Tinh Hoa

Nơi bị “trời đánh” nhiều nhất thế giới

Việc dự báo các cơn bão và địa điểm có khả năng thu hút sét rất quan trọng khi dân số toàn cầu tăng lên

Hồ Maracaibo ở Venezuela đã giành kỷ lục Guinness cho danh hiệu “nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới”. Trung bình mỗi năm, khu vực này hứng chịu khoảng 250 tia sét trên 1 km2.

Sét đánh xuống sông Catatumbo, gần hồ Maracaibo Ảnh: Alamy

Trong 2 tháng đầu năm, những cơn bão ít xuất hiện ở Venezuela do đang vào mùa khô. Nhưng đến tháng 10, hàng loạt cơn bão mang theo mưa lớn, sấm chớp đổ xuống khu vực hồ Maracaibo. Thời điểm này, người ta có thể nhìn thấy trung bình 28 tia sét mỗi phút. Nơi con sông Catatumbo tiếp giáp với hồ Maracaibo, một năm có tới 260 ngày mưa bão nên không có gì lạ khi mỗi đêm, hàng ngàn tia sét phóng xuống làm bầu trời gần như lúc nào cũng rực sáng. Người dân bản địa đi thuyền trong đêm tối lợi dụng thứ ánh sáng tự nhiên này để xác định phương hướng. Trong khi đó, các nhà khoa học từ lâu đã bắt đầu tìm hiểu lý do hồ Maracaibo bị sét đánh liên tục từ năm này qua năm khác.

Vào thập niên 60, các mỏ uranium trong khu vực được cho là nguyên nhân thu hút sét. Gần đây, giới khoa học đưa thêm giả thuyết các mỏ dầu dưới lòng hồ sản sinh ra khí mê-tan, giúp không khí trên mặt hồ trở thành chất dẫn điện tốt. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người nghiêng về giả thuyết sự kết hợp của địa hình và gió quanh hồ Maracaibo mới là nguyên nhân chính. Theo giải thích của TS Daniel Cecil, thuộc Trung tâm Thời tiết và Thủy văn toàn cầu (Mỹ), địa hình đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy luồng gió nóng hay lạnh, qua đó hình thành nên những cơn bão. Ban ngày, ở khu vực Tây Bắc Venezuela, hồ Maracaibo chảy qua thành phố cùng tên vào biển Caribbean. Hơi nước từ mặt hồ được mặt trời sưởi ấm bốc lên cao. Về đêm, gió mậu dịch từ biển thổi tới đẩy khối không khí ấm áp này vào tầng không khí lạnh thổi ra từ các ngọn núi, tạo nên những “đám mây bão” phát ra tia lửa điện gọi là sét.

Ngoài hồ Maracaibo, một số khu vực bị sét “hỏi thăm nhiều” là ngôi làng Kifuka (Cộng hòa Congo, 158 tia sét/km2 mỗi năm) và thung lũng Brahmaputra (Ấn Độ). Trong 17 năm qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) kết hợp với Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAEA) tiến hành dự án Đo lượng mưa nhiệt đới (TRMM), trong đó thu thập dữ liệu khí tượng trong lúc các vệ tinh quay quanh Trái đất. Những dữ liệu này có thể giúp các nhà khoa học lập bản đồ các điểm bị sét đánh nhiều nhất thế giới, trong đó đứng đầu là hồ Maracaibo. TS Cecil cho biết trong tương lai, các nhà nghiên cứu sẽ dùng vệ tinh địa tĩnh để lập bản đồ sét các khu vực. Khi dân số toàn cầu tăng lên, việc dự báo các cơn bão và địa điểm có khả năng thu hút sét rất quan trọng vì nhiều người làm việc ngoài trời không có bảo hộ rất dễ bị trúng sét, dẫn đến thương tích hoặc mất mạng.

Phạm Nghĩa

Theo NLĐ