Tinh Hoa

Ở nơi này, tôi đã từng có một gia đình…

Anh đi qua gian cửa sổ, nơi đây từng có hàng ngàn tia nắng chiếu vào mỗi buổi sớm, nơi đây có người vợ của anh và cô con gái nhỏ, nhưng tất cả đã xa rồi…

1-16-600x353
Anh Lý Lan Cường cùng con gái khi còn nhỏ.

Hơn 6h sáng ngày 20/4/2016, tại một căn phòng trọ ở quận Phòng Sơn – Bắc Kinh, học viên Pháp Luân Công Lý Lan Cường bị nhiều cảnh sát đến bắt đi và thu sạch toàn bộ tài sản (tài liệu về Pháp Luân Công, nhiều máy in, máy tính, máy ép nhựa…).

Anh Lý Lan Cường, trước đây từng là thầy giáo dạy toán tại một trường trung học quận Hải Điện thành phố Bắc Kinh. Sau năm 1999, anh bị bắt giam, bị đưa vào Ban tẩy não và từng 2 lần bị cưỡng bức lao động.

Sau lần thứ 2 bị cưỡng bức lao động thì nhà trường chấm dứt hợp đồng làm việc với anh, vợ anh không chịu nổi áp lực nên đã quyết định ly hôn, sau khi ra khỏi trại cưỡng bức lao động được 3 ngày thì cha của anh qua đời vì quá uất ức và đau khổ.

Tháng 8/2015, anh Lý Lan Cường đã gửi đơn kiện anh Giang Trạch Dân lên Tòa án và Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc và sau đó bị bắt.

Dưới đây là nội dung câu chuyện về cuộc đời anh Lý Lan Cường được ghi chép lại từ đoạn băng ghi âm trước khi anh bị bắt vào cuối năm 2015:

“Từ nhỏ tôi đã là đứa trẻ ngoan hiền, khắp thôn làng mọi người ai cũng khen ngợi, nói tôi có tiền đồ tươi sáng. Tôi trở thành sinh viên đầu tiên của thôn sau khi Trung Quốc chấm dứt Cách mạng Văn hóa và cho phục hồi lại hệ thống giáo dục Đại học. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi đành chọn vào khoa Toán Đại học Sư phạm, vì học Sư phạm không tốn tiền học phí.

Khi vào Đại học gặp phải lúc môn khí công đang thịnh hành, tôi tham gia luyện khí công, ngoài ra còn luyện võ thuật. Tôi cũng say mê nghiên cứu nghiên cứu văn hóa truyền thống Trung Quốc, tìm hiểu bát quái và chu dịch; tôi còn nghiên cứu về Đạo gia, sau lại tìm hiểu về y học, học dưỡng sinh, dường như mọi thứ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc tôi đều tìm hiểu; thế nhưng lòng tôi vẫn đầy băn khoăn, không biết cuộc đời tôi muốn tìm thứ gì.

Sau này đi làm việc rồi lập gia đình bệnh tim của tôi tái phát, khi ngồi xuống không thể đứng lên ngay được, nhiều lần đi viện chữa trị tốn kém nhưng không khỏi. Thế rồi có người giới thiệu cho tôi cuốn Chuyển Pháp Luân, sau khi đọc sách xong tôi mới vỡ lẽ đây đúng là thứ tôi tìm kiếm, nhiều câu hỏi tôi băn khoăn trong cuộc đời được giải đáp, năm đó tôi đã 32 tuổi.

Khi đắc Pháp, nằm trên giường ngủ, trong khi tôi như nửa mê nửa tỉnh thì trông thấy trên trần nhà có rất nhiều Pháp Luân, khi nhìn kĩ thì thấy tất cả Pháp Luân lập tức xoay chuyển. Vừa luyện công là tôi thấy toàn thân nóng ran, cơ thể nhẹ nhàng. Đặc biệt là từ khi tham gia luyện công tâm trạng tôi luôn vui vẻ. Con gái tôi hỏi: “Ba, tại sao tâm trạng ba dạo này luôn hứng khởi như thế?” Niềm vui của tôi không phải tôi cố ý làm ra mà vì xuất phát từ nội tâm, tôi cảm thấy một cảm giác đặc biệt dễ chịu trong người, mọi bệnh tật cũng tan biến đâu mất.

