Hôm thứ Hai (11/01), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết các quyết định gần đây của ông về Đài Loan đã được đưa ra cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời nhắc lại mối đe dọa mà Trung Cộng gây ra cho toàn thế giới.
Ông Pompeo đã trả lời câu hỏi về các quyết định gần đây của ông trong việc dỡ bỏ “các hướng dẫn liên lạc” [được đặt ra] hàng thập kỷ trước về việc các quan chức Hoa Kỳ nên tương tác với những người đồng cấp Đài Loan của họ như thế nào, để Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft có thể đến thăm hòn đảo tự trị trong tuần này và ra một tuyên bố chung về các vụ bắt giữ hàng loạt ở Hồng Kông.
“Tôi ước điều này được thực hiện sớm hơn. [Nhưng] nó đã không được hối thúc. Đây được coi là những nỗ lực mà chúng tôi đã thực hiện được và chúng là một phần quan trọng trong chiến lược mà chúng tôi đã vạch ra liên quan đến việc bảo vệ và gìn giữ các quyền tự do của Hoa Kỳ trước thách thức mà Trung Cộng đặt ra,” ông Pompeo tuyên bố.
Ông Pompeo đã đưa ra những lời nhận xét trên trong bài phát biểu tại trụ sở của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 11/01.
Bắc Kinh đã chỉ trích gay gắt chính phủ TT Trump về hai hành động có liên quan đến Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Cộng tuyên bố là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Thời báo Global Times, kênh truyền thông hiếu chiến của Trung Cộng, trong các bài xã luận gần đây đã chỉ trích các hành động trên là “sự điên rồ cuối cùng” của chính phủ TT Trump, đồng thời đe dọa chiến tranh và đề xuất các biện pháp trong những ngày tới để trói ông Pompeo vào “cột trụ hổ thẹn.”
Do nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế ảnh hưởng quốc tế của Đài Loan, hòn đảo này hiện chỉ có 15 đồng minh ngoại giao. Hoa Kỳ hiện không phải là một trong số đó, sau khi chính quyền Carter chuyển đổi công nhận ngoại giao có lợi cho Bắc Kinh vào năm 1979. Mặc dù không có mối bang giao chính thức, nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với hòn đảo tự trị dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA).
Việc dỡ bỏ các hạn chế đối với Đài Loan của ông Pompeo được hoan nghênh bởi không chỉ riêng các nhà lập pháp Hoa Kỳ mà còn cả các chính trị gia Anh. Hôm 09/01, ông Luke de Pulford, một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, đã tuyên bố thông qua Twitter rằng quốc gia này nên làm theo quyết định của ông Pompeo.
Ông Pompeo cũng nhắc lại quan điểm của mình rằng nên tiếp cận với một Trung Quốc Đỏ trên cơ sở “không tin tưởng và phải xác minh” (distrust and verify), một chính sách mà ông đưa ra lần đầu tiên trong bài phát biểu tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở California vào ngày 23/07 năm ngoái.
Để nhấn mạnh quan điểm của mình, ông Pompeo cho biết vụ bắt giữ hơn 50 nhà hoạt động, các cựu nhà lập pháp và chính trị gia ở Hồng Kông gần đây là bằng chứng thêm cho thấy Bắc Kinh đã “phớt lờ” lời hứa với người dân Hồng Kông. Những người bị bắt đã bị buộc tội “lật đổ chính quyền nhà nước” theo luật an ninh quốc gia Hồng Kông.
Khi Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, được trao lại dưới quyền cai trị của Trung Quốc vào năm 1997, nhà nước cộng sản độc đảng hứa rằng người dân Hồng Kông sẽ được hưởng các quyền tự do và các quyền không được bảo vệ ở Trung Quốc đại lục trong ít nhất 50 năm.
Kể từ đó, Trung Cộng đã tiến hành chương trình nghị sự của riêng đảng này và thất hứa, gần đây nhất là việc thực thi luật an ninh hà khắc vào tháng 6 năm ngoái, để trừng phạt các tội danh không được định nghĩa rõ ràng như lật đổ và ly khai, với mức án tối đa là tù chung thân.
Ông Pompeo kết luận “Trung Cộng có ý đồ bá quyền rõ ràng, và chúng tôi có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người dân Hoa Kỳ và nói thẳng ra là đối với những người yêu tự do trên toàn thế giới, để bảo đảm rằng đó không phải là thế giới mà con cháu chúng ta sẽ phải sống trong.”
Theo Xuân Thu/ ET Việt