Tinh Hoa

Peyo chú ngựa có khả năng khiến người bệnh cảm thấy khoẻ và hạnh phúc hơn

Nhiều người nuôi ngựa tin rằng động vật có tác dụng hỗ trợ trị liệu tương đối tốt với con người. Trên thực tế, đây cũng là một phương pháp đã được công nhận. Điển hình, ở Pháp có một chú ngựa tên là Peyo được biết đến như một ‘nhà trị liệu’ xuất sắc với khả năng giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn.

Peyo – chú ngựa thích giao tiếp với bệnh nhân

Có một lần Bouchakour dắt chú ngựa Peyo (14 tuổi) đến từ thành phố Dijon miền Đông nước Pháp tham gia một chương trình về động vật trị liệu. Anh phát hiện rằng con ngựa của mình thường bị thu hút bởi những người khuyết tật, nó rất giỏi trong việc khiến người bệnh cảm thấy hạnh phúc. 

Peyo chú ngựa có khả năng khiến người bệnh cảm thấy khoẻ và hạnh phúc hơn. (Ảnh qua Phanxico)

Từ đó Bouchakour quyết định sẽ đưa Peyo đến bệnh viện làm bạn với bệnh nhân, trở thành một chú ngựa trị liệu rất được mọi người yêu quý.

Thông thường Peyo sẽ được đến thăm các bệnh viện địa phương khoảng 2 lần một tháng. Nghe có vẻ hơi mất vệ sinh khi để một con ngựa bước vào bệnh viện, nhưng thực ra Peyo đã phải trải qua nhiều bước khử trùng và tắm táp sạch sẽ trước khi tiếp xúc với người bệnh.  

Đuôi và bờm của Peyo được tết lại, móng guốc được bôi dầu, toàn thân chú ngựa được phủ bởi một loại kem kháng khuẩn, và một chiếc chăn lớn được phủ lên lưng. Chỉ có như vậy thì sau đó Peyo mới được phép vào trong bệnh viện cùng với người chủ của mình.

Khi đã vào trong bệnh viện, Peyo được tự do đi bất cứ nơi nào chú muốn. Nhưng điều ngạc nhiên là Peyo thường đi vào phòng của những người bệnh nặng nhất, nhiều trường hợp là bệnh nhân đang chờ trút hơi thở cuối cùng. Và khi Peyo chỉ cần đứng gần thì ngay lập tức bệnh nhân sẽ cảm thấy thích chú ngựa này ngay. Một kiểu giao tiếp thầm lặng giữa Peyo và các bệnh nhân diễn ra và mọi người thậm chí còn khóc khi có sự hiện diện của chú.

Peyo chỉ cần đứng gần thì ngay lập tức bệnh nhân sẽ cảm thấy thích chú ngựa này ngay. (Ảnh qua Phanxico)

“Những bệnh nhân vốn hay tức giận và kích động bỗng trở nên bình tĩnh. Những bệnh nhân không muốn đi bộ lại bắt đầu tản bộ. Những người không muốn nói chuyện lại bỗng nhiên cất tiếng. Một số phụ nữ lớn tuổi thậm chí còn đến tiệm làm tóc vào ngày trước khi Peyo đến để họ trông đẹp nhất. Các nhân viên y tế gọi đó là phép màu”, trang Petslady dẫn lời các bác sĩ tại bệnh viện cho biết.

Peyo cùng các nhân viên tại bệnh viện. (Ảnh qua Phanxico)

Trị liệu bằng ngựa thực tế đã có từ lâu đời

Thực tế khái niệm sử dụng ngựa để trị liệu không phải là điều mới mẻ. Thời Hy Lạp cổ đại, Hippocrates, người được xem là cha đẻ của y học  phương Tây, đã viết về việc sử dụng liệu pháp hỗ trợ trị liệu bằng ngựa (Equine Therapy, còn gọi là  Horse Therapy, hay Equine-Assisted Therapy, hoặc Equine-Assisted Psychotherapy) cho người bệnh. Trong những năm 1950 và 1960, liệu pháp này đã thu hút sự chú ý lớn ở châu Âu sau khi một vận động viên giành huy chương bạc ở Olympic Đan Mạch tuyên bố rằng cưỡi ngựa giúp cô khỏi bệnh bại liệt.

Lis Hartel, một vận động viên Olympic người Đan Mạch đã tuyên bố rằng cưỡi ngựa giúp cô phục hồi sau khi mắc bệnh bại liệt. (Ảnh: wikidia / Muff 1.0)

Ở Bắc Mỹ, Hiệp hội trị liệu chuyên nghiệp bằng ngựa quốc tế (Professional Association of Therapeutic Horsemanship International – PATH) là một tổ chức đã đăng ký với chính quyền liên bang thành lập nhằm thúc đẩy việc trị liệu bằng ngựa. Với gần 4.800 hướng dẫn viên đã được công nhận và 873 trung tâm thành viên, tổ chức này đã giúp hơn 69.000 người trên khắp thế giới – những người đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn về cảm xúc và nhận thức.

Thiên Hoa biên dịch

Xem thêm:

Bạn có biết, mèo có thể bảo vệ chúng ta khỏi tà ma và linh thể xấu

Chó tham gia “chữa trị” cho bệnh nhân ung thư

Âm thanh có thể chữa bệnh: Mỗi tần số chữa được một “tâm bệnh”