Ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào, khi cái ác, cái xấu quá nhiều, công khai bao trùm cái thiện và người tốt, thì cuộc sống của người dân lương thiện ngày càng có nhiều rủi ro hơn. Lúc này, liệu ai dám đứng lên nói lời công đạo?
Trong lịch sử, đã từng xuất hiện rất nhiều những chính quyền tàn bạo, bức hại người dân vô tội, gây nên những tội ác kinh hoàng đối với dân chúng. Thế nhưng, cái ác chưa bao giờ có thể chiến thắng được thiện lương, vẫn luôn có những anh hùng dám đứng lên chống lại những điều bất công, lưu lại tiếng vang muôn đời.
Irena Sendler và sự sống trong những chiếc lọ
Irena Sendler là một phụ nữ làm công tác xã hội dưới thời Đức Quốc xã. Thời bấy giờ, khi các đại học Ba Lan phân biệt đối xử với người Do Thái và bắt họ ngồi vào hàng ghế riêng, Irena đã lựa chọn ngồi chung với họ dù bà không phải là người Do Thái.
Bà đã cứu sống rất nhiều trẻ em và người lớn tuổi sau khi Phát xít tấn công vào Ba Lan. Rồi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi 400.000 người Do Thái bị cầm tù tại Warshaw…
Mặc dù Phát xít muốn người Do Thái phải chết, họ lại không muốn sốt phát ban bùng phát và lan ra ngoài. Chính vì thế, Phát xít cho phép các y tá vào chăm sóc người Do Thái. Biết được điều đó, Irena đã giả mạo thành một nữ y tá để vào được Warshaw.
Bà nhanh chóng nói chuyện với những cha mẹ người Do Thái về viễn cảnh bị giết tại các trại tập trung, và thuyết phục họ để bà đưa những đứa trẻ ra ngoài. Irena sử dụng thuốc ngủ mình đánh cắp được để khiến lũ trẻ mê man, rồi cho chúng vào những bao tải hay hộp giấy để đưa ra ngoài.
Thông qua nhiều biện pháp, Irena cùng những người khác đã giúp lũ trẻ được nhận nuôi bởi các gia đình Ba Lan, hoặc giấu chúng trong các trại trẻ mồ côi. Để lưu giữ lại thông tin về từng đứa trẻ, Irena đã đưa giấy tờ vào trong những chiếc lọ, và chôn chúng trong vườn nhà với hy vọng rằng trong tương lai, bà sẽ để lũ trẻ biết được sự thật về cha mẹ mình.
Phát xít bắt được Irena và tra tấn bà một cách dã man nhưng bà chưa bao giờ tiết lộ về mạng lưới ngầm giải cứu trẻ em Do Thái. Irena bị phán tử hình, nhưng những người Ba Lan trong mạng lưới đã hối lộ một tay lính gác để giải cứu Irena. Bà sống ẩn mình trong một khoảng thời gian sau đó.
Tổng cộng, Irena đã giúp khoảng 2.500 đứa trẻ Do Thái thoát khỏi số phận bị giết trong những trại tập trung. Sau chiến tranh, Irena tìm lại lũ trẻ và trao cho chúng những chiếc lọ. Nhưng hầu hết người thân của chúng đều đã chết…
Dưới thời Xô Viết, Irena cũng đặt mình vào ranh giới sống chết khi tiếp tục giúp đỡ những con người bị đàn áp. Tổng cộng Irena đã trải qua ba chế độ độc tài: Ba Lan thời tiền chiến; Ba Lan bị Phát xít chiếm đóng; và Ba Lan dưới thời Xô Viết. Bởi vì bà phản đối sự tàn bạo của cả chủ nghĩa Phát xít lẫn chủ nghĩa cộng sản dưới thời Xô Viết nên câu chuyện của bà bị chính quyền Ba Lan bấy giờ ém nhẹm.
