Tinh Hoa

PCT xã kiếm cả trăm triệu/năm nhờ loại củ “dễ trồng như khoai”

Trung bình mỗi ha loại củ vốn là “của trời” này trồng được 10 nghìn cây cho thu hoạch 20 nghìn củ và có thể đem lại thu nhập hàng tỷ đồng.

PCT xã kiếm cả trăm triệu/năm nhờ loại củ “dễ trồng như khoai”

“Lộc trời cho” bị khai thác ráo riết

Bí thư huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam Briếu Liếc cho biết trên tờ Vietnamnet, miền rừng Tây Giang nằm sát biên giới Việt Lào là nơi có nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, một thời gian dài đã bị khai thác cạn kiệt.

Một trong những sản vật ấy là cây sâm ba kích, đông y gọi là đẳng sâm. Củ ba kích có 2 loại: Ba kích vàng và ba kích tím.

Hầu như rừng nào ở huyện Tây Giang cũng có loại ba kích vàng. Còn ba kích tím chỉ có ở xã Lăng

“Cách đây chừng 10 năm, cây sâm ba kích mọc dày đặc vùng rừng núi kéo dài dọc vùng biên giới này.

Năm 2006, người dân khai thác sâm ào ạt. Chỉ thời gian ngắn sau, cây sâm gần như bị tận diệt” – ông Bríu Liếc kể.

Giá sâm ba kích liên tục tăng, từ 5.000 đồng/kg rẻ như khoai sắn vào những năm 2006 nay tăng lên hơn nửa triệu đồng mỗi kg vẫn không có mà bán. Lúc đó, bà con vùng cao mới giật mình tìm cách bảo vệ và ươm trồng.

Ông Bríu Pố chăm sóc cây ba kích. Ảnh: Dân việt

Theo ghi nhận trên tờ Dân việt, ông Bríu Pố (64 tuổi), thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam được coi là “vua” ba kích ở Tây Giang, Quảng Nam. Ông đã biến cây ba kích đã trở thành cây thoát nghèo của đồng bào ở huyện này.

Khi thấy nhiều người đổ xô vào rừng khai thác ba kích khiến cây này cạn kiệt dần. Ông bàn với vợ trồng thử xem sao.

Năm 2007, ông bắt tay vào trồng thử nghiệm 300 khóm ba kích (900 cây). Ban đầu, thấy hai vợ chồng ông trồng ba kích, dân làng cho vợ chồng ông bị điên.

Song với quyết tâm thực hiện đến cùng, đến nay, ông đã sở hữu 1,3ha với hơn 6.000 cây ba kích. Sau 3 năm trồng, cứ 1 hố trồng 3 cây được 1kg củ.

Đều đặn hàng năm, vườn ba kích của ông có trên 2.000 cây cho củ, cứ luân phiên thu hoạch tới đâu trồng tới đó “dễ như trồng khoai”.

Với giá bán 250.000 – 300.000 đồng/kg củ, nhiều thời điểm ông không có ba kích để bán. Mỗi năm ông thu cả trăm triệu đồng từ ba kích.

Anh Bríu Hùng (SN 1979), Phó Chủ tịch xã Lãng cũng là một trong những người thành công với mô hình trồng cây ba kích với số lượng hàng chục ngàn gốc.

Chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ đời sống, anh Hùng nói, đến nay trên địa bàn xã Lăng đã có 150 hộ tham gia trồng cây ba kích tím với tổng diện tích hơn 81ha.

Chính quyền xã đã coi đây là loại cây chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân trong xã.

Cũng theo anh Hùng, để khuyến khích người dân trồng cây ba kích tím, chính quyền xã Lăng đã có kế hoạch hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cũng như địa điểm cho các hộ dân tham gia trồng cây.

Vừa vận động người dân, anh Hùng vừa tham gia nhân giống hàng ngàn gốc ba kích để “mọi người thấy mình làm có hiệu quả kinh tế cao sẽ làm theo thôi.

Chứ một số người đồng bào Cơ Tu nơi đây quan niệm rằng cây ba kích là cây của trời cho nên không thể ươm trồng được”.

Trồng 1ha ba kích thu lợi nhuận cả tỷ đồng

Cũng trên tờ Tuổi trẻ đời sống, anh Hùng cho biết, với giá thành như hiện nay là 500 nghìn đồng/kg củ ba kích tím thì 1ha trồng ba kích sau 3 năm có thể thu về cả tỷ đồng.

Củ ba kích được sử dụng chủ yếu để ngâm với rượu.

Do loại cây này đem lại giá trị kinh tế rất cao nên ngoài người dân huyện Tây Giang, một số huyện miền núi lân cận như Nam Giang, Trà My (Quảng Nam) hay huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua cây ba kích về trồng.

Ba kích thuộc loại cây thảo, leo bằng tua quấn, dài hàng mét. Thân non màu tím, có lông, sau nhẵn.

Ba kích có vị cay, ngọt, tính ấm. Quy kinh thận. Có tác dụng bổ thận, tráng dương.

Rượu ba kích dùng trong các trường hợp thận dương suy, dẫn đến các chứng di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm) hoặc phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ), muộn con hoặc các trường hợp đau lưng đau gối, đau xương khớp…

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tổng hợp

theo Trí Thức Trẻ

Theo Soha