Những cảnh bạo lực đẫm máu, những màn cực hình tàn độc được sử dụng trong cuộc cải cách ruộng đất ấy, với những người tận mắt chứng kiến, giờ đây mỗi khi nhắc lại họ vẫn không khỏi rùng mình khiếp sợ.
Trong thời kỳ nội chiến lần 2 tại Trung Quốc những năm 1946 – 1950, để kêu gọi nhiều nông dân hơn nữa gia nhập vào tổ chức của mình, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động “Cải cách ruộng đất” trong vùng căn cứ địa của mình. Trong cuộc vận động này, ĐCSTQ đã áp dụng những cực hình vô cùng bạo lực và tàn khốc để trấn áp những người được cho là địa chủ, phú nông. Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại tình cảnh thời bấy giờ, những người đã từng tận mắt chứng kiến vẫn không khỏi kinh sợ…
Lỗ Thuận Dân từng là phó tổng biên tập tạp chí “Tri thức sơn tây” (website: www.zhazhi.com), trong một lần về quê ăn tết, ông đã tình cờ phỏng vấn một ông cụ 74 tuổi tên là Trương Lão Hán. Sau đó, ông đã dựa vào nội dung phỏng vấn để viết bài “Tôi nói cho bạn biết về cải cách ruộng đất”, và được đăng lên “Tạp chí văn học sơn tây” vào năm 2004.
Bài viết này sử dụng phương pháp tự thuật, người được phỏng vấn Trương Lão Hán là người huyện Hà Khúc tỉnh Sơn Tây, trong cải cách ruộng đất năm 1947 ông mới có 17 tuổi. Vì chú ba của ông tham gia vào đoàn bần nông, nên bảo ông đi cùng để cổ vũ cho phong trào, vì thế ông đã được tận mắt chứng kiến những cảnh tượng vô cùng tàn khốc trong cuộc vận động này.
Trương Lão Hán nhớ lại, khi cải cách ruộng đất chuẩn bị bắt đầu, thì việc trước tiên cần làm là thành lập ủy ban nông hội lâm thời, và tiến hành phân chia các thành phần giai cấp ở địa phương, bao gồm “địa chủ bình thường, địa chủ biến hình, phú nông bình thường, phú nông sản xuất, trung nông giàu có, trung nông, hạ trung nông, bần nông, cố nông, ác bá …”.
Sau khi xác định các thành phần xong, thì liền bắt đầu đấu tố. Mục đích của đấu tố là “vớt của nổi, đào của chìm”, tức là tịch thu hết gia sản bao gồm lương thực, đồ dùng trong nhà, quần áo và nhà ở, phải móc ra hết được tài sản của địa chủ và phú nông. Do đó, lúc bấy giờ trong huyện ngày nào cũng nghe thấy có người bị bắt, bị đấu tố, và những tiếng kêu khóc thống thiết vô cùng thảm thương. Khi đấu tố, cực hình được áp dụng để trấn áp người bị đấu tố gồm những kiểu chủ yếu như sau:
Cực hình thứ nhất gọi là “Mài đất”. Trước khi bắt đầu, rải xỉ than (có góc có cạnh sắc bén) lên mặt đất tại chỗ họp, nếu không có xỉ than thì dùng hột rau cải xôi (hạt này sáu cạnh tám góc sắc bén). Lúc thực hiện thì đầu tiên đẩy người bị đấu tố ngã xuống, sau đó có hai người cầm chân người bị đấu tố kéo đi kéo lại trên mặt đất (chỗ rải xỉ than), sau đó tiếp tục cởi áo của người bị đấu tố ra, rồi lần lượt cho bụng và lưng của người đó sấp xuống đất để kéo.
