Có vẻ như, với cả Steve Jobs và Mark Zuckerberg, chính văn hoá và nền Phật giáo Ấn Độ đã giúp thay đổi cách suy nghĩ, triết lý sống và truyền cảm hứng cho họ.
Dù không có thông tin chính xác nhưng một điều chắc chắn đó là trong khoảng thời gian từ giữa những năm 1974 và 1976, nhà đồng sáng lập Apple đã có chuyến du ngoạn đến Ấn Độ trong vòng từ 1 – 3 tháng.
Theo chia sẻ của Dan Kottke – người bạn đồng hành cùng Steve Jobs thì với niềm đam mê thế giới tâm linh phương đông và Thiền Phật, sau khi kiếm được một khoản tiền kha khá từ việc làm tại công ty video game Atari, Jobs đã quyết định bỏ học và thực hiện chuyến du ngoạn dài ngày để tìm sự giác ngộ. Và đích đến đầu tiên mà ông chọn lựa là Ấn Độ.
Gần đây, CEO của Facebook là Mark Zuckerberg cũng lần đầu tiên chia sẻ về hành trình tới Ấn Độ trong cuộc hỏi đáp với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại “Town Hall”. Theo những gì Mark nói thì trong những ngày đầu của Facebook đầy khó khăn trắc trở khi vài người nghĩ rằng anh nên bán công ty cho một trong những nhà đầu tư đang rất hứng thú với mạng xã hội non trẻ này.
Vì vậy, Zuckerberg đã đến gặp Jobs, người mà anh mô tả là một trong những cố vấn của mình. Jobs đã nói với Zuckerberg hãy đến thăm ngôi đền có tên Kainchi Dham Ashram, tại Nainital, thuộc bang Uttarakhand, Ấn Độ mà ông từng đến. Chính vì vậy, Mark Zuckerberg đã dành gần 1 tháng để chu du khắp Ấn Độ.
Câu hỏi đặt ra là, đất nước đông dân bậc nhất thế giới Ấn Độ có điều gì khiến cả 2 nhà sáng lập tài ba là Steve Jobs và Mark Zuckerberg phải ghé thăm?
Dù thị trường Ấn Độ không được Apple đối xử một cách công bằng khi tới vài tháng sau khi công bố iPhone trên toàn thế giới, họ mới ra mắt sản phẩm tại đây. Thì có một thực tế đó là nhờ quãng thời gian du ngoạn tại Ấn Độ mà Steve Jobs có thể có được những trải nghiệm vô giá trong cuộc đời.
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với thủ tướng Ấn Độ Modi, CEO Apple là Tim Cook cũng đã thừa nhận rằng: “Ấn Độ và Apple có mối lương duyên rất lớn bởi cố nhà sáng lập của chúng tôi từng tới đây để tìm nguồn cảm hứng”.
Trong suốt quãng thời gian đó, Steve Jobs cạo đầu, mặc quần áo truyền thống Ấn Độ và chu du khắp các con đường trên đôi chân trần. Được biết, lúc đó ông đã gặp gỡ đạo sư Neem Karori Baba, một tín đồ Hanuman. Thực hư cuộc gặp mặt này cho tới nay vẫn không được tiết lộ chi tiết.
Tuy nhiên, sau này Steve Jobs cũng phải thừa nhận một thực tế đó là ngoài Phật pháp, Ấn Độ hoàn toàn khiến ông thất vọng. Người ăn xin tràn lan trên khắp các đường phố, nghèo đói, bệnh tật triền miên. Bản thân Jobs đã bị quật ngã bởi bệnh tiêu chảy và mệt mỏi trong suốt mùa hè khắc nghiệt tại Ấn Độ.
Kottke nhớ lại: “Chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng, mọi niềm tin tan vỡ và chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện”. Tuy nhiên sau này khi trở về từ Ấn Độ, Jobs đã trở thành một Phật tử với ý chí mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ấn Độ mang lại không ít đau khổ nhưng nó cũng đã thay đổi cuộc đời ông rất nhiều.
Trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs, tác giả Walter Isaacson đã viết: “Những người dân sống ở các vùng nông thôn Ấn Độ không sử dụng nhiều lý trí như người phương Tây, thay vào đó, họ sử dụng trực giác… Với tôi, trực giác là một thứ gì đó đầy quyền uy, có sức mạnh lớn hơn cả trí tuệ. Nó là yếu tố có tác động lớn tới công việc của tôi”.
Về phía Mark Zuckerberg, được biết anh đã đến viếng thăm đền thờ Kainchi Dham Ashram và dành gần một tháng để du ngoạn khắp Ấn Độ. Tại đây, Zuckerberg quan sát mọi người dân, quan sát cách mọi người kết nối với vạn vật và nhận ra thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta có khả năng kết nối mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ với từ Business Insider, Mark nói: “Việc này tạo cho tôi cơ hội nhận thấy tính cốt lõi về tầm quan trọng trong mọi việc chúng tôi đang làm, và đó sẽ là điều mà tôi luôn luôn ghi nhớ”.
Có vẻ như, với cả Steve Jobs và Mark Zuckerberg, chính văn hoá và nền Phật giáo Ấn Độ đã giúp thay đổi cách suy nghĩ, triết lý sống và truyền cảm hứng cho họ.
Vậy nếu là một doanh nhân, bạn có nên đến Ấn Độ hay không? Dĩ nhiên là có. Nếu đủ tiềm lực để chi trả cho chuyến đi, đây sẽ là một việc làm hoàn toàn đúng đắn. Theo quan điểm của Steve Jobs và Mark Zuckerberg, bất kỳ ai cũng sẽ nhận lại được rất nhiều thứ khi sống và đắm chìm trong một nền văn hoá khác như Ấn Độ, nó giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.
Theo genk