“Khuôn: bánh, xôi, oản” là tên biển hiệu của một tiệm làm khuôn bánh trung thu truyền thống cuối cùng ở đất Hà Thành…
Thấm thoát đã 40 năm trôi qua, trong căn tiệm làm khuôn bánh nhỏ xíu và cũ kỹ của ông Phạm Văn Quang (57 tuổi), quê gốc ở Thường Tín (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), nằm lọt thỏm giữa các dãy cửa hàng đồ sộ và hiện đại. Dường như trên con phố sầm uất ấy, chỉ duy mất mình cửa tiệm của ông là không bị thời gian đến gõ cửa, nơi đây vẫn giữ nguyên nhiều nét cổ điển của thời xa xưa.
Mặc dù chỉ vỏn vẹn 10m2, nhưng treo chằng chịt là những khuôn bánh gỗ với đầy đủ các hình thù và kích cỡ. Mỗi một khuôn là một tác phẩm điêu khắc khác nhau, không cái nào giống cái nào.
Nhất là giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, được xem là mùa làm chính của những người thợ tạo khuôn bánh trung thu. Nhưng thuận theo thời gian, máy móc ngày càng hiện đại hơn, hàng loạt những khuôn gỗ được sản xuất công nghiệp với những chiếc máy đục gỗ tự động công nghệ cao, không ai còn tận dụng đến sức người nữa, chưa kể các khuôn nhựa cũng thay phiên ra đời,…
Chính vì vậy, gần như không mấy ai còn có thể trụ nổi với nghề, duy chỉ có mình ông Quang là người thợ duy nhất vẫn làm khuôn và sống được với nghề.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những chiếc khuôn làm bằng máy không thể sánh nổi với khuôn làm bằng tay của những người thợ lành nghề. Bởi nó không có cái hồn của người thợ thổi vào.
“Khuôn máy ra sản phẩm nhìn cứng chứ không có hồn như làm thủ công”, ông Quang thẳng thắn chia sẻ.
Sự thật là trong 40 năm làm khuôn, chẳng cái khuôn nào của ông là giống cái khuôn nào. Ông Quang chia sẻ, mỗi một vị khách đến cửa tiệm, ông đều trò chuyện cùng họ, lắng nghe những câu chuyện mà họ chia sẻ, yêu cầu của họ, và cả những kỷ niệm của riêng họ… Từ đó mà đem hết những tinh túy trong đó, gửi gắm lên tác phẩm của mình.
“Cũng tới làm khuôn, nhưng người thì muốn đúc chữ thanh xuân để lưu giữ kỉ niệm, người khác lại muốn khắc hoạ 36 phố phường để gửi đi nước ngoài làm quà tặng Việt kiều xa quê. Các công ty, doanh nghiệp thì cần đóng logo, biểu tượng trên bánh để tặng khách hàng”, ông Quang chia sẻ.
Do vậy mà mỗi chiếc khuôn đều chứa một câu chuyện, một linh hồn… Mà chưa kể, dù có là thợ thủ công lành nghề như nhau, mà người không có cái tâm, không có cảm thụ sâu sắc về nhân sinh, không có cái tư tưởng truyền thống ấy thì cũng không thể làm ra được cái khuôn có hồn, huống gì là khuôn công nghiệp…
“Hình chủ yếu để làm khuôn là cá chép, hàm ý ‘cá chép hóa rồng’ thể hiện cho khát vọng vươn lên, hay hình hoa cúc, hoa sen… Bên cạnh đó, tôi còn làm những hình con giống cho trẻ em”.
Ngoài ra, khâu chọn gỗ cũng là khâu đặc biệt quan trọng, vì nó quyết định sản phẩm làm ra của ông có độ bền hay không. Ông chia sẻ, nếu khuôn làm từ gỗ mít, thì do gỗ quá chắc, người ta đổ chiếc chiếc bánh ra bánh sẽ dễ bị nứt gãy. Còn nếu khuôn làm bằng gỗ quá mềm, thì sau khi sử dụng thời gian lâu, khuôn sẽ dễ bị mòn hết những hoa văn.
Vậy nên, ông Quang thường dùng gỗ xà cừ, là loại gỗ có thể dung hòa được hai tính năng trên, mà giá thành lại vừa phải. Khách hàng mua về chỉ cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, thì có thể sử dụng được mãi cũng không hư.
Ngoài ra, một điều đặc biệt khi ai đó đến đặt hàng của ông, đều phải kiên nhẫn chờ đợi, vì ông Quang không bao giờ hứa hẹn với ai là khi nào làm xong, mà chỉ xin số điện thoại của khách hàng, khi nào xong ông sẽ chủ động gọi đến lấy.
Vì công việc làm khuôn là cả một nghệ thuật, mỗi một khuôn đều cần đặt toàn bộ tâm tư và tập trung cho mỗi mình nó. Do đó có những lúc ý tưởng cạn thì phải mất vài ngày. Chưa kể còn tùy thuộc vào độ khó của mỗi chiếc khuôn, mà cần dành cho nó bao nhiêu tâm huyết.
Vậy nên thông thường sau khi một chiếc khuôn đã hoàn thành, mới có thể định giá được cho nó.
Có những khách hàng yêu cầu ông làm gấp cho họ, bao nhiêu tiền cũng trả, nhưng ông Quang đều từ chối chứ không vì tiền mà bất chấp. Ông luôn có quan niệm là giữ đúng nguyên tắc trong làm nghề, vì có như vậy, những gì truyền thống nhất mới không bị mai một đi mất.
“Từng có một vị chủ khách sạn đặt tôi làm một chiếc khuôn bánh Trung thu 15kg, giá nào cũng trả nhưng thời gian thì gấp gáp. Tôi nhất định không nhận đơn đó bởi gấp gáp thì lấy đâu ra được một cái khuôn đẹp. Làm cho người ta cái khuôn mà ngay đến mình cũng cảm thấy không vừa ý đâu có đáng để nhận đồng tiền ấy. Trong nghề nào cũng vậy, làm việc cần có cái tâm. Đó cũng chính là xây dựng thương hiệu cho chính mình”, ông Quang chân thành chia sẻ.
Tuy vậy, nhưng ông vẫn không ngừng tìm hiểu thị hiếu của người dùng, để liên tục có những sáng tạo mới, không bị lỗi thời.
“Đã là người làm nghề phải đáp ứng với nhu cầu, thị hiếu hiện tại của khách hàng. Dù là nghề truyền thống cũng vẫn phải vận động theo thời cuộc, không thể mãi đứng yên”.
Vậy nên, cửa tiệm của ông mới có thể tồn tại được suốt mấy chục năm như vậy. Xuyên suốt từ bắc vào nam, thậm chí với những vị khách nước ngoài, khi muốn đặt khuôn bánh đều luôn nhớ tới cửa tiệm của ông.
“Người ta thường nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Làm nghề nào cũng vậy, nếu mình có năng lực, mình biết phát triển những cái mới luôn có đất tồn tại, chẳng cần phải nghe ai nói ‘ôi cái nghề này hết thời rồi’ mà cảm thấy nao núng…”, ông Quang hồn hậu chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ mình ông là người cuối cùng trong gia đình còn giữ nghề làm khuôn truyền thống. Con cháu của ông ai nấy đều theo đuổi sự nghiệp của riêng mình, không còn ai muốn gắn bó với nghề nữa. Tuy nhiên, ông cũng không ép uổng con cháu mình phải nối nghiệp, bởi nếu không có cái tâm trong đó, làm qua loa thì cũng chẳng giữ được nghề.
Chúc Di (t/h)