21 người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất tại TP. Đà Nẵng là lời khẳng định của ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng trong cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV mới đây.
Sáng 19/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP. Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tại huyện Hòa Vang.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP. Đà Nẵng đã nêu các ý kiến về các vấn đề nóng của đất nước cũng như những nổi bật của địa phương thời gian qua. Trong đó, cử tri Ngô Minh Hồng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây tình trạng sốt đất là do người Trung Quốc rót tiền mua đất.
Người Trung Quốc rót tiền mua đất
“Trước đây mỗi lô đất ở vùng ven Đà Nẵng chỉ khoảng 200-300 triệu đồng, nhưng chỉ sau một vài năm đã tăng lên hơn tỷ đồng…Mình bỏ 1 tỷ không mua được nhưng họ bỏ 2 tỷ, 3 tỷ để thông qua người Việt để mua”, cử tri Hồng cho hay.
Cũng theo vị cử tri này thì hiện nay, nhiều lô đất trong khu đất ven biển tại khu vực Ngũ Hành Sơn đã thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc.
“Nếu không kiểm soát, để người nước ngoài núp bóng mua đất thì giá đất ngày càng tăng, người dân lao động bình thường không thể mua được đất để ở. Vì vậy TP cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, làm rõ hoạt động núp bóng mua bán, giao dịch bất động sản của người nước ngoài”, ông Hồng quan ngại.
Theo đó, vị cử tri này đề nghị thành phố, Đoàn ĐBQH cho cử tri biết cụ thể rằng, tại Ngũ Hành Sơn có bao nhiêu lô đất được người Trung Quốc đứng tên.
21 người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất ở Đà Nẵng
Trả lời thắc mắc của cử tri, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT TP. Đà Nẵng cho biết, qua rà soát của Sở, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực Sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) có 246 lô đất.
Trong số này hiện có 21 trường hợp là người quốc Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất.
Cụ thể, theo ông Hùng, trước đây cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 21 người Việt Nam. Nhưng trong quá trình sử dụng thì xảy ra việc mua bán cổ phần và góp vốn giữa các cổ đông ở công ty cổ phần. Vì vậy hiện nay 21 trường hợp này, quyền sử dụng đất đã chuyển sang người Trung Quốc quyết định.
“Trước đây, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này là cho người Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác làm ăn, người Trung Quốc đã góp vốn, mua cổ phần của người Việt nên họ được đứng tên”, ông Hùng nói.
Giám đốc Sở TNMT TP. Đà Nẵng cũng khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Giải thích rõ hơn về trường hợp này, một chuyên gia về đất đai ở TP. Đà Nẵng cho biết, ví dụ như người Trung Quốc đưa cho người Việt Nam 10 tỉ đồng rồi nhờ mua một lô đất, tên trên sổ đỏ là do người Việt Nam đứng tên.
Và sau đó họ quyết định thành lập một công ty cổ phần với tổng số vốn 50 tỉ đồng để xây dựng nhà hàng khách sạn. Lúc này người Việt Nam góp vốn bằng lô đất vừa mua được quy 20% cổ phần. Đồng thời người Trung Quốc góp vốn 40 tỉ đồng tương đương 80% cổ phần.
Tiếp sau đó, trong quá trình hoạt động, người Việt Nam chuyển số cổ phần trên cho người Trung Quốc thì người Trung Quốc nắm giữ quyền quyết định, quyền sử dụng đất đối với lô đất trên. Tuy nhiên, lô đất nói trên cũng không cho phép người Trung Quốc đứng tên mà tên trên sổ đỏ có thể là tên pháp nhân một công ty.
Thông tin về tình trạng người Trung Quốc nhờ người Việt mua đất, đứng tên hộ ở khu vực sân bay Nước Mặn ven biển từng được người dân Đà Nẵng lo ngại từ 4 năm trước. Lãnh đạo thành phố khi đó cũng khẳng định đang “kiểm soát được khu vực này và chưa ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh”.
Chiều 14/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó, Chính phủ có nhiệm vụ rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.
Vũ Tuấn (t/h)