Hai lá phổi của nam phi công (bệnh nhân 91) đều rơi vào tình trạng đông đặc, tiếp tục kéo dài sẽ khiến cơ quan này dễ trở thành ‘ổ dịch’ cho vi khuẩn sinh sôi. Hiện Hội đồng chuyên môn đã đề xuất xem xét khả năng chuyển bệnh nhân tới BV Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi.
Cả 2 phổi đã đông đặc, dễ thành ‘ổ vi khuẩn’ trong cơ thể
Sáng ngày 10/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết việc thở máy đối với nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) đã không còn hiệu quả.
Hiện nay, 2 lá phổi của nam phi công này đều rơi vào tình trạng đông đặc. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ khiến cơ quan này dễ trở thành ‘ổ dịch’ cho vi khuẩn sinh sôi trong cơ thể bệnh nhân.
Cụ thể, theo GS Nguyễn Văn Kính, chủ tịch hội đồng chuyên môn điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) thì do phổi bệnh nhân đặc lại nên việc sử dụng máy thở đã không còn hiệu quả. Dù được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng đông đặc dần sẽ khiến phổi của bệnh nhân mủn ra và là ‘ổ’ để vi khuẩn sinh sôi.
Chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy để đánh giá khả năng ghép phổi
Hiện bệnh nhân 91 này đã được được Hội chẩn liên viện Bệnh viện Việt Đức – Bệnh viện Chợ Rẫy – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – Bệnh viện Trung ương Huế đánh giá khả năng ghép phổi.
Hội đồng chuyên môn đề xuất xem xét khả năng chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi.
Ghép phổi là hy vọng cuối cùng
Trước đó, trong cuộc họp chiều 7/5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đề nghị cân nhắc phương án ghép phổi cho bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân phi công người Anh hiện nay, theo các chuyên gia, nếu không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị nào hiệu quả.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết muốn ghép phổi còn phải tùy thuộc nhiều khả năng, trước hết phải chờ hết tình trạng phổi viêm nhiễm và có nguồn phổi hiến sẵn.
Nếu có phổi hiến tặng, các bác sĩ còn phải đánh giá bệnh nhân xem toàn trạng có thể tiến hành ghép được không, phổi người hiến tặng có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch, người hiến, người nhận chỉ nên chênh lệch chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%…
Bệnh nhân 91 (43 tuổi) cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 – có yếu tố béo phì). Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng ‘cơn bão cytokine’ – hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ.
Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này.
Quá trình điều trị cho bệnh nhân từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã liên tục chạy ECMO hơn 1 tháng nhưng phổi còn bị đông đặc, tràn dịch phải đặt dẫn lưu. Về xét nghiệm virus, kết quả liên tục thay đổi giữa âm tính và dương tính. Việc thở máy của nam phi công cũng không còn hiệu quả.
Vũ Tuấn (t/h)