(GDVN) – “Rất có thể Trương Cao Lệ sẽ bày tỏ quan tâm đặc biệt hoặc thể hiện giới hạn lợi ích của phía Trung Quốc”, Khang Lâm bình luận.
Ông Tập Cận Bình và Obama có thể cùng thăm Việt Nam năm nay Liêu Vọng, một tạp chí của Tân Hoa Xã dẫn nguồn tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 16/7 cho hay, chuyến thăm Việt Nam 3 ngày bắt đầu từ Thứ Năm 16/7 của ông Trương Cao Lệ, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc có thể là hoạt động dọn đường cho ông Tập Cận Bình công du Việt Nam trong năm nay. Nguồn tin từ giới ngoại giao Trung Quốc tiết lộ với báo giới rằng, ông Trương Cao Lệ đi Việt Nam là để nhằm “dọn đường cho chuyến thăm cấp cao”, củng cố quan hệ truyền thống hữu nghị, tăng cường trao đổi liên lạc giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác giao lưu thiết thực. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Tư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam và ông Bình đã nhận lời. Có nguồn tin nói rằng chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Thông thường người đi tiền trạm cho ông Bình mỗi lần xuất ngoại sẽ là Ngoại trưởng Vương Nghị hoặc Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì. Cả hai ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì đều là Ủy viên Bộ Chính trị. Việc một trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc được cử đi tiền trạm cho thấy Bắc Kinh coi trọng chuyến đi này, Liêu Vọng lưu ý. Nguồn tin nói rằng lựa chọn ông Trương Cao Lệ đi tiền trạm là do “đặc thù của quan hệ Việt – Trung”, hai nước không chỉ là láng giềng mà còn là “anh em đồng chí chung lý tưởng, chế độ”, mặc dù lịch sử cũng có những giai đoạn xung đột kịch liệt. Vài năm trở lại đây vì vấn đề Biển Đông, hai bên đã có “một số khác biệt”. Hành động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khiến tâm lý phản đối Trung Quốc (bành trướng) gia tăng trong người dân Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại vừa thực hiện chuyến thăm lịch sử sang Hoa Kỳ, Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề chính của hợp tác Việt – Mỹ, Liêu Vọng nói. Về quan hệ Mỹ – Việt và khả năng ông Obama thăm Việt Nam, học giả Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Ngoại giao – quốc phòng Nga ngày 16/7 bình luận trên tờ Ria Novosti, Tổng thống Mỹ Barack Obama rất cần một “chiến thắng đối ngoại trước khi đi vào lịch sử”, khép lại 2 nhiệm kỳ đứng đầu Nhà Trắng. Trong khi các vấn đề quốc tế hiện nay như Syria, Trung Đông, khủng hoảng Ukraine không thể giải quyết được trong ngắn hạn, những thành tựu đối ngoại đạt được trong quan hệ với Cuba, Việt Nam và giải quyết vấn đề hạt nhân Iran đã trở thành “tư lương” cho ông Obama rời Nhà Trắng, tạo tiền đề cho đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tới. Trước đó đã có những nguồn tin, bình luận cho biết, ông Obama có thể thăm Việt Nam cuối năm nay.
