TT – Trung tâm TP.HCM sẽ có một trung tâm thương mại – phố đi bộ ngầm bên dưới đường Lê Lợi.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong năm nay sẽ triển khai thi công nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1), đồng thời xây dựng một trung tâm thương mại – phố đi bộ ngầm bên dưới đường Lê Lợi. Sau khi hoàn thành sẽ là “phố mua sắm dưới lòng đất” có quy mô lớn nhất tại TP.HCM sau này. Cả nhà ga và trung tâm thương mại là hạng mục quan trọng nhất của dự án tuyến metro số 1 – Bến Thành (Q.1) – Suối Tiên (Q.9). Bên dưới mặt đất 3m
Trong quá trình xây dựng gói thầu 1a – nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ kết hợp triển khai thi công xây dựng trung tâm thương mại ngầm trong lòng đất đoạn từ công viên 23-9, đường Lê Lợi đến Nhà hát TP dài khoảng 700m, rộng 60m (lộ giới đường Lê Lợi) và nằm cách mặt đất khoảng 3m. Ông Bùi Xuân Cường – trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM – cho biết nơi đây sẽ là một trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất TP đặt ngầm trong lòng đất. Đồng thời, trung tâm thương mại này cũng được coi là phố đi bộ lớn nhất trong lòng đất vì được kết nối với đường đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) sắp đưa vào hoạt động trong dịp lễ 30-4-2015. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, công trình xây dựng trung tâm thương mại dưới mặt đất có diện tích 44.720m 2 , trong đó bố trí các cửa hàng buôn bán, dịch vụ và cơ sở hậu cần nằm ở hai bên tầng hầm có diện tích khoảng 22.600m 2 , phần ở giữa tầng hầm là lối đi công cộng – phố đi bộ có diện tích hơn 22.120m 2 . Trung tâm thương mại trong lòng đất này sẽ mở các lối lên xuống để kết nối với chợ Bến Thành, các cao ốc và cửa hàng, trung tâm mua sắm ở hai bên đường Lê Lợi. Như vậy, hành khách từ các tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương (Q.12), tuyến metro số 3a Bến Thành – bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) và tuyến metro số 4 Thạnh Xuân (Q.12) – đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) khi đến ga trung tâm Bến Thành có thể vào phố đi bộ trung tâm mua sắm tầng ngầm, đến Nhà hát TP và sau đó dạo bộ quảng trường Nguyễn Huệ. Không ảnh hưởng giải tỏa và cây xanh Việc thi công trung tâm thương mại ngầm ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Xuân Cường cho biết biện pháp thi công là đào hở (đào từ trên xuống) trên đường Lê Lợi, trong đó đoạn đào sâu nhất là 26,8m để bố trí tuyến metro số 2, các tầng ở giữa bố trí tuyến metro số 1 và số 2 ở độ sâu 13,4-16m và tầng trên cùng bố trí trung tâm thương mại ngầm nằm cách mặt đất khoảng 3m. Để không gây ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại và buôn bán ở hai bên đường, trong giai đoạn 1 đào một nửa mặt đường và đến giai đoạn 2 sẽ thi công tiếp phần còn lại. Trong quá trình thi công sẽ tổ chức phân luồng giao thông. Liệu có ảnh hưởng đến giải tỏa? Theo ông Bùi Xuân Cường, ở công trình xây dựng gói thầu 1a và trung tâm thương mại không ảnh hưởng đến giải tỏa và cây xanh trên vỉa hè. Bởi vì toàn bộ mặt bằng đào ngầm trên đường Lê Lợi dài 540m nằm trong phạm vi lộ giới, sử dụng mặt bằng công viên 23-9 và mặt bằng phía trước chợ Bến Thành. Riêng các dự án xây dựng các tuyến metro khác kết nối về nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ được tính toán cụ thể sau. Nhiều người lo ngại tình trạng ngập nước ở TP sẽ không bảo đảm sự an toàn của trung tâm thương mại ngầm này? Theo ông Bùi Xuân Cường, thiết kế xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành và trung tâm thương mại ngầm do một đơn vị tư vấn Nhật Bản thực hiện, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn thiết kế. Trong đó, đơn vị tư vấn thiết kế đã tính toán đầy đủ trong việc xây dựng công trình chống ngập nước và chống động đất. “Đơn vị tư vấn thiết kế cũng tính toán bố trí hệ thống thông gió, chiếu sáng bảo đảm công trình trung tâm thương mại an toàn tuyệt đối” – ông Cường khẳng định. Liên quan đến nguồn vốn đầu tư vào trung tâm thương mại, ông Bùi Xuân Cường cho biết tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng. UBND TP.HCM đã giao cho các sở, ngành đề xuất cơ chế kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (Nhà nước hợp tác với tư nhân) để chọn các nhà đầu tư có năng lực. Trong đó, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư như lãi suất vay ngân hàng, quyền sử dụng đất… Các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia khai thác trung tâm thương mại này. Trước đó, đã có một nhà đầu tư Nhật đề nghị với Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ngầm theo hình thức PPP, trong đó Nhà nước góp 70% và nhà đầu tư góp 30%. Tuy nhiên đây mới là nhà đầu tư duy nhất và phương án tài chính cũng chưa rõ. Nhà ga kết nối nhiều tuyến metro Theo ông Bùi Xuân Cường, trung tâm thương mại ngầm là một hạng mục nằm trong công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành thuộc gói thầu 1a “Xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành (phía trước công viên 23-9 và chợ Bến Thành) đến nhà ga Nhà hát TP”. Đây là gói thầu cuối cùng của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7km. Do đây là nhà ga trung tâm nên các cơ quan chức năng đã mất rất nhiều thời gian bàn bạc về thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối các tuyến metro khác, hạn chế thấp nhất các bất cập do thi công không đồng bộ. Cụ thể nhà ga trung tâm Bến Thành được xây dựng có độ sâu 26,8m, dưới lòng đất gồm bốn cấu phần chính: tầng B1 là tầng thương mại ngầm nằm cách mặt đất khoảng 3m; tầng B2 là ke ga (nơi khách đi hoặc đến) trong đó xây dựng tuyến metro số 1 nằm song song với ke ga tuyến metro số 4; tầng B3 là tầng trung chuyển khách và tầng B4 là ke ga tuyến metro số 2 cách mặt đất 26,8m. Như vậy, hành khách từ nhà ga trung tâm Bến Thành có thể chọn các hướng đi về các cửa ngõ TP hoặc đến bến xe Miền Tây, bến xe Suối Tiên (sau này sẽ dời bến xe Miền Đông về đây). Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, tiến độ xây dựng công trình nhà ga trung tâm Bến Thành được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 2015-2018 xây dựng hoàn chỉnh nhà ga và đoạn đi ngầm bên đưới đường Lê Lợi của tuyến metro số 1, xây dựng phần kết cấu ngầm của tuyến metro số 2 và tuyến metro số 4 trong phạm vi nhà ga trung tâm. Giai đoạn 2 2018-2023 xây dựng hoàn chỉnh phần còn lại của nhà ga đường sắt tuyến đô thị số 2 và tuyến metro số 4 và xây dựng khu thương mại ngầm.
NGỌC ẨN
|
Theo Tuổi Trẻ