Mọi người ở khắp các tầng lớp khác nhau của xã hội đang theo dõi chặt chẽ làn sóng khổng lồ khởi kiện cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân. Joel Etienne, luật sư người Canada, Thịnh Tuyết, Chủ tịch Liên đoàn Trung Quốc Dân chủ, và Hàn Nghiễm Sinh, cựu cục trưởng Cục Tư pháp Trầm Dương đã có cùng quan điểm về ý nghĩa to lớn của các vụ kiện này.
Những sự thay đổi ở Trung Quốc sẽ tác động tới toàn cầu
Ông Joel Etienne, luật sư người Canada nhận xét về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực chính trị ở Trung Quốc như sau: “…vấn đề là sử dụng sai luật. Những luật này đã có trong cơ sở hạ tầng, nhưng không được áp dụng, hay được áp dụng nhưng thiếu minh bạch. Bạn có thể chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ, mà không cần thiết phải thay đổi hay chuyển đổi kết cấu hạ tầng”.
Theo ông Etienne, nếu các nhà điều tra, các công tố viên, các thẩm phán phối hợp với nhau chặt chẽ, thì tất cả những tội phạm về nhân quyền có thể được đưa ra xét xử trước công lý. Chỉ cần một vài phán quyết thành công là đã đủ để mang lại những thay đổi sâu rộng đến toàn bộ đất nước. Với một phiên tòa bên ngoài Trung Quốc, không cần thiết phải tổ chức 25 phiên xét xử cho một kẻ giết 25 người, mà chỉ cần một bản án duy nhất để kết án một tội phạm như vậy tù chung thân là đủ.
Ông Etienne nói rằng những vụ kiện chống lại Giang Trạch Dân sẽ gây ra những tác động vô cùng to lớn tới toàn cầu, và ảnh hưởng của nó sẽ vượt ra khỏi phạm vi biên giới Trung Quốc. Việc nộp đơn khiếu kiện của người Trung Quốc có thể được coi là một hình thức biểu quyết và biểu đạt thái độ.
Ông Etienne nói: “Nếu bạn được lựa chọn giữa việc là người bỏ phiếu cho tổng thống Mỹ, hoặc là người nộp đơn khiếu kiện [hình sự ] ở Trung Quốc, thì tôi tình nguyện là người nộp đơn khiếu kiện ở Trung Quốc, bởi nếu bạn có thể giúp đỡ để mang lại những sự thay đổi ở Trung Quốc, thì thực sự bạn đã mang lại sự thay đổi cho cả thế giới này. Đôi khi tôi tự hỏi nếu như mọi người ở Trung Quốc đều có sự hiểu biết đúng đắn về những ảnh hưởng của nó tới toàn cầu thì họ có thể giúp chính phủ thúc đẩy và thay đổi nó”.
Ông Etienne hoàn toàn ủng hộ nhiều người hơn nữa khởi kiện Giang Trạch Dân vì “có sức mạnh số đông… Đây là lý do chính giải thích vì sao mà chế độ độc tài không thể tồn tại. Nếu chỉ có một người đi trên đường, thì tên độc tài sẽ khiến người này biến mất, nhưng nếu như tất cả mọi người cùng ở trên đường, thì chế độ độc tài kết thúc”.
Việc khởi kiện Giang Trạch Dân rất được khuyến khích
Thịnh Tuyết, chủ tịch Liên đoàn Trung Quốc Dân chủ mô tả làn sóng khởi kiện Giang Trạch Dân là nguồn cổ vũ và mang những ý nghĩa vô cùng to lớn.
Bà Thịnh nói rằng những đơn kiện được nộp ở nước ngoài đang tạo ra những bước tiến lớn. Tuy nhiên, việc nộp đơn kiện Giang ở trong Trung Quốc mang một ý nghĩa đặc biệt to lớn. Bà đề cập rằng bản án của các quan chức Đảng Cộng sản cấp cao như Vương Lập Quân, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang không đề cập tới tội ác chống lại nhân loại. Tất cả các học viên Pháp Luân Công đều đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vì tội ác chống lại nhân loại, khi vụ kiện được tiến hành, ảnh hưởng của nó sẽ không thể đo lường.
Một bước đột phá sắp xảy ra
Bà Thịnh nói rằng nhiều người đã nhận thức được nhiều vấn đề của xã hội Trung Quốc ngày nay. Bà tin rằng việc khởi kiện Giang Trạch Dân là một điểm khởi đầu rất tốt để đột phá. Nó không chỉ để chấm dứt bức hại Pháp Luân Công, mà còn đưa đất nước Trung Quốc tiến về phía trước.
