Những hóa thạch của loài cá mập mới, ít nhất có niên đại 270 triệu năm trước, đã được khai quật ở Arizonna.
Theo Live Science, nghiên cứu được công bố trên số mới nhất của Tạp chí Sinh học lịch sử cho rằng Arizonna là nơi có bộ sưu tập cá mập đa dạng nhất thế giới trong kỉ Permian (kỉ tiền khủng long). Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều loài cá mập trong khu vực này và hiện đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn về chúng. Arizonna ngày nay nổi tiếng với sa mạc, với núi, cao nguyên và khí hậu nóng nực. Rất khó có thể tưởng tượng được rằng nơi đây đã từng là thiên đường của một hệ sinh thái cá mập. Theo những chia sẻ của nhà nghiên cứu David Elliott, trong kỉ Permian, một vùng biển nông, ấm áp đã bao phủ một phần khu vực này. Đây chính là nguyên nhân khiến ở giai đoạn đó, có nhiều loài cá mập sinh sống ở Arizonna. Hóa thạch mới được phát hiện là loài cá mập nguyên thủy đã bị tuyệt chủng. Loài này có đặc trưng bởi hai vây gai ở lưng. Phần đỉnh răng ở trung tâm khá lớn. Phần đuôi của loài cá mập này đối xứng, khác biệt hoàn toàn với loài cá mập hiện đại. Phát hiện đã cho thấy sự phong phú và đa dạng của sinh vật biển khoảng 45 triệu năm trước đây, trước khi những con khủng long đầu tiên xuất hiện. John Maisey, Chủ tịch phụ trách bảo tàng và nghiên cứu cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Mĩ, đã phát biểu như sau: “Nghiên cứu này đã tiết lộ sự đa dạng đáng kể về những kẻ săn mồi hàng đầu trước khi chúng biến mất vào cuối kỉ Permian, thời kì đánh dấu một sự chuyển đổi thực sự trong thế giới cá mập, từ “cổ xưa” sang “hiện đại”. Những đặc điểm của cá mập và cá đuối giống như chúng hiện nay chỉ bắt đầu có từ đầu kỉ Jura.” Ông cũng cho biết hiện chưa chứng minh được một cách rõ ràng loài cá mập nào đã dẫn tới sự ra đời các loài cá mập hiện đại. Những phát hiện mới từ Arizonna sẽ là bước quan trọng đã làm rõ tiến trình đó. Hà Nguyễn |
Theo VietnamNet