Vào một đêm hè oi bức, dưới ngọn đèn đường cùng đám muỗi bay vo ve, cô bé 7 tuổi Phù Dao đang nằm trên băng ghế trong sân chơi của trường, tựa đầu vào chân mẹ, tự hỏi tương lai của mình sẽ ra sao?
Người cha làm nghề dẫn chương trình tin tức của cô bị buộc phải đi lao động khổ sai. Mẹ cô bị cấm không được dạy học nữa. Cùng với mẹ, Phù Dao bị quản thúc tại ngôi trường nơi mẹ cô từng dạy học.
Đây là cảnh quay đầu tiên của bộ phim hoạt hình “Phù Dao trực thượng”, với tên tiếng Anh là “Up We Soar”. Bộ phim kể về một câu chuyện có thật, được sản xuất bằng sự kết hợp giữa hoạt hình và cảnh quay người thật.
Nguyên mẫu nhân vật chính của phim hoạt hình thỉnh thoảng sẽ xuất hiện trong phim, kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mình một cách chân thành. Chính điều đó đã mang lại nguồn cảm xúc, và sự lay động khác biệt cho bộ phim hoạt hình này.
Cảm giác tổng thể của bộ phim là sự nhẹ nhàng, nhưng cũng không thiếu sự gay cấn, xung đột. Những thước phim hoạt hình tinh tế và nhiều chi tiết có chủ ý khác nhau, đã lột tả được không khí cuộc sống của các thành phố nhỏ ở miền Bắc Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21, cũng như các đối tượng sống khác nhau, cái Thiện và cái ác.
Cha mẹ của nhân vật chính Tiểu Phù Dao trong phim là nạn nhân của một chiến dịch đàn áp tín ngưỡng. Lần này, mục tiêu bức hại của ĐCSTQ là các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định, bắt nguồn từ truyền thống Phật gia, được hàng chục triệu người theo học. Vì lý do đó mà bị chính quyền Trung Quốc căm ghét.
Kể từ tháng 7/1999, sách Pháp Luân Công đã bị cấm và đốt, bộ máy tuyên truyền quốc gia đã bôi nhọ, vu khống tiếng xấu cho Pháp Luân Công. Hàng trăm ngàn người tu luyện đã bị bắt, nhiều người bị tra tấn đến chết.
Đây là bối cảnh thời đại lớn của bộ phim này. Gia đình của Phù Dao chính là một gia đình bị nghiền nát dưới cánh tay sắt của cỗ máy đàn áp. Phù Dao và mẹ cô là nhân vật chính, trong khi cha cô chỉ được nhắc đến qua những lời mô tả.
Hết đả kích này lại đến đả kích khác, gia đình lao đao trong đau khổ, nhưng họ không bao giờ từ bỏ hy vọng. Trong nỗi tuyệt vọng và bất công, họ luôn chọn thiện lương và cuối cùng cũng tìm thấy ánh sáng.
Đối với một đứa trẻ bảy tuổi, bố và mẹ là khoảng trời trong thế giới nhỏ bé của riêng chúng, là nguồn hạnh phúc và sự ổn định cuộc sống. Nhưng khi cha bị cảnh sát bắt đi ngay trước mắt, bị còng tay và sỉ nhục trên chương trình truyền hình tại chính nơi mà ông làm việc, hơn nữa những kẻ bắt ông đều là những người mà ông coi là “bạn bè”, thế giới của tiểu Phù Dao bỗng chốc vỡ nát.
Đối với một đứa trẻ, sự công nhận của bạn bè đồng trang lứa và tình yêu thương của giáo viên có thể coi là dấu hiệu nổi bật nhất về giá trị bản thân, nhưng Tiểu Phù Dao từ một “khổng tước” nhỏ bé xinh xắn ai ai cũng yêu mến, bỗng biến thành “vịt con xấu xí” bị đánh, bị cười nhạo, bị cô lập, trong bộ quần áo cũ kĩ và ngắn cũn.
Tình cảnh của Tiểu Phù Dao đã quá tồi tệ, nhưng điều khủng khiếp hơn vẫn xảy ra. Để tránh bị cảnh sát bắt, mẹ cô phải rời bỏ đi, lưu lạc khắp nơi. Mẹ cô đã phải chịu rất nhiều khổ sở, sau đó trên đường tháo chạy vì giảng chân tướng và trao đĩa DVD sự thật về Pháp Luân Công, nên đã bị bắt và bị kết án 7 năm tù. Bây giờ, Phù Dao rơi vào cảnh thân cô thế cô.
