Tinh Hoa

Niềm tin luân hồi trong Hồi giáo mở ra góc nhìn khác về lực lượng khủng bố ISIS

Chúng ta biết rằng những người theo Phật giáo, Ki-tô giáo đều tin vào địa ngục. Theo các tôn giáo này, những người phạm trọng tội sẽ bị hạ vào địa ngục sau khi chết. Vậy còn những người theo đạo Hồi thì sao? Họ có tin vào địa ngục như Phật giáo và Ki-tô giáo không?

Người Hồi giáo có tin vào địa ngục? (Tranh: qua Andrew Bernstein)

Nhắc đến người Hồi giáo, nhiều người có thể liên tưởng ngay rằng họ là những người cực đoan, ủng hộ bạo lực và khủng bố. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy. Phần lớn tín đồ Hồi giáo đều là người ngoan đạo, ôn hòa, thậm chí họ phải chịu đựng bạo lực và khủng bố nhiều hơn những người ngoại đạo. 93 % người Hồi giáo không ủng hộ những quan điểm khủng bố cực đoan.

Vậy tại sao lại tồn tại những tổ chức Hồi giáo cực đoan bị phương Tây liệt vào danh sách khủng bố như: Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (ISIS), A-Qaeda, Taliban, Hamas, Hezbollah, Boko Haram và Al-Shabaab,…?

Lý giải tội ác của những tổ chức Hồi giáo cực đoan này, có một giả thuyết cho rằng bản kinh Koran đang được các cộng đồng Hồi giáo sử dụng ngày nay có thể đã bị sửa đổi và sai lệch nhiều so với bản gốc, không loại trừ khả năng những người sao chép đã đưa vào các học thuyết phục vụ cho mục đích chính trị của họ.

Cụ thể, kinh Koran được nhà tiên tri Muhammad viết trên lá cọ khô và trên những tấm da súc vật phơi khô. Sau khi ông mất, phần lớn các bản chép tay này bị thất lạc hoặc phân tán nhiều nơi. Năm 657, 25 năm sau khi Muhammad qua đời, vua Uthman công bố bản kinh Koran do Zayd biên tập và ra lệnh tiêu hủy toàn bộ các bản viết tay của Muhammad. Tuy nhiên một số bản kinh gốc vẫn còn sót lại và ngày nay người ta đã thu thập được 5 bản viết trên da súc vật…

Khi so sánh các bản chính với Kinh Koran do Uthman công bố, người ta đã phát giác có nhiều sự khác biệt. Zayd và ban biên tập của ông ta có thể đã không thu thập đầy đủ các thủ bản của Muhammad, khi chép lại có thể đã bỏ sót một số câu thơ của kinh Koran và không có gì bảo đảm là Zayd và ban biên tập đã không tự ý sửa đổi Kinh Koran theo ý riêng của mình.

Năm 40 tuổi, Thánh Mohammed đã gặp Thiên thần Gabriel – người được phái xuống để thông báo rằng ông đã được chọn làm sứ giả của Thiên Chúa. (Tranh: qua Infonet)

Ngoài ra, A’amash, người suýt trở thành thành viên của một tổ chức Hồi giáo khủng bố cho biết, kinh Koran cần phải được đọc nguyên văn và hiểu đúng trong bối cảnh lịch sử, nếu ai đó đoạn chương thủ nghĩa, tách đoạn để dẫn chứng, chúng sẽ dễ bị hiểu sai và bị dùng vào mục đích biện minh cho bạo lực.

Khi mới tiếp xúc với thế giới Hồi giáo và hiểu các nguyên lý kinh Koran một cách nông cạn, thiển cận, một người có thể dễ dàng bị dẫn dụ vào các mục tiêu cực đoan và bị chiêu mộ bởi đường dây khủng bố. Tuy bề ngoài họ là những phần tử bảo vệ tín ngưỡng, nhưng cuối cùng lại hành động như những con thú không hơn không kém.