Trương Lão Hán nói về một trường hợp cực kỳ thảm thiết: Đoàn bần nông phát hiện ở phía đông của huyện có một chủ quầy bán thuốc họ Châu rất giàu có, nên đã tiến hành đấu tố ông ta. Lúc đầu ông Châu “không chịu giao nộp tài sản”, nên đã bị lột áo ra tiến hành “mài đất”. Hai thành viên của đoàn bần nông dùng tay nhấc chân của ông ta lên, rồi kéo đi kéo lại trên đất, còn có người đứng ở ngoài ném hai hòn đá vào đầu ông, nghe được rất rõ âm thanh khi đá đập vào đầu thịch thịch. Sau đó người chủ quầy thuốc này đành phải nói ra chỗ giấu tiền của mình. Đoàn bần nông vào chỗ đó lấy ra khoảng cỡ 200 – 300 đồng, nhưng họ cho rằng không đủ, nên tiếp tục lôi ông Châu ra thực hiện “mài đất”. Lúc này một người phụ nữ tên là Trương Mao Nữ ngồi trên bụng của ông Châu, rồi chỉ đạo: “Kéo, để xem ông ta có nói ra không!”.
Sau đó mấy người đến kéo ông Châu ra cửa, rồi lại kéo quanh tường một vòng, một hồi sau mới phát hiện ra ông Châu đã tắt thở, xương sườn đằng sau ở chỗ sống lưng toàn bộ lòi ra từng cái từng cái giống như là cùm xích bị đập dẹp, rất ghê rợn.
Cực hình thứ 2 gọi là “Ngồi tủ gai”. Phương pháp này là trước tiên lấy một cái tủ không, rút tấm ngăn ở giữa ra, đặt nó nằm ngang để nó giống như cái quan tài hình chữ nhật. Sau đó rải gai của cây táo chua đều lên đáy tủ, rồi lột bỏ trần truồng người bị đấu tố ra ném vào trong tủ. Ngoài ra đặt một cây đòn tay dưới đáy tủ, rồi cho hai đầu lên xuống bập bênh, người ở bên trong liên tục bị lắc từ bên này sang bên kia, đến khi nói ra chỗ giấu tiền mới thôi.
Cực hình thứ 3 gọi là “thả rơi từ trên bệ tứ phương xuống đất”, người dân địa phương còn gọi cái thành bệ này là hỏa phong đài. Đoàn bần nông bắt những người được gọi là “ngoan cố không thay đổi” lên một cái bệ cao khoảng từ 5 – 7 m (bệ tứ phương), rồi đẩy người nhận cực hình xuống dưới, khiến họ ngã chết, ban đầu nếu người đó không chết thì làm thêm một lần nữa, sau này vì không muốn lãng phí sức lực nữa nên thả một cục đá từ trên xuống nhằm đúng đầu của người nhận cực hình, đến khi họ chết mới thôi.
Trương Lão Hán nhớ lại, hồi đó có một thầy giáo họ Hàn, bị xếp vào loại địa chủ biến hình. Những người trong đoàn bần nông thấy vợ của ông Hàn ngày nào cũng lấy rổ đi nhặt than, cho rằng bà giả nghèo khổ, liền trói bà lại. Vợ ông Hàn là người tính tình nóng nảy, nhất định không chịu, do vậy bà đã bị tra tấn, bị lấy kìm gắp than nung nóng dí vào người, rồi bị áp dụng những cực hình “mài đất”, “ngồi tủ gai”. Cuối cùng bà bị mang lên “bệ tứ phương” và đẩy xuống dưới.
Trương Lão Hán nhớ rất rõ ràng rằng, lúc “băng tuyết ngập trời”, xác người bị đấu tố chết bị ném ở bãi đất hoang, và cấm không ai được mang về chôn cất, đứng từ xa có thể nhìn thấy một bầy chó hoang, vây quanh cấu xé thi thể trơ trụi không một manh áo.
Trương Lão Hán nói: “Tình trạng hỗn loạn như vậy diễn ra khoảng 3 tháng, tổng cộng giết chết bao nhiêu địa chủ thì tôi không biết rõ. Chỉ biết rằng tận mắt tôi chứng kiến thì khoảng hơn 10 người”.
Lê Hiếu, dịch từ NTDTV
>>> Jerusalem được công nhận là thủ đô của Israel – Phúc báo cho một dân tộc dám đứng lên vì chính nghĩa