Đề cập tới chế độ độc tài cộng sản, bà Thịnh nói: “Khi bạn cố nạy một khối đầu tiên của hệ thống độc tài chuyên chế này, nó dường như là một bức tường bằng kim loại… tuy nhiên, khi một khối bị cạy mở rồi thì phần còn lại sẽ đổ sụp như hiệu ứng Đôminô vậy”.
Sự phản kháng của dân chúng đã thực sự mang lại sự thay đổi
Giang Trạch Dân đã sử dụng toàn bộ công cụ của quốc gia và các kênh truyền thông để kích động sự thù hận của quần chúng đối với Pháp Luân Công và tiến hành cuộc bức hại. Làn sóng mạnh mẽ khởi kiện Giang hiện nay đang hình thành một tình huống phản bức hại ở Trung Quốc.
Đề cập tới vấn đề này, bà Thịnh Tuyết nói: “Thật tuyệt! Chế độ cộng sản rất độc đoán. Nhiều người sẽ nói: ‘Đảng có thể làm mọi việc, dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ, hầu hết người dân Trung Quốc đều khiếp sợ Đảng Cộng sản. Thậm chí kể cả một người không bị bức hại, anh ta vẫn khiếp sợ khi phải đối mặt với Đảng Cộng sản, bởi những gì anh ta được nghe, được chứng kiến… Bây giờ một nhóm người bước ra kiện Giang Trạch Dân. Đó là một hành động dũng cảm! Luật pháp là vũ khí lợi hại nhất”.
Theo bà Thịnh, làn sóng khởi kiện cho mọi người cảm thấy có hy vọng và lòng can đảm. Bà Thịnh cũng đề cập tới việc cả đất nước đã căm giận thế nào trước cái chết của Tôn Chí Cương trong trại giam của cảnh sát đã dẫn đến sự đóng cửa nhanh chóng của hệ thống trại “cải tạo” lao động cưỡng bức. Sự phản kháng của dân chúng thực sự đã mang lại thay đổi, bà kết luận.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công là “tội ác chống lại loài người”
Hàn Nghiễm Sinh, cựu cục trưởng Cục Tư pháp Thẩm Dương hiện đang sống tại Canada, nói rằng ông hoàn toàn ủng hộ những hành động pháp lý của các học viên Pháp Luân Công chống lại Giang, bởi cuộc bức hại Pháp Luân Công là “chà đạp về nhân quyền” và là “tội ác chống lại loài người”.
Ông Hàn nói các vụ kiện Giang là “chưa từng có” ở Trung Quốc. Ông gọi Đảng Cộng sản là một chế độ độc tài tàn bạo và mục tiêu cuối cùng là đạt được quyền lực, và nhẫn tâm ngăn cản bất cứ ai mà nó cho là một thách thức đối với luật lệ của nó. Cuộc bức hại Pháp Luân Công là chống lại Hiến pháp Trung Quốc.
Kể từ năm 1999, Giang đã lập ra “Phòng 610” trên khắp đất nước để tiến hành cuộc đàn áp.
Theo ông Hàn, có rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và tất cả các trung tâm giam giữ đều đầy ắp người. Phó ban thư ký của Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã yêu cầu ông Hàn mở thêm các trại lao động cưỡng bức để cầm tù các học viên Pháp Luân Công, nhưng ông Hàn đã từ chối và nói rằng các học viên Pháp Luân Công không vi phạm pháp luật và không thuộc vào bất cứ loại tội phạm nào mà cần phải giam giữ trong các trung tâm lao động cưỡng bức. Nhưng bất chấp những điều này, Bộ Tư pháp vẫn ra lệnh cho tất cả các trại lao động phải cầm tù các học viên Pháp Luân Công.
Đó đã là điểm khởi đầu để ông Hàn tách mình ra khỏi ĐCSTQ. “Nếu tôi từ chối tuân lệnh, tôi sẽ bị cách chức, bị khai trừ khỏi đảng, hoặc thậm chí bị bắt giữ”, ông nhớ lại.
Cuối cùng ông Hàn đã rời khỏi Trung Quốc và nộp đơn xin tị nạn tại Canada, bởi ông “Không muốn trợ giúp ĐCSTQ thực hiện tội ác chống lại loài người, hoặc bị bắt giữ”. Ông nói: “Do đó, rời khỏi Trung Quốc là lối thoát duy nhất”.
Theo minhhue.net