Trên thực tế, Hồi giáo hiện là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo với số tín đồ hiện nay là 1,57 tỷ, chiếm 23% dân số thế giới. Họ tôn thờ Đức Allah (Allah là một từ trong tiếng Ả Rập nghĩa là Thiên Chúa) và thực hành theo những điều được dạy trong kinh Koran. Phần lớn người Hồi giáo đều ôn hòa, ngoan đạo, không thích bạo lực và luôn cố gắng kính trọng Thiên Chúa trong cuộc sống.

Tương tự như Phật giáo và Kitô giáo, họ cũng tin vào địa ngục và thiện ác hữu báo. Tuy nhiên, khái niệm về địa ngục của họ khác biệt một chút so với nhận thức của Kitô giáo, họ tin rằng những người có tội sẽ không phải ở trong địa ngục để chịu tội khổ vĩnh viễn mà chỉ là tạm thời. Sau khi nhận đủ sự trừng phạt cho những tội lỗi đã gây ra lúc còn sống thì họ sẽ được trả tự do.

Niềm tin địa ngục trong Hồi giáo: Ngày phán quyết cuối cùng

Theo Đạo Hồi, khi một người chết đi, họ sẽ đến thế giới biên kia để chờ được hồi sinh vào ngày Phán xét. Trong khi chờ đợi, những linh hồn tương lai phải xuống địa ngục (Jahannam) sẽ phải chịu đựng thống khổ. Còn những linh hồn sắp được lên thiên đàng (Jannah) sẽ được sống thanh thản bình yên.

Vào ngày Phán xét cũng là ngày cuối cùng của Trái Đất, toàn thế giới sẽ bị Đức Allah hủy diệt, và Ngài sẽ phục sinh tất cả những người đã chết bao gồm cả các jinn (những sinh vật siêu năng lực ở không gian khác) để phán xét công tội của hết thảy. Trong quá trình đó, Allah sẽ quyết định ai được lên thiên đàng (Jannah) và ai phải xuống địa ngục (Jahannam). Chỉ có Allah mới có quyền quyết định việc này.

Những cái tên của địa ngục trong Hồi giáo

Địa ngục trong quan niệm của người Hồi giáo. (Ảnh: qua defenseofreason.com)

Địa ngục trong Hồi giáo được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. Tên gọi phổ biến nhất là Jahannam. Những cái tên khác bao gồm The Fire, Blazing Fire, The Abyss, The Blaze, và Breaks to Pieces.

Sự thật về địa ngục trong Hồi giáo

Theo Hồi giáo, địa ngục rất sâu, sâu đến nỗi thả hòn đá vào đó thì phải mất đến 70 năm mới chạm đến đáy. Những hình phạt trong địa ngục là cả về thể xác lẫn tinh thần. Không phải mọi tội nhân đều chờ đợi đến ngày Allah phán xét rồi mới đưa xuống địa ngục. Những ai phạm tội nặng sẽ bị đày xuống địa ngục ngay sau khi chết. Các nhóm tội nhân khác như những người không tin vào Allah và phép tắc của Ngài,… sẽ phải đợi đến Ngày Phán xét trước khi vào địa ngục.

Trong địa ngục không phải ai cũng đều chịu hình phạt giống nhau. Mức độ tội lỗi nặng nhẹ sẽ quyết định mức hình phạt mà người đó phải gánh chịu trong địa ngục. Nghĩa là những người phạm tội nặng hơn sẽ phải chịu hình phạt nặng hơn. Nó đơn giản như vậy.

Theo Kinh Koran, địa ngục có bảy tầng với bảy cánh cổng. Mỗi cổng tương ứng với một thể loại tội phạm cụ thể. Và bảy tầng có các hình thức cực hình, tra tấn khác nhau. Tầng thấp nhất là nơi có hình phạt nghiêm khắc nhất và nặng nhất.

Địa ngục là nơi mà những người phạm tội phải chịu các hình thức tra tấn đáng sợ bằng những thứ như lửa, nước sôi,…, da thịt của họ sẽ bị thiêu đốt và tiêu hủy rồi da thịt mới lại được thay thế để tiếp tục tra tấn. Chu kỳ tra tấn này sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào các tội nhân vẫn còn trong địa ngục.