Trong thời đại hiện nay, các bộ phim Hollywood đến thời điểm này có thể sẽ miêu tả nỗi buồn, hoặc sự tức giận, hoặc sự sa ngã của đứa trẻ, tính cách của chúng có thể trở nên yếu ớt hoặc u ám hoặc cáu kỉnh, và từ đó cuộc sống của chúng bị nỗi buồn bã hoặc tức giận bủa vây.
Nhưng cách xử lý những khó khăn mình phải đương đầu trong cuộc sống của tiểu Phù Dao lại không như vậy, đây cũng là một trong những điểm nhấn lớn nhất của bộ phim này.
Cô bé tốt bụng nhưng không rụt rè, dũng cảm nhưng không liều lĩnh. Sau khi bị đám nam sinh lớp 1 đẩy ngã xuống đất và chế giễu, cô lặng lẽ đứng dậy và tự nghĩ, không sao đâu, mình là người tu luyện thì phải “nhẫn”.
Một điểm nhấn khác của phim là mẹ của Phù Dao – Vương Hội Quyên. Trước cuộc đàn áp, bà ấy là một giáo viên tiểu học kiểu mẫu, những người quyền quý trong quận đua nhau gửi con của họ đến lớp của bà. Tính cách của bà khá giống một nữ hiệp, có ơn sẽ báo ơn, rất trọng nghĩa khí, thấy kẻ yếu bị bắt nạt tuyệt đối bà sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Vì tính cách “ôm chuyện bao đồng” như vậy, nên dù bà hoàn toàn có thể “phủi tay” bỏ đi coi như không liên quan, nhưng vì bảo vệ người khác mà lại bị cảnh sát bắt, còn bị phạt tội nặng và phải ngồi tù; trong tù, bà thấy người khác bị tra tấn dã man liền can ngăn, kết quả là bị đánh đập tàn nhẫn khiến bà bị điếc.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì Hội Quyên trước hết vẫn là một người mẹ, một người mẹ của một đứa con thơ, đây cũng là điểm yếu duy nhất của bà, đồng thời đây cũng là điểm mà đám cai ngục đã cố gắng lợi dụng để ép bà phải đầu hàng.
Cảnh sát đưa Tiểu Phù Dao đến trại giam, hy vọng cô bé có thể thuyết phục mẹ từ bỏ đức tin của mình. Phù Dao gặp mẹ lần đầu tiên sau nhiều tháng, hơn nữa lúc này bà vô cùng ốm yếu vì tuyệt thực. Cuộc đấu tranh nội tâm và tình cảm chân tình giữa hai người đã được miêu tả sống động trong phim với kỹ xảo hoạt hình tuyệt vời.
Tuy nhiên, phần cảm động hơn của bộ phim là sự miêu tả đầy căng thẳng về quá trình trưởng thành trong tính cách của họ. Trong nhà tù tăm tối, dưới sự ức hiếp của cai ngục và trùm xà lim, liệu “nữ hiệp” sẽ có những thay đổi bất ngờ gì?
Khi Tiểu Phù Dao lớn lên thành một thiếu niên đầy nổi loạn ở tuổi thanh xuân, và trong suốt những năm tháng dài được cha mẹ bao bọc, đối mặt với đủ thứ khó khăn và bối rối, thậm chí không thể nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống, làm thế nào cô bé có được sự an ủi và chỉ lối, để đi qua cuộc hành trình nguy hiểm của cuộc sống một cách suôn sẻ? Bài viết này sẽ không đi sâu vào chi tiết, khán giả sẽ có câu trả lời từ bộ phim.
Khán giả cũng sẽ cảm nhận được khí chất và thế giới nội tâm của họ, từ hình ảnh và cách trò chuyện của nguyên mẫu nhân vật chính trong phim. Tôi tin rằng bộ phim này sẽ nhận được sự đồng cảm của rất nhiều trẻ em và rất nhiều người lớn, bằng sự dẫn dắt gợi mở từ việc giáo dục cha mẹ – con cái. Bộ phim sẽ khiến nhiều người chú ý hơn đến vấn đề nghiêm trọng của cuộc bức hại hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công, và gia đình của họ ở Trung Quốc đại lục.
