Thời Cách mạng Văn hóa ông Đặng Tiểu Bình bị ông Mao Trạch Đông đấu tố, con trai cả của ông Đặng vì bị đấu tố mà phải nhảy lầu, sống trong tàn tận. Sau này, ông Đặng Tiểu Bình đã tận lực ép xử tử vợ của ông Mao Trạch Đông là Giang Thanh, đồng thời cũng gây nhiều khốn khó cho thế hệ sau của Mao.
Đặng Tiểu Bình muốn tử hình Giang Thanh
Ngày 21/5, Đài Phát thanh Á châu Tự do (RFA) đăng bài viết của tác giả Cao Tân (Gao Xin) tiết lộ, trong phiên tòa xử “bè lũ bốn tên”, những người gồm Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong, Vương Chấn, Vi Quốc Thanh, Đặng Dĩnh Siêu, và Ô Lan Phu đều chủ trương kết án tử hình Giang Thanh; nhưng những người khác gồm Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Diệp Kiếm Anh, Trần Vân, Từ Hướng Tiền thì phản đối.
Tác giả Cao Tân từng hỏi một số bạn bè và người trong cuộc, bao gồm cả Trần Phương là con trai thứ của Trần Vân, để xác minh vấn đề này. Theo thông tin, khí đó ông Đặng Tiểu Bình kiên định cái gọi là “không giết Giang Thanh không thể xoa dịu nỗi oán giận trong dân chúng”, đã lấy một bức thư “chủ trương giết” của “đại biểu nổi tiếng thuộc đảng phái dân chủ” gửi cho Trung ương Đảng làm dẫn chứng, về vấn đề này Bộ Chính trị ĐCSTQ đã qua thương thảo nhiều lần.
Một người bạn của Trần Phương cho biết, ông Từ Hướng Tiền là người đầu tiên phản đối ông Đặng Tiểu Bình kết án tử hình Giang Thanh, Trần Vân cũng kiên quyết phản đối, sau đó lại có Hồ Diệu Bang và những người cùng phe cho rằng phải “hạ đao giữ người”. Cuối cùng quyết định kết án tử hình đối với Giang Thanh và Trương Xuân Kiều nhưng cho hoãn thi hành án, làm trái lại quan điểm của Đặng Tiểu Bình và một số người chủ trương giết khác.
Chuyên gia về lịch sử ĐCSTQ là Trần Đông Lâm (Chen Donglin) cũng từng cho biết, “bè lũ bốn tên” do Giang Thanh đứng đầu hại nước hại dân, thảm họa Cách mạng Văn hóa cả thập niên là vô cùng tồi tệ. Trước khi xét xử “bè lũ bốn tên”, Bộ Chính trị của ĐCSTQ đã tổ chức thảo luận, nhiều người chủ trương xử Giang Thanh án tử hình. Nhưng Trần Vân nói: “Không thể giết, cuộc đấu tranh chống lại ‘bè lũ bốn tên’ dù sao cũng là một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng”. Nhưng có người phản đối: “Đấu tranh trong Đảng cũng có thể giết”. Trần Vân đáp lại: “Đấu tranh trong nội bộ Đảng không được khai sát giới, nếu không thế hệ sau sẽ khó xử.”
Theo bài viết của Lý Nhuệ (Li Rui), nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ban Cố vấn Trung ương tiết lộ, mười ngày trước khi Hồ Diệu Bang qua đời, tức là lúc 14:30 ngày 05/4/1989, từng hẹn Lý Nhuệ đến nhà trò chuyện kéo dài đến bảy tiếng rưỡi. Hồ Diệu Bang nói: “Ban đầu Đặng Tiểu Bình chủ trương kết án tử hình Trương Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, cho thi hành án ngay”. Lúc đó Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Trần Vân kiên quyết phản đối, và cuối cùng thống nhất là “cho xét xử công khai”.
Tháng 1/1981, Giang Thanh bị kết án tử hình nhưng hoãn thi hành trong hai năm, hai năm sau được giảm án thành tù chung thân; ngày 14/5/1991, Giang Thanh tự tử.
Đồng thời với việc Giang Thanh bị kết án “tử hình hoãn thi hành án”, Đặng Tiểu Bình đã thành công lật đổ Hoa Quốc Phong, từ đó “gia đình đầu tiên” của ĐCSTQ đã chính thức bị nhà họ Đặng thay thế.
Con gái của Giang Thanh bị liên lụy
Theo bài viết của tác giả Cao Tân, Đặng Tiểu Bình ngoài việc cố gắng để giết vợ Mao Trạch Đông là Giang Thanh, còn gây nhiều khó khăn cho thế hệ sau của Mao Trạch Đông, con gái của Mao Trạch Đông và Giang Thanh là Lý Nột (Li Ne) từng bị “mất tự do” 5 năm.
