(ĐTCK) Sóng ngân hàng, chứng khoán trở lại giúp VN-Index có khoảng thời gian “leo núi”, vượt qua ngưỡng 570 điểm. Tuy nhiên, động lực của thị trường hiện chưa đủ mạnh, nên VN-Index bị đẩy lùi trở lại và nhiệm vụ chinh phục ngưỡng 570 điểm được chuyển giao cho phiên cuối tuần.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn diễn biến đi ngang với dòng tiền khá nhỏ giọt. Tuy nhiên, sau hơn 30 phút giao dịch, cùng với sự dẫn dắt của các cổ phiếu dầu khí, sức bật mạnh của các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đã đồng loạt lan tỏa đến các nhóm cổ phiếu khác, giúp VN-Index tiến sát ngưỡng 570 điểm. Đồng thời, dòng tiền cũng tích cực chảy mạnh vào các cổ phiếu trên giúp thanh khoản tiếp tục tăng so với phiên trước. Sau 560, VN-Index đang gặp một trở ngại khác là 570 điểm. Ngay khi áp sát mốc trên, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại và chốt phiên không có nhiều biến động so với phiên sáng. Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 105 mã tăng, 85 mã giảm và 89 mã đứng giá, chỉ số VN-Index tăng 3,78 điểm (+0,67%) lên 568,28 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 100,52 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.826,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,93 triệu đơn vị, trị giá 107,23 tỷ đồng. Toàn sàn HNX có 100 mã tăng, 73 mã giảm và 66 mã đứng giá, chỉ số HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,44%) lên 83,4 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 51,72 triệu đơn vị, trị giá 729,54 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,34 triệu đơn vị, trị giá 45,32 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 và HNX30 vẫn là lực đỡ chính của thị trường. Cụ thể, VN30-Index tăng 4,31 điểm (+0,73%) lên 595,09 điểm với 19 mã tăng, chỉ 5 mã giảm và 6 mã đứng giá. HNX30-Index tăng 1,12 điểm (+0,71%) lên 158,48 điểm với 15 mã tăng, 7 mã giảm và 8 mã đứng giá. Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, PVD vẫn giữ đà tăng trần, khi không còn nhà đầu tư nào ra hàng và nó cũng khiến thanh khoản cổ phiếu này sụt giảm nhẹ trong phiên chiều. Đóng cửa, PVD duy trì mức giá 53.500 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 2,11 triệu đơn vị và dư mua trần 668.880 đơn vị. Trong khi đó, các cổ phiếu chủ chốt khác trong nhóm dầu khí như GAS, PVS, PVC, PVX tiếp tục thu hẹp đà tăng. Trong khi GAS, PVX quay trở lại mốc tham chiếu, thì PVS, PVC chỉ còn tăng 300-400 đồng/CP. Thanh khoản của các cổ phiếu này đều ở mức vài triệu đơn vị, ngoại trừ GAS khớp gần 650.000 đơn vị. Lực cầu gia tăng mạnh giúp các cổ phiếu ngân hàng tô đậm sắc xanh đã hỗ trợ tích cực cho thị trường. Cụ thể, VCB và BID tăng mạnh, lần lượt 1,91% và 3,16%, cùng CTG tăng 1,66% và STB nhích nhẹ. Trong đó, BID đã chuyển nhượng thành công 4,92 triệu đơn vị, CTG khớp 3,38 triệu đơn vị, VCB và STB cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khá ấn tượng với SSI tăng 700 đồng (+3,41%) và khớp 2,94 triệu đơn vị; AGR tăng trần lên 5.900 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 600.000 đơn vị và dư mua trần 90.120 đơn vị; HCM tăng 400 đồng (+1,28%), BSI đứng giá tham chiếu. Với kết quả kinh doanh quý I hợp nhất khả quan (tổng doanh thu đạt 594 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 191,5 tỷ đồng), HHS tiếp tục được đông đảo nhà đầu tư quan tâm, trong đó, là lực cầu lớn đến từ khối ngoại. Đóng cửa, HHS tăng 600 đồng (+3,17%) lên 19.500 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu toàn sàn đạt 6,81 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, FLC sau thời gian trầm lắng ở phiên sáng cũng đã sôi động hơn trong phiên chiều. Lực cầu gia tăng mạnh giúp FLC tăng nhẹ một bước giá với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,1 triệu đơn vị. Tương tự, cổ phiếu giao dịch sôi động ở phiên trước là CII, dù không giữ được sắc tím của phiên trước, đóng cửa tiếp tục tăng 200 đồng, lên 21.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 4,67 triệu đơn vị. Tương tự, các cổ phiếu bất động sản khác cũng duy trì đà tăng, trong đó, KBC tăng khá mạnh. Đóng cửa, KBC lên mức giá cao nhất trong ngày, tăng 600 đồng (+3,73%), lên 16.700 đồng/Cp và khớp 3,94 triệu đơn vị. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng mua vào sôi động. Bên cạnh BID và KBC cùng được mua vào hơn 1 triệu đơn vị, các cổ phiếu khác như PVD, HHS cũng được mua vào xấp xỉ 1 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, KLF là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 4,28 triệu đơn vị và giá cổ phiếu này vẫn duy trì ở mức tham chiếu 8.800 đồng/CP. Trong khi đó, ITQ trở lại giao dịch ở mức giá sàn 14.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ nhích nhẹ so với phiên sáng đạt 2,99 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 450.000 đơn vị. Thanh Thúy
|
Theo Đầu tư CK