Đội hình sản xuất của “Phù Dao trực thượng”
Đội hình sản xuất của “Phù Dao trực thượng” cũng khá “bắt mắt”. Đạo diễn Marco là một nhà làm phim đến từ Toronto, Canada. Ông đã từng làm việc trong bộ phận điện ảnh và truyền thông kỹ thuật số của một số công ty sản xuất của Canada và từng là giám đốc nghệ thuật của một số trò chơi kỹ thuật số.
Từ năm 2014 đến 2020, ông là đạo diễn của loạt phim tài liệu NTD “Kỷ nguyên truyền kỳ”, cũng như đảm nhiệm vai trò chỉ đạo nghệ thuật của bộ phim “Coming for You”, phim truyền hình “Big Shorts” và “Outlaws of the Marsh”.
Chỉ đạo nghệ thuật của phim là ngôi sao hoạt hình Quách Cạnh Hùng (“Đại Hùng”). Đại Hùng là một trong những họa sĩ, biên tập viên và nhà xuất bản phim hoạt hình thành công nhất ở Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ hiện nay.
Anh đã làm việc trong ngành hơn 20 năm, xuất bản hơn 100 truyện tranh ở Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời tham gia sản xuất nhiều phim hoạt hình và game.
Tác phẩm của anh đã nhận được rất nhiều sự công nhận trong ngành, bao gồm giải nhất trong Cuộc thi Hoạt hình Quốc tế Hàng Châu năm 2010, danh hiệu cao nhất tại Liên hoan Truyện tranh Quốc tế Angola của Pháp lần thứ 33 và Giải thưởng ICON 29 của khán giả.
Nhạc phim “Phù Dao trực thượng” được thể hiện bởi Samuel Bisson, một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ cello hiện đang sống tại Toronto, Canada. Là một nhà soạn nhạc, Samuel thành thục nhiều thể loại âm nhạc. Âm nhạc mà anh tạo ra được nhiều dàn nhạc trên khắp Canada diễn tấu. Anh cũng biên soạn nhạc đệm dàn nhạc cho nhiều ban nhạc rock/pop, và sáng tác nhạc cho phim hoạt hình, phim người thật đóng.
“Phù Dao trực thượng” đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong giới hoạt hình, và được chọn tham gia nhiều liên hoan phim hoạt hình quốc tế. Trong số đó, Liên hoan Phim Hoạt hình Quốc tế Espinho và Liên hoan Phim Hoạt hình Spark là có uy tín cao trong ngành.
Phim hoạt hình ngắn “Bao” đoạt giải Oscar 2019, phim “Dear Basketball” đoạt giải Oscar 2018, phim “Bear Story” đoạt giải Oscar 2015, là những tác phẩm lúc đầu được con mắt tinh tường Liên hoan phim Spark “nhìn trúng” trước. Còn “The House of Small Cubes” do Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Espinho “khai quật” đã giành giải Oscar 2009 cho phim ngắn hoạt hình hay nhất.
Vào tháng 12/2020, đội ngũ sản xuất của “Phù Dao trực thượng” được thông báo rằng bộ phim đã được chọn là “Phim hay nhất” (Best Feature) bởi Liên hoan phim hoạt hình Los Angeles.
Được thành lập vào năm 2007, Liên hoan phim hoạt hình Los Angeles (LAAF) là liên hoan phim hoạt hình quốc tế duy nhất tại Los Angeles. Hàng năm, Liên hoan phim hoạt hình Los Angeles quy tụ những tác phẩm xuất sắc và mới nhất trên thế giới. Các khách mời và những người đoạt giải trước đây bao gồm đạo diễn Pixar Brad Bird, Sean Lennon (cũng là giám đốc nghệ thuật), Bill Plympton, Peter Chung, Chris Prynoski, Tom Kenny, Jerry Beck và cố nhà sản xuất phim Will Vinton.
Nhà sản xuất của “Phù Dao trực thượng” đã chọn để gửi tặng khán giả một món quà lớn vào đêm Giáng sinh năm 2020, và bộ phim sẽ được công chiếu trên mạng Internet toàn cầu vào ngày 20/12/2020.
Khán giả có thể xem miễn phí tại các trang web tiếng Trung, tiếng Anh cũng như các kênh YouTube của NTD và Đại Kỷ Nguyên.
Việt Anh