Tôi phụ trách dạy toán cho nhiều lớp, lại phải luyện thi Đại học, vì thế công việc rất nhiều, do thành tích làm việc xuất sắc nên tôi được đề bạt làm Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu giảng dạy. Trong cơ quan có hai người không ưa tôi, thường bới lông tìm vết, vu oan cho tôi. Nhưng tôi là người tu luyện nên không thể nào tranh hơn thua với họ, dù bị họ vu cáo nhưng tôi vẫn thản nhiên như không có gì, họ là cấp dưới của tôi nhưng không vì thế mà tôi chèn ép họ. Cuối cùng họ phải thừa nhận tôi là người quá tốt và chuyển thù thành bạn. Sau này tôi chợt hiểu thế nào là “thiên hạ vô địch”, nó không có nghĩa là khắp thiên hạ chúng ta không có đối thủ mà là chúng ta “không còn kẻ thù”, khi tôi có thể “hóa thù thành bạn” thì tôi còn có kẻ thù không?! Đây chính là sức mạnh của “Chân – Thiện – Nhẫn”.

Từ tháng 8/1999, nhà nước Trung Quốc không cho tu luyện Pháp Luân Công, tôi đến quảng trường Thiên An Môn khiếu nại: Pháp Luân Đại Pháp tốt như thế sao lại cấm? Có người hỏi tôi: Có phải anh luyện Pháp Luân Công không? Tôi trả lời: Phải. Thế là tôi bị bắt, bị giữ 15 ngày.

Đầu tháng 12/2001 tôi bị nhà trường lừa đến Ban Tẩy não để “chuyển hóa”, người “chuyển hóa” tôi đánh tôi và thậm chí còn không cho tôi đi vệ sinh… Tôi bị giam giữ bất hợp pháp, bị mất quyền tự do thân thể 20 ngày.

Tháng 2/2002, cảnh sát đến nhà tôi và thấy trong nhà tôi có sách Pháp, sổ ghi chép học Pháp, họ liền đưa tôi vào trại cưỡng bức lao động. Vì tội chứa sách Chuyển Pháp Luân trong nhà mà tôi bị cưỡng bức lao động 18 tháng.

Trong trại cưỡng bức lao động, cảnh sát vì muốn được tiền thưởng mà không từ thủ đoạn ép tôi bỏ tu luyện Pháp Luân Công, không cho tôi ăn no, không cho vào nhà vệ sinh; hàng ngày tôi bị bắt ngồi trên cái ghế băng nhỏ dành cho trẻ con suốt hơn chục tiếng không được đi đâu, tôi ngồi đến nỗi toàn thân ê ẩm. Vào mùa hè nóng bức, 4 người đàn anh phải sống chen chúc trong gian phòng 9 m2, nhưng nhà tù còn đóng chặt cửa sổ lại, họ không cho tôi uống nước, ép tôi phải uống nước muối loãng…

Sau này khi ra khỏi trại tôi lại trở về trường dạy học. Năm 2004, cảnh sát tìm được mấy cái đĩa trong văn phòng của cơ quan tôi và lại bắt tôi đi cưỡng bức lao động 2 năm. Lần này tôi phải dùng pháp luật để bảo vệ mình, tôi gửi đơn kiện lên tòa án thì được trả lời “không xử lý vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công”. Tôi chợt hiểu, pháp luật hiện giờ cũng chỉ là công cụ để Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công.

Sau lần thứ 2 ra khỏi trại cưỡng bức lao động thì tôi bị mất việc, nhà trường không cho tôi làm việc nữa. Ba ngày sau thì cha tôi qua đời vì quá uất ức, anh trông ngóng tôi về trong đau khổ và bệnh tật, vậy mà tôi đã không còn cơ hội được chăm sóc cho cha. Tôi bị mất việc làm, vợ của tôi thì cần đảm bảo cuộc sống để nuôi con, cô ấy cũng chịu quá nhiều áp lực nên đã chia tay tôi. Thực ra, vào lần đầu tiên tôi bị bắt vào trại cưỡng bức lao động, vợ tôi đã đề nghị chia tay, vì cô ấy quá sợ hãi. Khi đó tôi đồng ý chia tay vì hiểu cô ấy chỉ muốn sống cuộc sống yên bình. Nhưng sau khi ra trại cải tạo chúng tôi lại quay lại với nhau, dù sao cuối cùng chuyện chia tay của chúng tôi cũng không phải vì bị sứt mẻ tình cảm.

