Đề phòng những tình huống khẩn cấp như kẻ gian đột nhập; bị tấn công bằng bom, chất nổ; các thảm họa tự nhiên như động đất, lốc xoáy… giới nhà giàu thế giới thường xây dựng phòng an toàn với tường thép kiên cố chống đạn, chống vũ khí hạt nhân, hệ thống chống đột nhập, điện thoại vệ tinh… trong biệt thự của họ.
Vụ án mạng kinh hoàng ở Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình nổi tiếng giàu có chết thảm đang gây chấn động dư luận. Theo thông tin điều tra ban đầu, những kẻ giết người đã đột nhập vào căn biệt thự của gia đình nạn nhân vào lúc nửa đêm, khống chế những người ở trong nhà, bịt miệng, mắt và trói chân tay họ rồi cuối cùng, ra tay tàn độc, giết chết các nạn nhân bằng cách cắt cổ. Đối với giới nhà giàu, chính khách cũng như người nổi tiếng trên thế giới, vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu. Do đó, họ sẵn sàng chi bộn tiền để xây dựng phòng an toàn trong căn biệt thự xa hoa, lộng lẫy đề phòng tình huống kẻ gian đột nhập vào nhà; các cuộc tấn công khủng bố bằng vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học; hay các thảm họa tự nhiên như động đất, lốc xoáy, bão lụt… Ngoài ra, phòng an toàn còn là nơi để giới nhà giàu yên tâm cất giữ những bí mật “sống để bụng, chết mang theo”, tiền tài hay tài sản quý, giá trị… Căn phòng an toàn được xây dựng ẩn dưới cầu thang.
Tờ London Evening Standard dẫn lời chuyên gia cho biết, nguyên nhân phổ biến nhất thúc đẩy những người lắm tiền nhiều của xây dựng phòng an toàn trong các “siêu căn hộ” của họ là để lánh nạn khi có kẻ gian đột nhập vào nhà.
Theo báo Anh, cách đây cả thập kỷ, Nữ hoàng Anh đã chỉ đạo xây dựng các phòng an toàn, có tường thép dày 18 inches (45 cm) có khả năng chống đạn, chống lửa ở cả cung điện Buckingham lẫn lâu đài Windsor. Các phòng an toàn của Hoàng gia Anh cũng được trang bị khả năng chống chịu được khí độc, bom, hoặc các cuộc tấn công khủng bố, có hệ thống liên lạc thông minh, thực phẩm cho các thành viên Hoàng gia trong 1 tuần.
Cung điện Buckingham có phòng an toàn hiện đại, kiên cố
Trong khi đó, trong lâu đài Kensington – nơi ở của vợ chồng công nương Kate và hoàng tử William cũng có phòng an toàn với hệ thống máy lọc khí độc, có khả năng chống lại các cuộc tấn công sinh học và có cả đường hầm thoát hiểm.
Truyền thông Anh từng đưa tin, bên trong mỗi căn hộ ở đại lộ The Bishops, quận Hampstead hoặc quảng trường Eaton quận Belgravia – khu dành riêng cho giới nhà giàu với những biệt thự đắt đỏ nhất thủ đô London, thậm chí đắt hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, với giá bán trung bình lên tới hàng chục triệu USD – đều có các phòng an toàn.
Phòng an toàn bên trong lâu đài Kensington, nơi ở của vợ chồng công nương Kate và hoàng tử William còn có cả đường hầm thoát hiểm bí mật.
Theo tờ London Evening Standard, mức giá để xây dựng một phòng an toàn trong mỗi “siêu căn hộ” ở London dao động khoảng từ 90.000 USD (2 tỷ đồng) đến 3 triệu USD (67 tỷ đồng) tùy thuộc vào chức năng, trang thiết bị của nó và túi tiền của gia chủ. Có 2 loại phòng an toàn được giới nhà giàu ưa chuộng và xây dựng phổ biến đó là: Loại phòng ẩn, bí mật và loại phòng bê tông kiên cố (với những tiêu chuẩn như có khả năng chống bức xạ, chống vũ khí hạt nhân…).
Phòng an toàn trong siêu căn hộ của giới nhà giàu thế giới có cửa thép dày chống đạn, thậm chí chống chịu được cả sức công phá của bom hạt nhân
Những căn phòng an toàn đắt đỏ nhất sẽ được lắp đặt các hệ thống riêng biệt với cả tòa nhà bao gồm: điều hòa, máy sưởi, máy lọc khí độc, máy phát điện, hệ thống báo động, lương thực dự trữ… London Evening Standard dẫn lời một nhà thầu xây dựng cho hay, giới nhà giàu Mỹ thường yêu cầu phòng an toàn hơn có nhiều chức năng hơn nhà giàu Anh.
Lối vào căn phòng an toàn ẩn sau giá sách lớn
Theo ông Paul Weldon, người sáng lập Công ty Panic Room (chuyên xây dựng phòng an toàn có tiếng ở London), tiêu chuẩn quan trọng nhất trong một căn phòng an toàn là có khả năng liên lạc, truyền tin hoàn hảo. “Căn phòng phải đảm bảo mọi khả năng liên lạc, truyền tin hữu hiệu, có thể chỉ đơn giản thông qua điện thoại di động, iPad hay tinh vi hơn là điện thoại vệ tinh… để luôn có khả năng kết nối với cảnh sát hay bất cứ dịch vụ bảo mật, an ninh nào. Hệ thống camera trong nhà cũng phải được kết nối với căn phòng an toàn để gia chủ có thể nắm được mọi động thái đang xảy ra bên ngoài”, ông Weldon nhấn mạnh.
Theo ông Weldon, nhà giàu Mỹ thường chuộng dự trữ cả vũ khí (phổ biến nhất là súng) trong các phòng an toàn.
Lối vào phòng an toàn ẩn sau chiếc tủ nhỏ, rất khó bị phát hiện
Cũng theo ông này, nhu cầu xây dựng phòng an toàn không ngừng tăng lên do người giàu ngày càng coi trọng vấn đề an toàn tính mạng cũng như tài sản của họ. Ông Weldon nhận xét rằng, người giàu thường vô cùng nhạy cảm đối với vấn đề an ninh và thường “sống trong sợ hãi”.
Lối vào phòng an toàn hòa hợp với kiến trúc tổng thể của cả tòa nhà để kẻ gian không thể phát hiện
“Họ thường lo sợ rằng, những hành vi trộm cướp đơn giản ban đầu có thể dẫn đến những bi kịch tồi tệ hơn nhiều. Chẳng hạn, những tên trộm cướp sau khi đột nhập vào nhà, cướp đoạt tài sản, có thể truy tìm những người sống trong nhà và giết hại để tẩu thoát và tránh bị phát hiện”, ông Weldon nhấn mạnh. “Tôi cũng đang xây dựng một căn phòng an toàn cho một vị khách muốn cất giấu các tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng trăm triệu USD của ông ấy vào đó. Căn phòng không còn đơn giản chỉ là phòng an toàn mà còn có chức năng như một nhà kho khi nhiều người giàu có không còn đặt nhiều niềm tin vào các ngân hàng và muốn tự mình bảo quản tài sản giá trị của họ ngay trong nhà”, ông Weldon nói thêm.
|
Theo 24H