Tinh Hoa

Nội chiến sắp đẩy Libya vào thế không cách cứu vãn

Cuộc chiến giữa các phe phái ở Libya đang đẩy quốc gia sản xuất dầu mỏ “rất gần giới hạn không cách nào cứu chữa”, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại đây cho biết hôm Thứ Ba (28/10).

Cảnh chiều tàn ở một mỏ dầu tại khu cảng biển Benghazi ở Libya.

Quan chức LHQ đang nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn và đàm phán về chính trị, nhưng chưa đạt hiệu quả.

Số người thiệt mạng trong hai tuần đụng độ giữa lực lượng ủng hộ chính phủ và các nhóm vũ trang Hồi giáo ở thành phố phía Đông cảng biển Benghazi đã tăng lên 170 nạn nhân, các nhân viên y tế cho biết. 22 người đã bỏ mạng vào Thứ Hai (27/10) và Thứ Ba (28/10).

Kể từ khi nhóm dân quân ở thành phố phía Tây của Misrata đánh chiếm thủ đô Tripoli hồi Tháng Tám và thiết lập quyền lực riêng, đất nước Bắc Phi này có tới hai chính phủ và quốc hội.

Chính quyền được quốc tế công nhận của Thủ tướng Abdullah al-Thinni đã phải dịch chuyển 1.000 km về phía Đông, nơi dân biểu của Hạ Viện đang làm việc, chia cắt đất nước sa mạc rộng lớn này.

Các tay súng thuộc nhóm vũ trang Chiến dịch Bình Minh bắn rốc két trong cuộc đụng độ với nhóm đối lập thuộc lữ đoàn Az Zintan, ở ngoại ô thành phố Kklh, phía tây Nam Tripoli, ngày 21/10/2014 .
(Ảnh: REUTERS / ISMAIL ZITOUNY)

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc là ông Bernadino Leon đã đưa ra sáng kiến vào tháng trước nhằm nối lại cuộc đối thoại và thỏa thuận ngừng bắn giữa đôi bên. Tuy nhiên, xung đột leo thang ở cảng biển Benghazi, cũng như ở miền Tây Libya trong hai tuần qua.

“Tôi nghĩ Libya không còn thời gian nữa. Đất nước này đang trên bờ vực nguy hiểm trong những tuần qua. Chúng ta đang rất gần giới hạn khó có thể cứu vãn”, ông Leon nói trong cuộc họp báo trên truyền hình.

Các cường quốc Tây Phương quan ngại rằng, quốc gia thuộc Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang lao vào cuộc nội chiến kể từ khi chính quyền đương nhiệm trở nên quá yếu kém trong việc kiểm soát các cựu phiến quân, nhóm giúp lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi vào năm 2011, nhưng bây giờ lại quay sang chiếm quyền lực và muốn chia lợi nhuận từ dầu mỏ.

Ông Leon đã từ chối đưa ra khung thời gian cho cuộc đàm phán tại Liên Hợp Quốc giữa Hạ viện và các thành viên Misrata, những người đã tẩy chay phiên họp.

Các cuộc hội đàm trước đó đều thiếu vắng đại diện Misrata cũng như lực lượng dân quân ở thành phố miền Tây của Zinta, nhóm chiến đấu với lực lượng của Misrata tại Tripoli trong hơn một tháng mùa hè trước khi xảy ra cuộc đụng độ tại thủ đô nước này.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao hy vọng, kể từ khi các thành viên nghị viện của Misrata gián tiếp nối lại liên hệ với một đối thủ trong quốc hội ở Tripoli, các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ được thực hiện rộng hơn.

Tình hình ở Tripoli đã trở nên tồi tệ do xung đột riêng giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ và lữ đoàn Hồi giáo ở Benghazi, thành phố chính ở phía Đông.

Âm thanh từ giao tranh có thể nghe thấy gần sân bay, ở ngoại ô Benina của cảng biển Benghazi, khu vực được quân đội “giải phóng” khỏi tay của Ansar al-Sharia hồi tuần trước.  Washington cáo buộc Ansar  tấn công khiến đại sứ Mỹ thiệt mạng vào năm 2012.

Cuộc đối đầu còn diễn ra ở các khu vực phía Tây của thành phố cảng Địa Trung Hải. Đây là nơi tập trung nhiều ngân hàng và cửa hiệu, đã bị đóng cửa kể từ khi đơn vị quân đội trung thành với cựu Tổng tư lệnh Khalifa Haftar tiến hành tấn công chống nhóm Hồi giáo và áp đặt lệnh giới nghiêm.

Thiên Hà, Công Lý – Reuters