Người ta chỉ biết đến bà qua những thông tin ngắn ngủi, một lần vào năm 1965 tại bảo tàng Diệt chủng Do Thái Yad Vashem, và một lần vào năm 1994, trong một bản tin ngắn trên truyền hình. Mãi cho đến năm 1999, cái tên Irena Sendler mới bắt đầu được chú ý… Năm 2009, bộ phim “The Courageous Heart of Irena Sendler” (Tạm dịch: Trái tim dũng cảm của Irena Sendler) được công chiếu, giúp Irena Sendler trở về với vị trí xứng đáng trong lịch sử nhân loại: Một người hùng của lương tri.
Câu chuyện của một kẻ cơ hội
Oskar Schindler, đó có lẽ là một cái tên quá quen thuộc đối với những người tìm hiểu về cuộc diệt chủng Do Thái. Với bộ phim “Schindler’s List” (Danh sách của Schindler), Oskar Schindler đã trở thành một nhà công nghiệp nổi tiếng vì cứu thoát khoảng 1.200 người Do Thái khỏi bàn tay diệt chủng của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, Schindler không chỉ là một người hùng, quá khứ của ông cũng tồn tại rất nhiều điểm tối.
Schindler sinh ra trong một gia đình người Đức ở Tiệp Khắc. Ông từng là một thương gia, nhưng đã rơi vào cảnh nợ nần, nghiện rượu. Năm 1936, do hoàn cảnh nợ nần, Schindler đã quyết định phản bội quê hương, trở thành một gián điệp, và gia nhập Abwehr, tổ chức tình báo của Đức Quốc xã. Schindler bị chính phủ Tiệp Khắc kết án và cầm tù trong tháng 7/1938, nhưng sau Hiệp ước München, ông được phóng thích.
Schindler ra nhập Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là Đức Quốc xã) vào năm 1939, và tiếp tục làm việc cho Abwehr, mở đường cho cuộc xâm lược Ba Lan của Đức Quốc xã.
Là một kẻ cơ hội, Schindler đã tìm cách kiếm lợi nhuận từ cuộc tấn công Ba Lan. Ông giành được quyền sở hữu một nhà máy sản xuất đồ pháp lam (đồ đồng tráng men) ngưng hoạt động ở Kraków. Với sự giúp đỡ của nhân viên kế toán người Do Thái nói tiếng Đức tên là Itzhak Stern, Schindler đã thu thập được khoảng 1.000 công nhân Do Thái lao động cưỡng bức làm việc ở đây.
Ban đầu Schindler đã chạy theo lợi nhuận vì chi phí lao động của người Do Thái rẻ mạt, nhưng rồi ông bắt đầu bao che cho các công nhân của mình mà không quan tâm tới chi phí. Ông cũng cố gắng tuyển thêm những người Do Thái khác dù họ không có tay nghề. Trong nhà máy của ông, các công nhân được đối xử tử tế, được phép cầu nguyện, đọc kinh, và thực hiện các nghi thức Do Thái.
Schindler đã bị bắt 3 lần do bị tình nghi có các hoạt động chợ đen, và đồng lõa trong tội biển thủ, cũng như phạm luật Nuremberg bằng việc hôn một cô gái Do Thái. Tuy nhiên không một vụ bắt giữ nào được đưa ra xét xử, chủ yếu là bởi vì ông đã hối lộ các quan chức chính phủ để tránh bị điều tra thêm.
Schindler tiếp tục sử dụng gia sản của mình để hối lộ và mua sắm các đồ dự trữ ở chợ đen cho các công nhân của ông. Khi chiến tranh kết thúc, ông đã tiêu tán hầu như toàn bộ gia tài của mình.
Sau chiến tranh, Schindler gặp khó khăn trong việc kinh doanh ở Đức, di cư sang Argentina năm 1948, rồi bị phá sản. Kể từ đó, công việc kinh doanh của Schindler trồi sụt, và ông liên tiếp gặp thất bại cho đến khi nhận được lương hưu từ chính phủ Tây Đức.
Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên trước hành động cứu vớt người Do Thái của Schindler, một người đã từng phản bội tổ quốc để có tiền trả nợ… Nhưng Schindler từng nói: “Tôi đã làm điều tôi có thể làm, điều tôi phải làm, điều mà lương tri tôi mách bảo. Tất cả là vậy”.