Chuyện ly hôn khiến tôi thật khó chấp nhận, vì tình cảm vợ chồng tôi rất tốt, tôi là người chồng chu đáo với vợ, tôi lo mọi việc trong nhà, luôn đỡ đần vợ giặt quần áo và nấu ăn. Tôi thuộc mẫu người của gia đình, cuộc sống khổ cực đã quen, vì thế khi có gia đình tôi rất biết quý trọng ngôi nhà của mình. Thời học Đại học tôi còn đi xây được hai căn nhà, một công việc hiếm người ở độ tuổi như tôi làm được, tôi có thể làm được nghề mộc và thợ xây. Cửa sổ gian phòng ở nhà của tôi có thể nhìn được hết tầm mắt, tôi ngồi thiền trên giường đón ánh nắng Mặt Trời chiếu vào, cảm giác thật thích thú. Khi mới dọn vào ở, tôi đã thầm nghĩ: Tôi phải chăm lo thật tốt cho ngôi nhà của mình.

Nhưng vợ tôi không muốn bị liên lụy vì tôi nên quyết định chia tay tôi, tôi không thể từ chối cô ấy, và nghĩa là tôi cũng không thể tiếp tục sống trong căn nhà đó nữa. Đến năm 2008 là thời điểm chuẩn bị tổ chức thế vận hội nên việc quản chế càng nghiêm ngặt, chỉ cần cảnh sát thấy người luyện công là lập tức bắt ngay. Tôi không thể để mẹ, vợ và con gái cũng phải sợ hãi vì tôi, họ còn phải tiếp tục sống, vì thế tôi phải dọn ra ngoài và đi ở thuê cho đến tận bây giờ.

Ra ngoài, tôi lại đi kiếm việc, tôi làm gia sư, vì tôi dạy giỏi nên cũng kiếm được nhiều tiền. Nhưng 2 năm qua nhiều đồng tu đã nhờ tôi làm giúp công việc kỹ thuật nên tôi không có thời gian đi làm gia sư.

Tôi có chút vốn liếng nên có thể sống đạm bạc qua ngày. Vì chỉ có một mình nên tôi thường nấu mì sợi ăn. Nhiều khi tôi nấu không có rau, chỉ cho vào dầu ăn và muối, hoặc nước tương là ăn được. Mì tôi mua 5 đồng một bó, mỗi bó ăn được mấy bữa. Tôi sống cả năm nhưng chỉ tốn hết 2000 – 3000 Nhân dân tệ. Như tháng này tôi chỉ tiêu tốn hết 100 đồng…

Ngày Tết hàng năm thì tôi về nhà và giúp mọi người dọn nhà cửa sạch sẽ, vì nhà toàn phụ nữ nên tôi không muốn để mọi người làm những công việc thể lực nặng nhọc. Ngày 30 Tết tôi cùng mọi người làm bánh sủi cảo. Bánh làm xong và nấu chín trước 12h, lúc đó pháo hoa đang rợp trời vô cùng đẹp mắt, thấy mọi người chỉ mải xem pháo hoa, tôi liền đơm cho mỗi người một đĩa để mọi người vừa ăn vừa ngắm pháo hoa.

Tết đến, tôi muốn tạo bầu không khí vui vẻ cho gia đình, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm bù đắp phần nào cho gia đình, dù sao mọi chuyện cũng do tôi gây ra, tôi phải cố gắng cho mọi người được vui vẻ hơn trong những ngày này, và những năm qua tôi đều làm như thế.

Xem xong pháo hoa thì đã hơn 12h khuya, mọi người phải đi ngủ, còn tôi lại trở về căn phòng trọ của mình.

Ngày mùng 2, tôi đưa con gái đến nhà mẹ tôi chúc Tết, sau đó lại cùng mẹ đi đến vài nhà bà con họ hàng. Những ngày này đối với tôi rất quan trọng…

Hiện nay, thỉnh thoảng tôi lại về nhà, ví như dịp sinh nhật của con gái, hay khi con gái muốn dùng bữa cùng tôi, hai cha con cùng ăn với nhau như những người bạn, tôi phải cố gắng duy trì thói quen này để con tôi không cảm thấy buồn tủi, con gái tôi đã 24 tuổi rồi.

Nơi tôi ở trọ cách ngôi nhà vợ con tôi không xa, mỗi lần tạt qua tôi đều muốn ngắm lại cái cửa sổ quen thuộc của tôi, khi đó lòng tôi lại dâng trào một cảm xúc khó tả: Phải rồi, ở nơi này, tôi từng có một gia đình”.

Theo Đại Kỷ Nguyên