảm dân tộc, nhưng lại âm thầm ký thỏa thuận bí mật với Nga, nhượng một phần lớn lãnh thổ cho Nga, ông có biết chuyện này không?
La Vũ: Đây là do người Nga công khai Hiệp ước ra, vì người Nga dù sao cũng còn chút tính dân chủ nên sau khi ký đã công bố công khai nên người Trung Quốc mới biết. Về việc này ông Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đều không ai thừa nhận, nhưng ông Giang Trạch Dân thì thừa nhận, vì thế người ta nói ông ta là kẻ bán nước. Việc này bạn sao có thể thừa nhận được?
Tại vì sao? Vì Trung Quốc bị cô lập sau sự kiện Thiên An Môn nên ông ta muốn kết bè phái với Nga và nhượng một phần lớn lãnh thổ cho Nga. Đây là hành động không người Trung Quốc nào lại thừa nhận, vì khi anh thừa nhận nghĩa là anh biến thành kẻ bán nước.
Ai gây phiền phức cho ông Tập Cận Bình
Phóng viên: Hồi tháng Chín, trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình đã xảy ra chuyện hacker Trung Quốc tấn công hệ thống mạng của Mỹ, ông có nghĩ ông Tập Cận Bình tự tìm phiền phức cho mình không?
La Vũ: Nói thế không phải. Vì nhìn từ góc độ khoa học, muốn làm được điều này phải có trang thiết bị tối tân. Để có loại thiết bị hỗ trợ làm nổi việc này thì chỉ Chính phủ một quốc gia mới làm được. Trên mạng cũng có bài báo phân tích về hành vi này, theo đó đây không phải hành vi cá nhân mà là hành vi của Chính phủ. Ông Bộ trưởng Bộ Công an lên tiếng chuyện này do phía Trung Quốc gây ra, nhưng đổ cho hacker, không thừa nhận là hành vi của Chính phủ. Nhưng dù thế nào thì cũng là do người Trung Quốc gây ra. Tuy nhiên mọi người cũng nhận thấy không có chuyện ông Tập Cận Bình tự gây phiền phức cho mình, vì đạo lý này không hợp lý!
Phóng Viên: Vậy theo ông thì ai gây phiền phức cho ông Tập Cận Bình?
La Vũ: Đó là kẻ muốn cản trở ông Tập Cận Bình đi theo con đường dân chủ! Về vấn đề quan hệ Trung – Mỹ tôi cũng đã nói rồi, Trung Quốc là chính thể chuyên chính, là chính thể chuyên chính lớn nhất thế giới, vì thế người Mỹ không thể đối xử với Trung Quốc như những nước dân chủ khác. Người Mỹ vạch rõ ranh giới: anh là kẻ độc tài chuyên chế.
Phóng viên: Từ góc nhìn của ông về tình hình Trung Quốc Đại Lục thì ông còn chú ý đến những hiện tượng nào?
La Vũ: Rất nhiều, bạn xem vừa thả nhà báo Cao Du (Gao Yu) ra thì lại bắt nhà đấu tranh Quách Phi Hùng (Guo Feixiong) vào…
Phóng viên: Ông nghĩ ai bắt và ai thả?
La Vũ: Đều trong hệ thống của Chu Vĩnh Khang. Anh hỏi ai bắt, ai thả, đó chẳng phải là người của hệ thống công an sao?
Anh nói xem tại sao người ta không phạm pháp lại đi bắt người ta? Có thể thấy hiện nay mười ngón tay của ông Tập Cận Bình không giữ nổi mười con châu chấu, không thể bao quát được hết tất cả mọi chuyện. Việc lớn có thể còn thấy được, việc nhỏ có thể không nhìn tới được.
(*) Bạn đang xem P3 của loạt bài Phỏng vấn ông La Vũ, xem thêm Phần 1 và Phần 2.
(Còn nữa)
Theo Daikynguyenvn