Ông Trương Cao Lệ sẽ trình bày lập trường về trục Mỹ – Việt – Trung khi thăm Việt Nam? Liêu Vọng cho hay, Khang Lâm, một thành viên Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) do Trung Quốc thành lập cho rằng, việc Trung Quốc phái ông Trương Cao Lệ thăm Việt Nam thời điểm này cho thấy Bắc Kinh “coi trọng” quan hệ với Việt Nam và muốn “củng cố hữu nghị”. Chuyến đi này, hai bên cũng sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề Biển Đông. Cuối năm nay ông Tập Cận Bình cũng lần đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ, Khang Lâm cho rằng ông Lệ sẽ trình bày với phía Việt Nam về lập trường của Bắc Kinh trong trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung cũng như những phát triển trong quan hệ Việt – Mỹ gần đây. “Rất có thể Trương Cao Lệ sẽ bày tỏ quan tâm đặc biệt hoặc thể hiện giới hạn lợi ích của phía Trung Quốc”, Khang Lâm bình luận. Tờ Channel News Asia của Singapore ngày 16/7 cũng lưu ý rằng, việc ông Trương Cao Lệ đi thăm Việt Nam ngay sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ là “có hàm ý”. Quan hệ Việt – Mỹ phát triển hoàn toàn phù hợp với lợi ích của hai nước Bình luận về tam giác Mỹ – Việt – Trung, ngày 10/7 học giả Alexei Maslov từ khoa Nghiên cứu Phương Đông đại học Kinh tế nói với Ria Novosti, việc tái lập quan hệ với Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chính sách mới của Hoa Kỳ. Đặc biệt hai nước đã nhất trí tăng cường số lượng các chuyến thăm viếng cấp cao lẫn nhau, mở rộng tham vấn song phương, thúc đẩy hợp tác trong đàm phán ký kết TPP. “Điều này cũng có lợi đối với Việt Nam hiện nay bởi sức ép quá mạnh từ Trung Quốc cả về tài chính lẫn quân sự, cũng như vấn đề Biển Đông. Việt Nam đang tìm kiếm các đối tác mới. Một sự xích lại gần với Hoa Kỳ lúc này gần như không có rủi ro. Khối lượng thương mại Mỹ – Việt đã đạt gần 38 tỉ USD (năm 2014), lớn hơn rất nhiều lần kim ngạch thương mại Nga – Việt”, ông Alexei Maslov bình luận. Ông cũng nhận định rằng, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đang quan tâm tìm cách cân bằng quan hệ với Việt Nam. Việt Nam cũng rất quan tâm đến các nguồn vốn đầu tư, công nghệ mới và xử lý khá tốt những mâu thuẫn trong quan hệ với 2 cường quốc Đông – Tây này để ổn định tình hình.
Trong lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ sẽ tham gia vào hoạt động hỗ trợ đào tạo cho các chuyên gia lĩnh vực công nghệ mới đang phát triển ở Việt Nam. Hoạt động kinh doanh sản xuất ở Việt Nam sẽ rẻ hơn ở Trung Quốc, Washington sẽ tăng cường đầu tư vào các ngành công nghệ cao ở Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc. Về mặt quốc phòng, hai bên đã ký kết một số văn bản bao gồm tầm nhìn hợp tác quân sự song phương có thể bao gồm việc Việt Nam mua các thiết bị, công nghệ quân sự Mỹ cho quân đội. Đó là nội dung rất đáng chú ý ngoài hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama, ông Alexei Maslov bình luận. Trục Mỹ-Việt-Trung bước vào giai đoạn 3 của một chu kỳ Đó là bình luận của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore trên trang Diễn đàn Đông Á ngày 8/7 vừa qua xoay quanh trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung với chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Tiến sĩ Hiệp, các động lực bên trong tam giác chiến lược Mỹ – Việt – Trung đang bước vào giai đoạn thứ 3 của một chu kỳ. Những năm 1950 – 1960 Việt Nam và Trung Quốc bắt tay chống Mỹ. Trong những năm 1970 – 1980 Trung Quốc đứng về phía Hoa Kỳ chống Việt Nam. Bây giờ “thủy triều thời cuộc” đã đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau khi cả hai cùng đôi mặt với một Trung Quốc (bành trướng) đang lên. Trung Quốc không nên đổ lỗi cho các nước khác mà họ gọi là “các thế lực thù địch” trong khu vực. Hoạt động xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) chính là chất xúc tác cho tất cả những biến đổi chiến lược. Chính Trung Quốc phải là người khắc phục những căng thẳng gia tang do chính họ gây ra. Trong lúc chờ đợi, sự leo thang hung hãn của Trung Quốc trên Biển Đông chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm xuống trong tương lai gần, những hoạt động xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, dù Bắc Kinh phật ý. |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam