Chính quyền Bắc Kinh đã cưỡng chế hủy bỏ việc giảng dạy bằng tiếng Mông Cổ ở Nội Mông, dẫn đến hàng chục nghìn học sinh và phụ huynh ở nhiều nơi xuống đường biểu tình. Nội trong một tuần đã có báo cáo về 4 vụ tự vẫn, trường hợp mới nhất là vụ nhảy lầu tự tử của một nữ quan chức 33 tuổi ở A Lạp Thiện Tả Kì. Bức thư tuyệt mệnh tiết lộ sự kiên định bảo vệ ngôn ngữ Mông Cổ của cô.
Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do (RFA), Surina (33 tuổi), một nữ quan chức người Mông Cổ làm việc tại văn phòng chính phủ A Lạp Thiện Minh ở Nội Mông, đã rơi từ căn lầu nơi cô ở và tử vong vào sáng sớm ngày 4/9.
Văn phòng Công an của A Lạp Thiện Tả Kì thông báo rằng, Surina rơi từ tòa nhà ở một tiểu khu nào đó vào lúc 7 giờ sáng ngày 4/9, sau khi được đưa đến bệnh viện cô đã không qua khỏi. Trong thông báo còn nói, Surina 33 tuổi, đã lập gia đình nhưng không có con, có tiền sử trầm cảm, gần đây cô đã xin nghỉ ốm để đi chữa bệnh ở Lan Châu, Ngân Xuyên và nhiều nơi khác.
Chồng của cô tiết lộ trên Internet rằng tên đầy đủ của cô là Surina, là một thành viên đảng ủy của A Lạp Thiện Minh. Vì không đồng ý với mô hình cải cách dạy học song ngữ gần đây, cô đã bị cấp trên gây sức ép và cuối cùng vì áp lực quá lớn, cô mới nhảy lầu tự tử.
Trên Internet người ta đang lưu truyền bức thư tuyệt mệnh của cô, cho thấy cái chết của Surina có liên quan đến việc người Mông Cổ bảo vệ ngôn ngữ Mông Cổ thời gian gần đây.
Trong thư tuyệt mệnh nói rằng: “A Lạp Thiện Minh có ít nhân khẩu, không cách nào đoàn kết được, thư thỉnh nguyện chưa qua được chính quyền địa phương đã bị hủy bỏ. Áp lực đối với các nhân viên người Mông Cổ còn lớn hơn. Cứ cho là chúng tôi ngốc, chúng tôi nhu nhược đi, nhưng đừng lăng mạ chúng tôi. Chúng tôi dùng sinh mệnh để chứng minh chúng tôi đã nỗ lực”.
Sau khi nguyên nhân cái chết của Surina được tiết lộ, người dân Mông Cổ và các cư dân mạng trong và ngoài nước đã để lại những lời nhắn tưởng nhớ Surina, gọi cô là “anh hùng dân tộc”. Còn chồng của Surina ngay lập tức nhận được cảnh báo từ Cơ quan An ninh Quốc gia, yêu cầu anh ta gỡ bài đăng trên mạng.
Trên mạng cũng có đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa chồng của Surina với Cơ quan An ninh Quốc gia, anh nói: “Những gì tôi đăng đều là sự thật, tôi không thể nói sự thật sao? Cô ấy hiện đã trên 18 tuổi”. Cơ quan An ninh Quốc gia đe dọa: “Anh sẽ phải chịu trách nhiệm!”. Anh ta trả lời: “Ông cứ bắt tôi đi, tôi đã đăng sai cái gì?”.
Hiện tại, báo cáo trước đó của giới truyền thông địa phương về nữ quan chức Surina đã bị xóa.
Surina là trường hợp nhảy lầu và tử vong thứ 4 chỉ trong một tuần. Kubis, một học giả người Mông Cổ, người luôn quan tâm đến quyền lợi của dân du mục, cũng xác nhận việc này với Đài Á Châu Tự Do, anh nói: “A Lạp Thiện Minh lại có một người Mông Cổ tự sát nữa, là một công chức, công tác trong đơn vị chính phủ”.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở Nội Mông bắt nguồn từ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã thúc đẩy việc tăng cường giảng dạy bằng tiếng Trung thay cho tiếng Mông Cổ.