Luật sư Cao Trí Thịnh: Dũng khí và niềm tin
Cao Trí Thịnh sinh ngày 20/4/1964 trong gia cảnh bần hàn ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc – TQ). Khi còn trẻ, ông phải lao động cơ cực trong một mỏ than, và vì không có tiền chi trả học phí, nên ông thường ngồi nghe giảng bên ngoài cửa sổ trường làng. Sau đó, một người họ hàng đã giúp ông theo học trung học, đủ điều kiện để gia nhập Quân đội và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Rời quân ngũ, Cao Trí Thịnh kiếm sống qua ngày bằng nghề bán rau. Năm 1991, Cao Trí Thịnh đọc một bài báo đề cập đến kế hoạch của Đặng Tiểu Bình cần đào tạo 150.000 luật sư và phát triển hệ thống pháp luật của TQ. Ông ghi danh học một khóa học về luật và nhờ trí thông minh tuyệt vời, Cao Trí Thịnh đã vượt qua các kỳ thi một cách ngoạn mục vào năm 1995 với mong muốn “có thể góp phần cải biến xã hội TQ”.
Ông bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 1996 tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương sau đó là Bắc Kinh. Nghề nghiệp đã cho ông cơ hội đi khắp TQ và chứng kiến nhiều vụ án oan sai mà nạn nhân là những người dân nghèo khổ. Với tấm lòng rộng lượng và cảm thông sâu sắc với tầng lớp “thấp cổ bé họng”, Cao Trí Thịnh đã đặt ra một quy tắc làm việc: Đó là dành ⅓ quỹ thời gian trong năm để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn lý cho người nghèo và những người bị áp bức. Sự tận tụy của ông trong việc bảo vệ lợi ích người dân đã được Bộ Tư Pháp TQ xếp ông vào nhóm “10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc”. Khi đó, Cao Trí Thịnh mới 34 tuổi.
Năm 2004, Luật sư Cao Trí Thịnh bắt đầu hỗ trợ pháp lý cho một học viên Pháp Luân Công bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức mà không hề được xét xử tại tòa án. Chứng kiến một cộng đồng lớn những người tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn lại bị chính quyền ĐCSTQ vu khống, bức hại tàn bạo, Cao Trí Thịnh đã nỗ lực giải cứu học viên Pháp Luân Công bằng cách đưa vụ việc ra tòa án. Nhưng mọi ngả đường để đưa vụ việc ra ánh sáng công lý đều bị chặn đứng.
Cuối năm 2005, Cao Trí Thịnh quyết định giải quyết vấn đề đặc biệt “nhạy cảm” này theo một cách cũng hết sức đặc biệt: Công bố thư ngỏ gửi tới Ngô Bang Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm làm rõ sự kháng cáo của ông bằng cách vạch trần sự tra tấn dã man của giới công quyền đối với học viên Pháp Luân Công.
Rất nhanh chóng, Cao Trí Thịnh nhận được hồi đáp: 24h/7 mật vụ giám sát quanh nhà riêng, Sở Tư pháp Bắc Kinh thu hồi giấy phép hành nghề và văn phòng luật sư của ông bị buộc phải đóng cửa. Bất chấp mối đe dọa bị ám sát, hay chiêu bài quấy rối gia đình…, luật sư Cao Trí Thịnh không chùn bước, vẫn tiếp tục đi thu thập thông tin ở những địa phương nơi học viên Pháp Luân Công bị đàn áp dã man nhất.
Năm 2006, Luật sư Cao gửi một bức thư trực tuyến nữa cho lãnh đạo TQ, công khai thông tin về Phòng 610 – Cơ quan mật vụ chuyên theo dõi và trấn áp học viên Pháp Luân Công, được ví như Gestapo của Đức Quốc Xã. Tiếp theo, Cao Trí Thịnh xin rút tên khỏi danh sách đảng viên ĐCSTQ mà ông công khai chỉ trích là “tàn bạo, bất nhân”. Với những động thái quyết liệt ấy, Cao Trí Thịnh chính thức bị ĐCSTQ coi là “kẻ thù của chế độ”.
