TTO – Thời gian qua đã lâu rồi vẫn không đủ để tôi biết bữa trưa vội bên bếp củi trong một căn nhà ở ngã ba Phố Cáo ngày mưa năm ấy. Phố Cáo trong tôi là thực hay là mơ?
Tôi dừng lại ở Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) vì tắc đường. Ngày đó, mỗi khi đội phá núi làm đường cài mìn, xe khách sẽ phải chờ chừng hơn nửa giờ mới qua được. Dốc trên, dốc dưới nhìn nhau. Bạn tôi đứng trên sườn đá điện thoại bảo hay là em cắt núi lên đây anh đợi. Chào những người bạn đồng hành vừa kịp quen trên chiếc xe khách cà tàng xọc xạch màu vàng chanh lấm lem bụi đường, tôi đi. 1. Balô đeo trên vai, máy ảnh lủng lẳng. Cách nhau một con dốc, một khúc cua, một sườn núi. Bóng bạn tôi như cái chấm bé xíu trên nền trời. Ôtô, xe máy ai cũng kiên nhẫn đứng hai đầu con dốc đợi nổ mìn thông xe. Chỉ có mình tôi bước thấp bước cao leo qua vách đá, bám vào đám cây rừng. Đi về phía có anh. Không phải lần đầu gặp nhau mà sao trái tim đập rộn ràng trong lồng ngực. Nụ cười khe khẽ, mắt nhìn khe khẽ. Như là tôi sợ nắng sẽ vụt tắt, mây sẽ vội bay, gió sẽ ngừng thổi và tiếng gà gáy le te sớm mai sẽ chìm vào yên ắng. Phố Cáo của lần đầu hai trái tim gặp gỡ sao nhẹ nhàng quá đỗi gì đâu! Bỏ lại sau lưng tiếng cười nói lao xao của nhóm công trường, tiếng cằn nhằn của vài người khách đợi chờ trong sốt ruột, Phố Cáo dang rộng vòng tay đón tôi bằng một thung lũng mênh mang gió trời, những dải núi dăng thành, con đường lộ thênh thang không một bóng xe qua. Bằng những cổng nhà im lìm, bờ rào đá sóng sánh nắng, đám cành khô khẳng khiu in hình lên ô cửa, bất chợt giật mình bởi bóng người lại qua trên đồng, bất chợt hốt hoảng bởi tiếng khóc ré lên của một em bé nào từ góc nhà đầy bóng tối, mùi chăn màn cũ kỹ, ẩm mốc. Bằng mùi nắng mới tinh tươm, mùi gió lạnh quẩn quanh trên nóc nhà. Một Phố Cáo an bình níu chân tôi. 2. Chúng tôi trở lại Phố Cáo vào một ngày mưa mù giăng khắp chốn. Trời đất bồng bềnh trong biển sương, núi mờ xa, cánh đồng mờ hoa, nhà trình tường chìm trong hư ảo. Đụn ra ngô sũng nước co ro, luống rau cải hoa vàng run rẩy. Vội vã dừng xe nơi ngã ba, vội vã sà vào bếp lửa trong ngôi nhà quen thuộc đã ghé bao lần trong những năm tháng ngày xa. Bếp lửa nổi cạnh bếp lò lớn, hẳn là bếp hay dùng để nấu rượu, bung ngô và nhuộm vải, hẳn là bếp lò thường nấu thức ăn cho gia súc với cái chảo gang lớn đang nằm rất ngoan hiền. Chàng trai Mông thuở nọ giờ đã là ông bố của hai đứa con, vùi thêm lõi ngô vào đống lửa cúi đầu thổi một hơi dài. Ngọn lửa bùng lên hồng rực, ấm áp, reo vui, xua đi gió mưa ướt nhẹp, xua đi cơn lạnh vừa theo chân chúng tôi bước qua cái ngưỡng cửa cao vào nhà. Bạn ngồi lại bên bậc cửa đốt một điếu thuốc lơ đãng nhìn ngã ba Phố Cáo đang bị nhấn chìm trong sương mù. Bên trong căn nhà nhỏ, hai cô gái vừa cởi giày phơi tất, vừa hong ấm đôi bàn tay. Mẹ bọn trẻ ôm đứa nhỏ chuyển từ giường lại gần bên bếp lửa trong khi chồng lục can rượu cất trong xó nhà mang ra cùng mấy chiếc chén. Rượu ngô trong vắt, cay xộc, đốt cháy cổ họng và làm ấm cái bụng đang co ro vì lạnh. Chúng tôi lấy trong balô ra nắm cơm nếp vừa mua trên chợ Đồng Văn ban sáng, giờ đã trở nên lạnh cóng. Nhưng có hề gì khi được cùng nhau quây quần bên bếp củi và cùng nhau san sẻ từng nhón cơm, trong sự e dè của gia đình chủ nhà và đám lữ khách tự tin như thể chính mình mới là chủ. Chúng tôi đã uống khá nhiều rượu, có thể chạm ly, có thể không, trong những câu chuyện đứt quãng và trong những khoảng lặng mỗi người tự chọn cho riêng mình. Ngọn lửa ấm áp như chiếc khăn cam của người Mông trên vai tôi. Mắt nhìn ấm áp như thể chúng ta đã thân thuộc tự bao đời. 3. Tôi không nhớ đã bao lần bước qua Phố Cáo. Ám ảnh bởi tiếng trẻ con cười trong vắt ngân nga, xe cải tiến lọc cọc trên đường dài hun hút, chiếc váy Mông xúng xính trên đồng cỏ, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới lưng chừng trời. Ám ảnh bởi những nỗi buồn, những ngón tay run lên trong mùa đông, nắng cháy đỏ tàn khô mùa hạ, bờ rào đá, ly rượu cay, mối tình hoang hoải… Và tôi biết buổi trưa ấm áp như không có trong sự thật năm ấy sẽ không bao giờ còn trở lại. Những khoảnh khắc vàng theo chân bạn đồng hành bước về phía lãng quên…
THỦY TRẦN
|
Theo Tuổi Trẻ