Theo quy định chính thức, Sở Giáo dục Khu tự trị Nội Mông sẽ đưa “giáo dục song ngữ” vào chương trình giảng dạy trong năm học mới, yêu cầu các môn ngữ văn, chính trị và lịch sử trong các trường tiểu học và trung học phải dần dần chuyển từ tiếng Mông Cổ sang tiếng Trung.
Rất nhiều phụ huynh học sinh và học giả Mông Cổ lo lắng rằng, các biện pháp mới sẽ tiến thêm một bước làm suy yếu ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của dân tộc Mông Cổ.
Một số phương tiện truyền thông quan tâm đến nhân quyền ở Trung Quốc tiết lộ rằng, hơn 300.000 học sinh ở Nội Mông đã nghỉ học và xuống đường biểu tình. Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Triệu Khắc Chí đã vội vã đến Nội Mông và ra lệnh đàn áp quần chúng không nương tay.
Theo báo cáo của kênh truyền thông ĐCSTQ “Nhân dân Nhật báo”, từ ngày 29/8 đến ngày 2/9, Triệu Khắc Chí đã đến thăm các cơ quan công an và cơ sở quân đội ở những thành phố Hulunbuir và Hohhot ở Nội Mông, Ngân Xuyên ở Ninh Hạ.
Triệu Khắc Chí nhấn mạnh rằng lấy “kỷ luật nghiêm minh” làm tư tưởng chính để hành động, “đánh một trận mạnh mẽ, chính lại kỷ cương của công an” và “kiên quyết làm được tuyệt đối trung thành, tuyệt đối trong sạch, tuyệt đối tin cậy” đối với đảng.
Tuy nhiên, nhiều cảnh sát Mông Cổ đã công khai kháng lại lệnh của chính quyền, họ từ chối trấn áp người biểu tình. Theo tờ “Los Angeles Times”, một cảnh sát người Mông Cổ tiết lộ rằng, hệ thống cảnh sát ở toàn bộ khu tự trị Nội Mông những ngày gần đây đều làm việc quá giờ, còn đồn cảnh sát nơi anh ta làm việc, mỗi ngày đều bắt giữ một số lượng lớn những người biểu tình trong hai tuần qua; cảnh sát còn đột nhập vào nhà dân thường và buộc người dân địa phương ký vào đơn đồng ý sẽ chấp nhận nền “giáo dục song ngữ” mới nhất, nếu có người không tuân thủ, sẽ bị áp giải đi ngay tại trận.
Viên cảnh sát này tức giận nói: “Tôi là người Mông Cổ, tôi không bắt người Mông Cổ!”. Anh còn nói rằng hầu hết các sĩ quan cảnh sát người Mông Cổ đều không muốn làm cánh tay cho ĐCSTQ bức hại dân tộc họ, vì vậy họ đều từ chối đi làm hoặc xin nghỉ phép để tránh né nhiệm vụ trấn áp.
Trước đó cũng có một đoạn video cho thấy cảnh sát mặc đồng phục tham gia biểu tình. Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Đường Bách Kiều đã đăng video này lên và nói: “Người dân Mông Cổ phản đối việc ĐCSTQ xóa bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ. Trong những người biểu tình cũng có cảnh sát đang mặc đồng phục”.
Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ cho biết, ngay cả khi đối mặt với áp lực của chính phủ và sự đe dọa của cảnh sát, ngày càng có nhiều người Nội Mông hơn tham gia vào phong trào biểu tình kéo dài khắp khu vực tự trị này. Hiện tại đã có hơn 16.000 thư thỉnh nguyện và 2.600 thư phản đối do sinh viên viết.
Ngay cả các đại biểu của Đại hội nhân dân khu tự trị Nội Mông, do chính quyền địa phương tự tay chọn ra, cũng đã cùng nhau viết một lá thư thúc giục chính phủ sửa lại kế hoạch này. Ngoài ra, hơn 300 nhân viên truyền thông của chính quyền địa phương cũng đã cùng tập trung ký tên, từ chối “giáo dục song ngữ”.
Gia Hưng (Theo NTDTV)