Trong cuộc phỏng vấn ngắn với CNN hôm 21/4, các nữ nhân viên Triều Tiên vừa khóc vừa kể lại chuyện đồng nghiệp bị “quan chức Hàn Quốc lừa gạt”. Trong khi Seoul khẳng định những nhân viên này tự nguyện đào tẩu.
Hôm 7/4, một nam quản lý dẫn theo 12 nữ nhân viên nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc đào tẩu sang Hàn Quốc. Sự cố này khiến nhà hàng Triều Tiên buộc phải đóng cửa, 7 nữ nhân viên còn lại phải trở về Bình Nhưỡng.
Trong cuộc phỏng vấn ngắn do CNN thực hiện hôm 2/4, những nữ tiếp viên này khóc và nói rằng đồng nghiệp của họ bị “quan chức Hàn Quốc lừa gạt“.
Han Yun Hui, nữ nhân viên Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi chưa từng nghĩ tới việc rời xa cha mẹ, rời bỏ tổ quốc và lãnh tụ Kim Jong-un. Chúng tôi không bao giờ làm thế“. Các nhân viên Triều Tiên đều xuất thân từ “gia đình lương thiện”, điều kiện bắt buộc để được làm trong các nhà hàng ở nước ngoài.
Han cho biết, khoảng trung tuần tháng 3, người quản lý của các cô nói rằng nhà hàng sắp chuyển sang một nước Đông Nam Á, nhưng chưa rõ cụ thể là nước nào.
Choe Hye Yong, một nữ nhân viên khác cho biết, đến phút chót, nam quản lý mới nói sự thực muốn đưa mọi người trốn sang Hàn Quốc chứ không phải chuyển sang một nước Đông Nam Á. “Khi đó, xe đã chờ ở cửa“, Choe vừa khóc vừa nói.
Choe còn khẳng định, nam quản lý đã liên hệ trước với một doanh nhân Hàn Quốc, theo sự đạo diễn của Seoul. “Tất cả họ đều bị phía Hàn Quốc lừa gạt. Mỗi khi nghĩ đến họ, trái tim chúng tôi như tan vỡ“, Choe cho biết.
Khi được hỏi liệu có nhắn nhủ gì cho các đồng nghiệp đang ở Hàn Quốc, Choe nói với vẻ xúc động: “Lãnh tụ vĩ đại Kim Jong-un rất nhớ các bạn, mong các bạn sớm trở về. Chúng tôi nhớ tới các bạn ngày đêm, ngủ không yên giấc. Hãy cố gắng nỗ lực, nhất định các bạn sẽ giành thắng lợi, trở về một cách vinh quang“.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, 13 nhân viên nhà hàng Triều Tiên trên đều tự nguyện đào tẩu. “Họ không chịu sự tác động nào từ bên ngoài. Chính phủ Hàn Quốc đã chấp nhận cho họ nhập cảnh vì lý do nhân đạo“, bộ này thông báo.
Seoul tuyên bố, 13 người đào tẩu “không kiếm nổi số ngoại tệ cần thiết để nộp về Bình Nhưỡng” nên đã trốn sang Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã lên tiếng bác bỏ lập luận của Seoul, cho rằng đây là hành động dụ dỗ, bắt cóc do Hàn Quốc thực hiện.
Theo thống kê năm 2015 của Liên Hợp Quốc, mỗi năm người Triều Tiên ở nước ngoài gửi về Bình Nhưỡng 1,2 – 2,3 tỷ USD. Khoản tiền này được dùng cho các mục đích quân sự, khoa học. Triều Tiên hiện có 130 nhà hàng, hoạt động ở 50 quốc gia khác nhau với nhiệm vụ đem ngoại tệ về nước.
Xem thêm:
- Ngoài 3 ông cháu họ Kim, Triều Tiên không có người mập thứ tư
-
Câu chuyện cảm động của cô gái trẻ chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên
Theo VnExpress