TT – Tình hình biển Đông lại nóng lên khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tiếp tục kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay lập tức các hoạt động xây đảo nhân tạo ở biển Đông.
Ngày 26-4, tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã diễn ra các hội nghị như Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị Hội đồng cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN (APSC) và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) để chuẩn bị cho Hội nghi cấp cao ASEAN lần thứ 26 (từ ngày 26 đến 27-4). Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia các hội nghị. Hoàn tất COC là việc làm khẩn cấp
Về tình hình biển Đông, như Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về những hoạt động bồi đắp trên quy mô lớn các bãi đá ở biển Đông, cho rằng những hành động này đã làm thay đổi nguyên trạng, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm suy giảm lòng tin, gây căng thẳng ở khu vực. Trong bối cảnh đó, các bộ trưởng ASEAN nhất trí cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và tiếng nói chung, phát huy vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực; tăng cường trao đổi với Trung Quốc để thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là điều 5 về tự kiềm chế và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Trong bài phát biểu trước các ngoại trưởng ASEAN ngày 26-4, ông Albert del Rosario không nêu đích danh Trung Quốc nhưng có nói rằng “người hàng xóm phương bắc” đang đẩy nhanh các hoạt động bồi đắp đảo quy mô lớn ở biển Đông. “Có phải bây giờ không phải là thời điểm phù hợp để ASEAN nói với người hàng xóm phương bắc của chúng ta rằng những gì họ làm là sai và các hoạt động bồi đắp đảo của họ phải dừng ngay lập tức?” – ông Rosario đặt câu hỏi. Ngoại trưởng Philippines cho biết Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ hoàn tất bồi đắp đảo trước khi đồng ý với COC. Reuters trích bản dự thảo tuyên bố chung cho biết nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN 26 là Malaysia sẽ tránh chỉ trích Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Reuters, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng việc Trung Quốc phải kết thúc sớm COC là việc khẩn cấp phải làm ngay. “Trong bối cảnh hiện nay, việc ASEAN và Trung Quốc phải kết thúc sớm COC là hành động vô cùng cấp bách. COC phải là một công cụ ràng buộc pháp lý và phải là một công cụ có thể ngăn chặn những sự cố như trên” – ông Minh nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định COC sẽ không được thông qua ở thượng đỉnh ASEAN lần này . “Các lãnh đạo ASEAN một lần nữa sẽ nhấn mạnh sớm kết thúc thảo luận về COC. Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC dự kiến sẽ gặp nhau ở Manila (Philippines) giữa tháng 5 năm nay. Trung Quốc khăng khăng cho rằng DOC phải được thực hiện trước khi tiến tới COC – ông Carl Thayer nói và giải thích thêm – Thậm chí ASEAN ít khả năng đề cập đích danh Trung Quốc tại hội nghị lần này. Nếu ASEAN không hành động, Trung Quốc sẽ dần dần chiếm hữu biển Đông và sau đó sẽ không có gì để đàm phán ngoại trừ những điều khoản chiều theo ý muốn của Trung Quốc”. Thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn Về quan hệ đối ngoại, ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác đối thoại. Trong khuôn khổ ASEAN+1, bên cạnh các đối tác chiến lược đã có, gần đây ASEAN đã nhất trí nâng quan hệ ASEAN – Úc lên quan hệ đối tác chiến lược; hướng tới quan hệ đối tác chiến lược với EU; đang xem xét đề xuất của Hoa Kỳ và New Zealand nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. ASEAN tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong các tiến trình, khuôn khổ hợp tác khu vực như ASEAN+3, ARF, ADMM+, EAS… Các lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung bàn phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, cải tiến tổ chức bộ máy và lề lối làm việc, quan hệ đối ngoại của hiệp hội, vai trò trung tâm của ASEAN, các thách thức của ASEAN và hướng xử lý, trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. Các lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ thông qua ba văn kiện gồm: Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm, Tuyên bố Langkawi về phong trào ôn hòa toàn cầu, Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa sự tự cường của ASEAN, của các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.
QUỲNH TRUNG
|
Theo Tuổi Trẻ