Các nhà khoa học phát hiện hai loài ếch ở Brazil sở hữu nọc độc nguy hiểm nhất từ trước đến nay vì một gram chất độc của chúng có khả năng giết vài chục người.
Hai loài ếch mới phân bố tại Brazil. Theo NBC News, giới chuyên gia đánh giá chúng rất nguy hiểm vì khả năng tiết ra nọc độc và sở hữu “vũ khí” để đưa chất độc vào cơ thể đối thủ. Trong khi đó, phần lớn động vật lưỡng cư như ếch hoặc kỳ nhông thường chỉ tiết độc qua da để dọa kẻ thù. Những mảnh xương sắc mọc ở mũi, hàm và đầu của hai loài ếch. Khi kẻ thù tấn công, chúng sẽ tiết chất độc qua da. Chất độc truyền đến các mảnh xương để ếch đâm vào đối thủ. Một con ếch tấn công cánh tay của ông Carlos Jared, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Butantan ở Sao Paulo, khiến cánh tay đau khoảng 5 tiếng. Tuy nhiên, Jared vẫn còn may mắn vì nọc của con ếch tấn công ông không nguy hiểm so với con còn lại. Edmund Brodie, Jr., một thành viên trong nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Utah (Mỹ), cho biết, con ếch đã tấn công Jared có tên khoa học là Corythomantis greeningi, sống ở vùng xavan phía đông Brazil. Một gram độc của nó có thể giết 24.000 con chuột hoặc 6 người lớn. Tên khoa học của con ếch có độc tính cao hơn là Aparasphenodon brunoi. Theo nhóm nghiên cứu, một gram chất độc của nó có thể giết 300.000 con chuột và khoảng 80 người lớn. “Liều lượng độc tiết ra từ cơ thể ếch là một phát hiện đáng chú ý. Bên cạnh đó, cơ chế truyền chất độc vào đối thủ của chúng mở ra hướng nghiên cứu mới về loài lưỡng cư”, ông Brodie nói. Minh Anh |
Theo Zing