Hôm 29/11, cảnh sát chống bạo động Pháp đã bắn hơi cay trong cuộc đụng độ với các nhà hoạt động cánh tả biểu tình biến đổi khí hậu ở thủ đô Paris, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) .
Hàng ngàn người biểu tình đã xếp hàng thành một dãy dài trong thành phố để yêu cầu các lãnh đạo quốc tế hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu.
AFP cho biết, khoảng 4.500 nhà hoạt động xã hội đã nắm tay nhau trong một cuộc biểu tình diễn ra gần các địa điểm xảy ra cuộc tấn công đẫm máu nhất Paris, yêu cầu lãnh đạo thế giới kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.
Dòng người biểu tình giữ khoảng cách 100 mét phía trước những vòng hoa và nến bên ngoài nhà hát Bataclan, biểu thị sự tôn trọng với những người đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, khoảng 2 giờ sau khi bắt đầu biểu tình, dòng người biểu tình bắt đầu phân tán, một nhóm nhỏ đã tập trung tại quảng trường Place de la Republique và xung đột với cảnh sát.
Những người trong nhóm này mang mũ màu đen và đeo khăn che mặt khi phản đối các biện pháp hạn chế biểu tình mà chính phủ Pháp ban hành sau các cuộc tấn công đêm 13/11.
Cảnh sát đã bắn hơi cay vào một nhóm nhỏ những người biểu tình dùng chai và nến từ các buổi tưởng niệm nạn nhân của cuộc khủng bố để ném vào cảnh sát. Khoảng 100 người đã bị bắt và không khí trong khu vực này đầy hơi cay.
Trước đó, từ Úc, New Zealand đến Philippines, Bangladesh và Nhật, người dân bắt đầu đổ xuống đường diễu hành rầm rộ trên đường phố các thành phố lớn từ hôm 28/11. Tại thành phố Melbourne của Úc, người biểu tình giương cao biểu ngữ: “Hãy bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”.
Ước tính 150 nhà lãnh đạo quốc tế, bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi… sẽ tham dự lễ khai mạc hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris vào ngày 30/11.
Mục tiêu của hội nghị là đạt một thỏa thuận khí hậu toàn cầu nhằm hạn chế khí thải nhà kính để đảm bảo nhiệt độ trái đất tăng ở mức 2 độ C hoặc thấp hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng thư ký Liên HIệp Quốc Ban Ki-Moon bày tỏ sự lạc quan đối với hội nghị, nhưng nhấn mạnh tất cả các bên phải nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo dù thế giới đạt được thỏa thuận giảm khí thải nhà kính thì nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tăng 2,7 – 3,5 độ C trong tương lai.
Theo Tuổi Trẻ