Tinh Hoa

Phim “nóng” trở lại: Niềm vui, tiếng thở dài hay sự trống rỗng?

Không phải vô cớ mà những bộ phim điện ảnh của Việt Nam gần đây chú trọng nhiều tới sex – tình dục. Từ những phim độc lập cho đến phim thương mại, sex, đồng tính đều được khai thác kỹ. Và xu hướng đó cũng đang phủ bóng lên LHP Cannes (Pháp) lần thứ 68 khi hàng loạt phim nóng xuất hiện. Sex lại là chủ đề được ưa thích ở phim tây lẫn phim ta

Ngả mũ với Oshima

Khoảng 10 phim nóng được kể tên tại LHP Cannes năm nay (kéo dài hết 24.5), và sex giờ đây đa dạng nhiều màu sắc hơn rất nhiều. Từ lưỡng tính đến đồng tính nam, đồng tính nữ, từ sex trẻ đến sex người già. Từ chuyện loạn luân hai chị em ruột đến phi công trẻ lái máy bay bà già, trò yêu thầy… như trong “Love”, “Marguerite and Julien”, “Carol”, “Irrational Man”…

Ngay đến ngôi sao nổi tiếng Michael Caine (đoạt giải Oscar, từng đóng phim “Người Mỹ trầm lặng” ) cũng vào một phim nhiều cảnh nóng bỏng là “Youth” (ảnh – Tuổi thanh xuân).

LHP Cannes nổi tiếng tôn vinh những sáng tạo, bất chấp công chúng thích hay không, thậm chí những phim càng gây tranh cãi, càng dễ đoạt giải.

 

Và những phim nhiều cảnh nóng được các nhà phê bình xếp vào dòng Điện ảnh gợi dục (Erotic Cinema) đã từng xuất hiện ở LHP Cannes từ năm 1961 với phim “Viridiana” của đạo diễn Luis Bunuel đoạt giải cao quý nhất Cành cọ vàng… Một năm sau, công chúng tiếp tục bị sốc với phim “A Dog’s World”. Tác phẩm tài liệu “Italy” của ba đạo diễn Paolo Cavara, Gualtiero Jacopetti và Franco Prosperi tập hợp tư liệu hình ảnh thật về những nghi thức tình dục kỳ lạ khắp thế giới, đã được đề cử Cành cọ vàng…

Nhưng cho đến giờ, có một phim mà ngày nay xem lại khán giả vẫn bị sốc vì mô tả trần trụi những gì là bản năng gốc hoang sơ nhất của con người trong bộ phim “Vương quốc nhục cảm” (In the Realm of the Senses) của đạo diễn Nagisa Oshima (Nhật bản) chiếu tại LHP Cannes năm 1976.

Nhiều đạo diễn có ý định làm phim nóng, xem xong “Vương quốc nhục cảm” đã phải chắp tay “chào thua” Oshima vì biết rằng phim mình làm sẽ không thể vượt qua ông.

Thực sự ngay đến phim “50 sắc thái” sau này so với “Vương quốc nhục cảm” cũng quá ư dịu dàng! Chả thế mà phim bị cấm chiếu nhiều quốc gia, nữ diễn viên chính phải lưu lạc 20 năm trời, và khi ra mắt phim bị gán mác phim khiêu dâm cấp 3. Để rồi sau đó, nhiều nhà phê bình lại coi đây là kiệt tác của Oshima và như nhà phê bình Anh – Joan Mellen ca ngợi: “Với tác phẩm này, Oshima muốn phá bỏ những thông lệ của xã hội cũng như văn hóa làm phim nhiều cấm kỵ trước đó. Bằng cách làm phim về tình dục, ông lựa chọn một điểm nhìn cách mạng”.

Thời đại và nghệ sĩ

Tại sao Oshima lại dũng cảm làm một phim kinh hoàng như thế? Có đặt vào bối cảnh bộ phim được làm vào thập niên 1960 – 1970 mới hiểu khi hồi đó, phong trào Hippy với quan niệm sống cùng thiên nhiên, nhạc trẻ Rock & Roll, tư tưởng phản chiến v.v… đều tỏa rực ánh hào quang để làm mưa làm gió. Phong trào “Làm tình, không chiến tranh” (Make love, not war) của vợ chồng ca sĩ John Lennon, nhóm nhạc The Beatles…

Và sự bế tắc của một bộ phận khá đông giới trẻ Nhật hồi đó cũng từng được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm của nhà văn vĩ đại Haruki Murakami, tiêu biểu như “Rừng Na Uy”, với màu sắc tình dục vô cùng đậm đặc, nam, nữ nói chuyện về sex tự nhiên vô cùng.

Vậy thì sự hiện diện của hàng loạt phim “erotic” tại Cannes năm nay đặt trong bối cảnh thế giới đang ngột thở với xung đột, với những cuộc chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sống thì sex như một không gian an toàn để giải tỏa cảm xúc, để buông xả khỏi những bức bối, áp lực của cuộc sống.

Và sex còn là điều mà con người cảm nhận rõ nhất sự tồn tại của chính mình, sự kết nối giữa bản thân và người khác. Sex để trốn cô đơn dù nhiều khi biết rằng sau sự thăng hoa, lên đỉnh là cảm xúc cô đơn, trống rỗng đến tê người.

Sex… “cứu” phim Việt?

Giai đoạn “cởi trói” cho văn nghệ sĩ thời điểm những năm 1990 là cơ hội vàng để văn nghệ sĩ Việt Nam thả sức sáng tạo. Nhưng đó cũng là khi hàng loạt phim “mì ăn liền” ồ ạt bung ra và sex – một mảng đề tài cấm kỵ – như uẩn ức bị dồn nén bấy lâu giờ trào ra. Những cảnh nóng tràn ngập những phim “mì ăn liền” thời đó kể cả phim truyền hình lẫn điện ảnh.

Sau này khi mạng internet ngày càng phát triển, chuyện sex không còn là “của hiếm” nữa, vì sao nhiều phim Việt Nam vẫn phải đưa cảnh sex vào phim, vẫn dùng vẻ đẹp thân thể đàn bà để câu khách trong các trailer? Câu trả lời nằm ở sự bất an trong cuộc sống, cần sex như món ăn không thể thiếu, hay còn ở sự coi thường khán giả, ở sự muốn thu hút, dẫn dụ từ phía ngoại quốc, hay còn nguyên nhân nào khác?

Có một thực tế là, sex trong phim tây có thể dữ dội, có thể u ám, vui tươi, thậm chí bệnh hoạn nhưng nó là thực từ nội tâm của nghệ sĩ, không phải “làm màu”. Còn sex trong phim Việt Nam nhiều khi không xuất phát từ nội tại các nhà làm phim, mà từ sự vay mượn cảm xúc, từ một ý đồ nào đó bên lề sự sáng tạo…

Theo Lao Động