Tinh Hoa

Nữ lao công bị sát hại ở đường Cầu Giấy: Bỏ qua hạnh phúc cả đời để nuôi cháu và bố mẹ già

Dù được nhiều người khuyên nhủ nhưng nữ lao công vẫn không chịu lấy chồng, mà quyết dành toàn bộ thời gian của bản thân, ra sức chắt chiu từng đồng lương ít ỏi để nuôi cháu giúp chị gái, chăm lo cho mẹ già và người cha đau ốm của mình.

Nữ lao công bị người lạ dùng gạch tấn công dẫn đến tử vong. (Ảnh qua thanhnien)

Bỏ hạnh phúc cả đời để nuôi cháu và chăm sóc bố mẹ già

Trưa ngày 5/4, có mặt tại tang lễ của nữ lao công Vũ Thúy H. (43 tuổi, thường trú tại P. Phúc Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội – nhân viên Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên), người thân, hàng xóm, đồng nghiệp vẫn không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của một người con hiếu thảo, một hàng xóm dễ gần và một người đồng nghiệp đáng mến.

Với gương mặt khắc khổ, cùng nỗi đau in hằn trong ánh mắt, bà Nguyễn Thị Ngư (71 tuổi, mẹ cô H.) ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên Dân Việt. Bà nói vợ chồng bà sinh được 8 người con 5 gái, 3 trai. Trong đó H. là con gái thứ 3 và là người duy nhất chưa lập gia đình.

Dù trước đây H. được nhiều người tới hỏi cưới, rồi được khuyên nhủ nhưng cô không chịu, cứ muốn ở vậy để tiện chăm cháu, chăm ba mẹ. Trước đây, bà làm nông nghiệp còn chồng là ông Vũ Văn Sáu (76 tuổi) là công nhân. Ông Sáu hiện đang hưởng trợ cấp hơn 1 triệu/tháng. Những năm gần đây, ông Sáu bị bệnh teo não khiến sức khỏe suy yếu, điều này khiến H. càng quyết tâm hơn về lựa chọn của mình. 

Hàng xóm tới thắp nén nhang tiễn đưa bà H. tại nghĩa trang thôn Đức Diễn (P. Phúc Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội). (Ảnh qua thanhnien)

H. vừa lo lắng cho cháu gái, vừa chăm sóc vợ chồng bà, ban đêm H. phải đi làm nhưng vẫn tranh thủ buổi trưa về nhà em trai chuẩn bị cơm nước cho bố mẹ. 

“Con bé chăm chỉ có hiếu với bố mẹ lắm, trước đây có nhiều người hỏi, nhưng nó không đồng ý lấy ai. Ai giới thiệu cho đám nào nó cũng trả lời muốn ở một mình cho thoải mái…”, bà Ngư kể.

“Từ khi còn bé đến nay, dì luôn lo hết cho tôi mọi thứ chẳng khác nào mẹ ruột”

Ngồi thất thần trước di ảnh dì ruột, chị Oanh (20 tuổi; cháu gái cô H.) liên tục lau nước mắt, khóc nghẹn gọi tên dì khiến nhiều người có mặt tại đám tang xót xa, không cầm được nước mắt. Sau ít phút trấn tĩnh, nuốt nước mắt vào trong, chị Oanh kể rằng, từ nhỏ chị đã được mẹ gửi sang ở cùng dì H. để 2 dì cháu tiện chăm sóc cho nhau, cũng vì thế nên chị đã sớm coi dì như là người mẹ thứ 2 của mình. 

Chị Oanh vô cùng đau đớn trước sự ra đi của người mẹ thứ 2. (Ảnh qua thanhnien)

Đến nay dù đã 43 tuổi nhưng dì nhất quyết không chịu lấy chồng vì sợ sẽ ảnh hưởng đến việc chăm lo cho chị và bố mẹ mình. “Do làm nghề lao công, giờ giấc công việc, sinh hoạt thất thường nên dì dọn ra ở riêng, gần nhà ông bà để tiện chăm sóc, cũng tránh về khuya gây ảnh hưởng ông bà”, chị Oanh chia sẻ.

Cách đây hơn 2 năm, dì vào làm công nhân môi trường cho Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên. Khoảng 1 năm trở lại đây, thấy dì đi làm vất vả, thời điểm đó chị Oanh cũng đã đủ tuổi lao động nên chị đã xin dì cho đi làm cùng để đỡ đần phần nào chi phí, một mặt vì sau này cũng có công việc để nuôi thân. 

