(PL)- Tháng 7, trại phong Bến Sắn, Bình Dương đón một đoàn từ thiện từ TP.HCM đến thăm. Trái ngược với những xù xì, quắt queo bên ngoài về thân thể, các bệnh nhân đã để lại trong lòng người đến thăm ấn tượng đẹp về những người không muốn xã hội xấu đi.
1. Góp vui với đoàn, cô “ca sĩ” Trần Thị Kim Hồng hát bài ca cổ Tâm sự Mộng Cầm. Giọng hát ngoài 60 tuổi như thách thức thời gian, ngọt ngào cứa vào tim khi Hàn Mặc Tử chua xót kêu lên: “Mộng Cầm ơi đừng chờ đợi nữa, bởi người yêu của em đã thành phế nhân rồi, mộng ban đầu chỉ còn bấy nhiêu thôi…”. Mến mộ tiếng hát, chúng tôi theo chân cô Hồng về thăm nơi cô ở. “Rạp Đại Lợi sát chợ Ông Tạ còn không?”, đó là câu đầu tiên cô Hồng hỏi chúng tôi. Đã hơn 20 năm trôi qua, thời gian đã phủ mờ lên đôi mắt và mái tóc nhưng cô vẫn không hay biến chuyển của cuộc sống ngoài kia. Nghe rạp Đại Lợi đã trở thành quá vãng, ánh mắt cô xa xăm nhớ lại thời thiếu nữ. Nhờ có giọng hát hay, cô thường xuyên được mời đi diễn. Ánh đèn sân khấu giúp cô quên đi thân phận là một đứa con bị bỏ rơi được đem về nuôi khi vừa tròn mấy ngày tuổi. Căn bệnh ập đến khi cô 23 tuổi, nó cũng khép lại cả giấc mơ làm ca sĩ ngày nào. Khi thể trạng khá hơn, cô thèm về lại thành phố lắm nhưng vì sợ các em gái mang tiếng nên cô chấp nhận ở hẳn đây luôn. Cũng từ đó, giấc mơ về một tổ ấm cũng được cô chôn giấu mãi mãi trong lòng.
Ông Chính khoác tấm áo lính để lỡ đồng đội cũ thất lạc còn nhận ra. Ảnh: H.LAN
2. May mắn hơn bà Hồng, ông Phạm Văn Chính, 76 tuổi thỉnh thoảng có con cháu đến thăm. Lọ mọ ăn bữa cơm chiều, ông vừa xem chiếc tivi cũ kỹ đầy hột mè như cách quên đi nỗi cô độc. Giờ đây niềm vui mỗi ngày của ông là trông bầy gà mau lớn để có dịp con cái đến thăm thì thịt đãi. Khoác vội tấm áo lính gắn lủng lẳng các huy hiệu, ông kể cho chúng tôi nghe về thành tích bị địch bắt tù đày và huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Ông bảo: “Tôi phải khoác áo cho tươm tất để lỡ có đồng đội nào thất lạc mà nhận ra tôi trên báo thì còn đến thăm”. Năm 16 tuổi, ông đã tham gia cách mạng và hoạt động trong ban công vận thành. Năm 1964, do có kẻ phản gián, ông bị địch đày biệt xứ ra nhà tù Côn Đảo cho đến năm 1968 mới được trả tự do. Cũng trong thời gian này, ông mắc căn bệnh phong quái ác. Hòa bình lập lại, dù được phân công giữ chức vụ quan trọng nhưng mặc cảm bệnh tật, ông xin về quê làm ruộng. Những tháng ngày cơ cực đã làm cho tay chân ông quắt queo, 10 đốt ngón tay rụng rời, co quéo. Nhìn bốn đứa con khôn lớn từng ngày, ông lo sợ sui gia sẽ không chấp nhận gả con. Năm 1989, sau nhiều đêm trăn trở, ông âm thầm đến trại phong mà không cho ai hay biết và chỉ nối liên lạc khi các con đã “gạo nấu thành cơm” hết. Bệnh của bà Hồng, ông Chính và nhiều người khác đã ổn định, họ có thể sống hòa nhập với cộng đồng xã hội bên ngoài như bao người bình thường khác nhưng họ chọn cách ở lại trại. Trong suy nghĩ của bà Hồng, ông Chính đều muốn nhận cái thiệt về mình để cho người thân yên vui hơn, xã hội tươi đẹp hơn. Không bàn đến suy nghĩ đó là đúng hay sai nhưng tôi tin chắc họ có một nhân cách đẹp vì biết nghĩ cho người khác. HOÀNG LAN Theo Pháp Luật TP.HCM |