Cho dù trong quá trình tra tấn họ có cảm thấy hối hận và cầu xin đến mức nào thì vẫn không được tha. Không tội nhân nào có thể thoát khỏi địa ngục trừ khi họ trả giá xong cho những tội lỗi mà họ từng làm. Nếu ai đó cố gắng tìm cách thoát khỏi ngọn lửa của địa ngục thì sẽ bị một cái móc sắt kéo trở lại.

Theo Kinh Koran, trong địa ngục có một người canh giữ tên là Maalik. Kinh Koran mô tả Maalik là một người rất nghiêm khắc và tàn nhẫn. Ông ta sẽ không bao giờ động lòng thương tiếc trước những thống khổ tột cùng mà tội nhân phải chịu. Và bất cứ khi nào phạm nhân cầu xin để được ra khỏi địa ngục, ông sẽ phán rằng họ phải ở lại vì đã “xem thường lẽ phải”. Phía trên những ngọn lửa rực cháy trong địa ngục còn có rất nhiều rắn độc và bọ cạp. Nọc độc của chúng có thể gây ra đau đớn trong nhiều thập kỷ.

Bức tranh mô tả Đức mẹ Maria ôm một văn bản tiếng Ả Rập.

Thức ăn trong địa ngục

Theo Kinh Koran, trong địa ngục chỉ có ba loại thức ăn. Tuy nhiên, những thức ăn này vô cùng kinh khủng nên có nhiều người dù chết đói vẫn cố tránh xa vì chúng chỉ làm tăng thêm sự thống khổ. Ba loại thức ăn đó là:

Cây Zaqqum: Đây là loài cây sống ở tầng đáy của địa ngục. Quả của chúng bị nguyền rủa nên giống như loại dầu nấu sôi sẽ thiêu đốt dạ dày của những tội nhân ăn phải.

Ḍari: là một loại cây đắng, toàn thân mọc đầy gai sắc nhọn. Ăn loại cây này không chỉ không giúp họ cảm thấy đỡ đói mà còn làm cho người ta càng đau đớn thêm.

Ghislin: Theo Kinh Koran, ghislin là loại thức ăn duy nhất mà một tội nhân ở địa ngục có thể ăn được. Vậy ghislin là gì? Nó là mủ được làm từ da của những tội nhân bị tra tấn trong địa ngục.

Trong Hồi giáo, những loại người nào sẽ phải đến địa ngục?

Theo Kinh Koran, những người sau đây sẽ bị đọa vào địa ngục:

Những người không tin vào Allah
Những người từ chối lẽ phải
Những người đàn áp các tín đồ
Tất cả tội phạm
Những kẻ giết người
Những người có hành động bất chính
Những người che giấu sự mặc khải của Allah
Những người tự tử
Tất cả các bạo chúa
Những người đạo đức giả.

Không phải chỉ những nhóm người được đề cập ở trên mới bị hạ vào địa ngục. Còn những người khác nữa, ví dụ cuốn Hadith (Truyện thánh Muhammad và tín đồ của ông) của nhà tiên tri Muhammad có đề cập rằng những người kiêu căng và ngạo mạn cũng sẽ phải xuống địa ngục.

Bên cạnh đó theo các học giả Hồi giáo, nếu một người Hồi giáo phạm tội, và tội lỗi của họ không được tha thứ trước khi chết hoặc những việc tốt mà họ làm trong đời này không đủ để bù đắp tội lỗi mà họ đã gây ra, thì địa ngục sẽ là nơi họ phải đến sau khi chết.

Có thể thấy, Hồi giáo ban đầu cũng dạy các tín đồ làm người tốt, tránh xa điều xấu và bảo vệ những người thế cô khi cần thiết, tuy nhiên thuận theo tiến trình trượt dốc đạo đức của con người, giáo lý tôn giáo đã bị cải biên, thật giả lẫn lộn, những kẻ đội lốt tôn giáo với mưu đồ bất chính phục vụ cho lợi ích bản thân đã góp phần triệt tiêu niềm tin của con người vào sự lương thiện. Đối với người hành ác không phân biệt chính tà, cả gan soán cải giáo lý dạy người hướng thiện, thì lối đi duy nhất trong tương lai dành cho họ chính là lối dẫn vào địa ngục.

Hồng Liên (t/h)