Mỗi ngày, 2 dì cháu bắt đầu công việc vào lúc 16 giờ, nếu ngày nào thời tiết tốt, ít rác, thuận đường thì đến khoảng 22 giờ là xong việc, những ngày ngược lại thì phải đến 1 giờ mới xong. Công việc bất kể hoàn cảnh, kể cả mưa dông những người công nhân vệ sinh vẫn phải lao ra dọn dẹp để đường phố luôn được sạch sẽ.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh qua phapluatplus)

Ngày xảy ra tai nạn, theo dự tính, khoảng 22 giờ là 2 dì cháu sẽ xong việc. Tuy nhiên, khi công việc chuẩn bị hoàn thành để về nhà thì cô  H. bị Toàn đánh tử vong. “Lúc nghe tin dì bị người ta đánh chết mà tôi tay chân tôi như rụng rời. Lúc ở nhà hay lúc đi làm dì đều hiền lành, chẳng bao giờ cãi chửi với ai, sao người ta nỡ đánh chết dì đau đớn vậy”, chị Oanh vừa nói vừa nấc nghẹn.

“Từ khi còn bé đến nay, dì luôn lo hết cho tôi mọi thứ chẳng khác nào mẹ ruột từ cái ăn, cái mặc đến việc đi làm. Giờ dì mất rồi tôi không biết phải sống sao…”, nói đến đây, chị Oanh không thể cầm được nước mắt. 

Con bé khổ từ lúc chào đời, đến tận lúc chết vẫn khổ…”

Nhìn Oanh khóc nghẹn, anh Vũ Thanh Tùng (SN 1990, em trai cô H.) cũng cảm thấy xót xa trong lòng, anh cho biết, nhiều năm qua, cô H. sống cùng Oanh. Công việc chính của cô là làm công nhân môi trường, quét dọn rác tại khu vực đường Cầu Giấy để có thể trang trải cuộc sống…

Tuy nhiên, với nguồn thu nhập ít ỏi, cuộc sống của cô H. vô cùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn, căn nhà cấp 4 của cô vô cùng chật chội, xuống cấp nghiêm trọng. “Chị ở gần bố mẹ để tiện cơm nước, chăm sóc gia đình. Nhà chị ấy chật, ẩm thấp lắm, nuôi thêm bé Oanh, nhiều khi người với chó phải ngủ cùng nhau. Nghe tin chị mất, ai cũng bàng hoàng và xót thương”, anh Tùng nói.

“Lúc đẻ nó, vợ chồng tôi khổ lắm, con bé đẻ ra nhỏ xíu. Đến khi lớn hơn thì chị nó bế bị rơi khỏi tay ngã xuống đất. Lúc đấy, gia đình cứ tưởng chết vậy mà con bé may mắn thoát nạn…. Con bé khổ từ lúc chào đời, đến chết vẫn khổ…”, bà Ngư gạt nước mắt tâm sự.

Mức án nào cho kẻ sát hại nữ lao công

Như Thanh Niên đã đưa tin trước đó, vào đêm ngày 4/4, khi đang làm việc như mọi ngày, bà H. bất ngờ bị Lê Như Toàn (SN 1991, thường trú tại phường Trung Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) sát hại. Toàn là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định và từng có tiền sử bệnh tâm thần. 

Nghi phạm Lê Như Toàn. (Ảnh qua nld)

Khoảng 20 giờ 45 cùng ngày (4/4), khi đang đi bộ từ đường Cầu Giấy về đường Xuân Thủy, tới khu vực trước tòa nhà Discovery Complex thì Toàn bất ngờ nhặt 1 viên gạch loại gạch lát vỉa hè trên đường, đi lại gần sát phía sau cô H. rồi cầm viên gạch đập mạnh vào vùng đầu cô cho đến khi nạn nhân nằm bất động thì bỏ chạy. Do vết thương quá nặng nên cô H. đã tử vong không qua khỏi. 

Quá trình truy tìm hung thủ, công an đã phát hiện và bắt giữ H. khi hắn đang lẩn trốn trong khu đô thị Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng.

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa), với trường hợp giết người trên, nếu kết quả giám định cho thấy thời điểm thực hiện hành vi, Toàn đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, thì Toàn sẽ thuộc nhóm đối tượng “không có năng lực trách nhiệm hình sự” và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngược lại, nếu Toàn được xác định đã khỏi bệnh và có thể làm chủ hành vi, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với mức án cao nhất là tử hình.

Yên Yên (t/h)