Không chỉ nổi tiếng với “sông nước hữu tình”, miền Tây Nam Bộ còn thu hút khách thập phương bởi hàng loạt ngôi chùa được xây dựng bằng những kiến trúc tinh tế, độc đáo, đẹp mắt và là địa chỉ cưu mang những người bất hạnh.
Những ngày hè oi bức, du khách từ khắp nơi đổ về miền Tây sông nước ngày một đông. Sau khi du ngoạn trên sông nước hoặc ghé qua vườn trái cây trĩu quả, du khách khó lòng bỏ qua những ngôi chùa trang nghiêm, cổ kính nhưng không kém phần độc đáo ở vùng đất này. 1. Đến TP Cần Thơ, du khách có thể đến Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam. Ngôi chùa này tọa lạc trên khu đất gần 4 ha tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khánh thành vào giữa tháng 5-2014. Theo đó, khu chánh điện được lợp ngói 8 mái theo phong cách nhà Trần. Tổ điện lợp ngói 4 mái theo phong cách nhà Lý. Lầu trống và Gác chuông (đại hồng chung nặng 1,5 tấn) được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Đáng chú ý, phần gỗ (khoảng 1.000 mét khối) trong những hạng mục này đều là gỗ lim được nhập từ Nam Phi … Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, Tết, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam trở nên quá tải bởi du khách từ khắp nơi đến tham quan, cúng bái. 2. Cách TP Cần Thơ khoảng 60 km, chùa Kh'leang nằm ngay trung tâm TP Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ngôi chùa này đã có hàng trăm năm tuổi. Trong khuôn viên của chùa có rất nhiều cây cổ thụ nên khá thoáng mát. Bên trong chánh điện có 16 cột gỗ to được thiếp vàng. Trên trần và tường được khắc họa nhiều hoa văn, hình ảnh thể hiện sự hòa hợp giữa phật pháp và hội họa. Đặc biệt, mái chùa được trang trí bằng các phù điêu hình chim, thú rất uy nghi, dũng mãnh cùng những hình ảnh tượng trưng cho triết lý của Phật giáo. 3. Cách chùa Kh'leang khoảng 1 km là chùa Đất Sét (hay còn gọi là Bửu Sơn Tự) cũng là địa chỉ không thể bỏ qua đối với du khách mỗi khi đến Sóc Trăng. Bên trong khuôn viên chùa Đất Sét, trên 200 pho tượng Phật được đặt ở các cửa ra vào và khoảng 150 con rồng bằng đất sét uốn khúc để đỡ từng mái tháp của chùa. Ngôi chùa này hiện đã trên 100 năm. 4. Tại Sóc Trăng, chùa Dơi (hay còn gọi là chùa Mahatúp) cũng là một địa chỉ quen thuộc của . Trước đây, ngôi chùa này là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi quạ. Tuy nhiên, trước tình trạng săn bắt vô tội vạ của người dân ở bên ngoài nên dơi quạ tại đây ngày càng thưa dần. Du khách vãn cảnh chùa Dơi Những con dơi quạ treo lủng lẳng trên cây trong khuôn viên chùa Được xây dựng từ thế kỷ 16, chùa Dơi là nơi lưu giữ nhiều báu vật quý giá, như: cao 1,5 m, nhiều bộ kinh luật được viết trên lá cây, chiếc đèn dầu cổ… Năm 2007, tại đây xảy ra vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi nhiều pho tượng cổ và nhiều tài liệu quý giá. Mỗi ngày, hàng ngàn khách du lịch và hành hương tìm đến đây để tham quan, ngắm dơi và chiêm bái. Nơi đây cũng đón nhận nuôi những chú heo 5 móng bị người dân vứt bỏ vì sợ xui rủi. Khi chết, những chú heo được chôn ở một góc đất bên hông chùa. 5. Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) không chỉ nổi tiếng là “Vương quốc hành tím” mà còn được nhiều người biết đến bởi Tịnh xá Ngọc Châu Như. Ngôi chùa 45 năm tuổi này tọa lạc tại khóm Cà Lăng A, thị xã Vĩnh Châu. Nơi đây còn là địa chỉ thân thuộc của những người nghèo, người mù, người già cô đơn không nơi nương tựa. Tại đây, hàng trăm người mù nghèo được đào tạo nghề làm nhang để họ mưu sinh. Tịnh xá Ngọc Châu Như đã đào tạo nghề làm nhang cho hàng trăm người mù nghèo 6. Chùa Phật Lớn được xây dựng vào năm 1912 trên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Năm 2008, ngôi chùa này được tôn tạo và mở rộng diện tích lên tới trên 13,5 ha, gồm các hạng mục: Khu chánh điện, khu nhà nghỉ, nhà chuông… Đặc biệt, vào năm 2013, tượng Phật Di Lặc cao gần 34 m nằm trong quần thể chùa Phật Lớn được tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là tượng Phật lớn nhất châu lục. Mỗi ngày, chùa Phật Lớn thu hút một lượng lớn khách hành hương. Ngoài những ngôi chùa nêu trên, ở miền Tây còn có nhiều ngôi chùa không kém phần độc đáo, như: Chùa Vĩnh Tràng ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang); chùa Âng (hay còn gọi là chùa Ang Korajaborey) ở huyện Châu Thành (Trà Vinh); chùa Sà Lôn (hay còn gọi là chùa Chén Kiểu) ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng); chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu); Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (còn gọi là chùa Bà) ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; Nam Phương Linh Từ (rộng 5 ha, mới được khánh thành cuối tháng 4-2015) ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp… Bài-ảnh: Công Tuấn |
Theo NLĐ