Tháng 8/2006, Cao Trí Thịnh bị nhóm an ninh bắt cóc, tra tấn và buộc ông phải ký nhận tội “kích động lật đổ chế độ”. Ông bị kết án 3 năm tù giam và 1 năm quản chế, nhưng không rõ lý do gì lại được tạm tha. Năm 2007, Cao Trí Thịnh gửi thư tới Nghị viện Hoa Kỳ, tố cáo ĐCSTQ là “Phát xít” và yêu cầu xét xử những người đàn áp các học viên Pháp Luân Công về “tội ác chống nhân loại”. Ông lập tức bị biệt giam từ tháng 9/2007.
Ngày 7/8/2014, luật sư Cao Trí Thịnh được thả ra khỏi nhà tù, nhưng bị quản thúc tại gia tại tỉnh Thiểm Tây. Trong những ngày đầu ra khỏi tù, ông hầu như không thể nói được, khoảng một nửa số răng đã mất, nửa còn lại trong tình trạng lung lay sau các đòn tra tấn tàn bạo. Dù vậy, ông không được phép tiếp cận các dịch vụ y tế.
Luật sư Cao Trí Thịnh đã phải trải qua 8 năm trong và ngoài nhà tù, nơi ông bị tra tấn theo cách thức giống hệt như các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng, bao gồm các hình thức đánh đập man rợ, sốc điện, châm tăm vào bộ phận sinh dục và không cho ngủ. Luật sư Cao kể rằng, cai ngục đã phát loa các đoạn băng tuyên truyền trong buồng giam của ông suốt 68 tuần liên tục.
Tháng 11/2017, RFA công bố một đoạn ghi âm ngắn, trong đó Cao Trí Thịnh cho biết ông hiện đang bị nhốt trong một căn phòng mà cửa sổ bị sơn đen, bị giới hạn trong thứ “bóng tối vô tận”. Ông cũng mô tả tình trạng của bản thân còn tồi tệ hơn trong thời gian 3 năm tù giam tại nhà tù Shaya ở phía Tây Bắc tỉnh Tân Cương.
Ngày 13/8/2017, ông lại bị mất tích tại nơi ở và bặt vô âm tín cho tới nay. Cao Trí Thịnh đã trở thành biểu tượng cho CÔNG LÝ tại các tòa án TQ khi ông kiên quyết bảo vệ các học viên Pháp Luân Công và Kitô hữu. Ông được đề cử hai lần Giải Nobel Hòa Bình vào năm 2008 và 2010.
*****
Nhiều người thắc mắc, tại sao cái ác lại lộng hành khắp nơi khắp chốn một cách ngang nhiên? Chính bởi chúng ta đã khiếp sợ trước kẻ xấu và cái ác, do chúng ta đứng nhìn, không lên án điều xấu, kẻ ác. Khi ta chạy trốn, làm ngơ và tìm cách biện hộ cho việc làm ngơ trước cái ác của mình thì ta đã tiếp tay cho cái ác và một ngày nào đó cái ác sẽ nuốt trọn luôn cả chúng ta.
Vì kẻ ác không bị trừng trị, không bị lên án, nên thay vì lo sợ chúng lại quay ra thách thức xã hội, hành hung những người lẻ loi dám phê phán chúng. Kẻ ác đã gieo mầm ác của mình vào xã hội, len lỏi vào gia đình, môi trường, giáo dục, báo chí, giao thông, thực phẩm… khiến mọi người luôn có cảm giác bất an, bởi chẳng có ai có thể bảo vệ mình khỏi những con người hành xử bằng “luật rừng”.
Thế nhưng, dù là một y tá mang trong tâm trách nhiệm cứu người, một kẻ cơ hội từng phản bội quê hương chỉ vì nợ nần chồng chất, hay một luật sư sống trong chế độ đầy cám dỗ, dối trá lọc lừa, thì cuối cùng, lương tri bên trong những con người đó vẫn sống và vẫn tỏa sáng. Đó mới chính là điều kỳ diệu nhất của nhân loại…
Tuệ Tâm (t/h)