Theo thông tin, sau khi ĐCSTQ bắt đầu cái gọi là “cải cách mở cửa”, tất cả các thành viên của nhà họ Đặng bắt đầu quá trình “đi đầu làm giàu” nhanh chóng, và cùng lúc con gái của Giang Thanh và Mao là Lý Nột cũng bắt đầu thời ảm đạm nhất trong cuộc đời.
Sau khi Giang Thanh bị bắt, Lý Nột đã bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải, bị mất tích bí ẩn trong một khoảng thời gian (thông tin cho rằng nằm viện chữa bệnh), con trai của Lý Nột là Lý Hiệu Chi (sau đó theo họ cha dượng là Vương) từ 5 tuổi đã bị buộc phải sống khổ sở cùng người dì trải qua 5 năm không ở bên cha mẹ.
Sau khi được trả tự do, Lý Nột đã rơi vào tình trạng thân thể tiều tụy, thời gian dài dưỡng bệnh tại nhà, chỉ sống bằng “lương cơ bản”; còn người chồng tái hôn, sau khi nghỉ hưu tại Vân Nam rồi chuyển đến Bắc Kinh tiền lương cũng ít ỏi, không đủ để chi tiêu đắt đỏ tại Bắc Kinh, vì vậy hai vợ chồng trải qua những tháng ngày khó khăn.
Theo bài viết, trước khi Giang Thanh tự sát, Lý Nột đã chi hàng ngàn nhân dân tệ để điều trị nhiều bệnh mãn tính và chăm sóc sức khỏe. Nhưng khi cô đưa hóa đơn cho cơ quan thanh toán, cơ quan đã cho cô xem quy định về tài chính, theo đó cho biết trong đơn thuốc của cô phần lớn thuộc “loại thuốc tự chi trả.”
Con trai của Đặng Tiểu Bình bị bức hại, tàn tật suốt đời
Theo bài viết, các thành viên trong gia đình Mao Trạch Đông bị Đặng Tiểu Bình “trả thù” vì trước đây Mao đã tàn nhẫn với gia đình Đặng, có thể liên quan đến tình trạng tàn tật suốt đời của con trai cả của Đặng là Đặng Phác Phương.
Trong năm nổ ra Cách mạng Văn hóa 1966, Đặng Tiểu Bình bị đấu tố. Năm mới năm 1967, Tổng Thư ký Trung ương Đặng Tiểu Bình và Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đều bị gán tội “phe theo Tư bản lớn nhất trong Đảng”, bị buộc từ bỏ các chức vụ.
Vào cuối tháng 3/1967, Đặng Tiểu Bình đã bị Ban Thường vụ Bộ Chính trị bãi miễn chức Tổng Thư ký Trung ương; Tháng Tám cùng năm, các Hồng vệ binh xông vào nhà Đặng ở Trung Nam Hải mở cuộc đấu tố, Đặng Tiểu Bình đã bị ép phải quỳ xuống, ngồi kiểu “máy bay phản lực”; vào tháng Chín, con của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đều bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải.
Tháng Chín cùng năm, con trai cả của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương học khoa Vật lý tại Đại học Bắc Kinh bị đấu tố, đã nhảy từ trên lầu xuống đất, tuy may mắn không chết nhưng bị tê liệt dưới thắt lưng.
Năm 1970, Đặng Tiểu Bình gửi thư cho Ủy ban Trung ương, yêu cầu cho Đặng Phác Phương về Giang Tây sống cùng Đặng Tiểu Bình, vào năm 1971 Đặng Phác Phương đã được đoàn tụ với cha mẹ.
Theo bài viết của tác giả Cao Tân, khi Đặng Phác Phương được chuyển đến nơi ở của Đặng Tiểu Bình tại Giang Tây, thấy cảnh bi thảm của con trai cả, Trác Lâm và mẹ kế của Đặng Tiểu Bình là cụ Hạ (Xia) không thể cầm được nước mắt. Kể từ đó, Đặng Tiểu Bình dù gần bảy mươi tuổi nhưng đã trở thành người chăm sóc duy nhất cho con trai bại liệt, còn Trác Lâm và mẹ kế giúp đỡ trong khi trở người, thay quần áo, tắm, buổi sáng phải chuyển từ giường qua chiếc xe lăn, tối đến phải chuyển trở lại giường.
Tác giả bài viết đặt vấn đề, chuyện không mấy người được biết Đặng Tiểu Bình âm thầm chăm sóc con trai bại liệt liệu có phải vì câu chuyện sẽ làm nảy sinh ý tưởng“quân tử trả thù, mười năm chưa muộn”?!
Theo Trithucvn