Trong những cuộc đàn áp người dân vô tội, cảnh sát Trung Quốc đã nghĩ ra vô số lý do cùng những lời ngụy biện để khiến hành vi ngược đãi của mình trở nên “hợp lý”. Dưới đây là một số lời ngụy biện ngược đời nhất họ thường sử dụng.
“Đây không phải bắt giữ, mà là mời”
Sáng 20/7/2000, một số học viên Pháp Luân Công đã bị bắt đến một khách sạn, nơi một trung tâm tẩy não được thành lập. Việc bắt giữ này được thực hiện bởi công an Bắc Phổ, thành phố Thạch Gia Trang.
Một học viên đã phản đối việc bắt giữ nhưng công an tìm cách đưa ông đến trung tâm tẩy não lấy cớ là ông được gọi đến để phỏng vấn tại đồn công an.
Trong thời gian giam giữ, các học viên đã bị đối xử như tội phạm. Họ không được phép tắt đèn hoặc đóng cửa khi ngủ và mỗi người luôn bị theo dõi chặt chẽ bởi camera giám sát, ngay cả khi họ đi vệ sinh. Và họ gọi đây là 1 “lời mời, không phải bắt giữ”.
“Đây không phải là lừa dối, đây là một chiến lược”
Ngày 29/12/2009, Kháng Vĩnh Lợi, Bí thư Ủy ban làng Quốc Bảo tại tỉnh Hà Bắc, đã nhận được cuộc gọi từ một sĩ quan cảnh sát, yêu cầu ông thông báo cho 1 học viên Pháp Luân Công ông Tả Trạch Văn, đến đồn công an Quốc Bảo để lãnh chiếc xe 3 bánh bị tịch thu trước đó. Khi ông Tả đang trên đường đến đồn công an thì 1 cảnh sát tên Trương Phương đến và nói rằng sẽ cho ông đi nhờ xe đến đó. Tuy nhiên sau đó, Trương Phương đã lái xe chở vợ chồng ông đến thẳng đến trại lao động Cao Hương, tại đây ông bị kết án và bị cưỡng bức lao động.
Vợ ông Tả không thấy chồng về, đã đến đồn công an tìm Kháng Vĩnh Lợi. Qua thăm dò Kháng biết rằng ông Tả đang ở một trại lao động. Ngày hôm sau Kháng đã cùng vợ ông tả đến trại để yêu cầu thả người. Kháng tức giận nói với Ngụy Kim Khôi, người phụ trách ở đây: “Tại sao các anh lại lừa tôi và buộc tôi lừa người khác? Thật là 1 chuyện đáng xấu hổ!? Từ nay làm sao người dân có thể đặt niềm tin vào tôi nữa?”
Ngụy nói: “Đây không phải là lừa dối, đây là một chiến lược. Anh không làm gì sai. Anh chỉ đóng vai trò là người đưa tin. Đây là nhiệm vụ mà Đảng giao phó cho anh”. Sau đó Ngụy chỉ vào mặt bà Tả và nói: “Bà từ nay không được đến làm phiền Kháng Vĩnh Lợi nữa”.
“Không thể gọi là lục soát, chúng tôi chỉ đến xem xét”
Lưu Huy là một giáo viên tại 1 trường tiểu học ở khu Kim Cầm quận Kim Ngưu, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Tháng 11/2000, một sĩ quan cảnh sát đến nơi làm việc và đưa cô Lưu về đồn cảnh sát địa phương với cớ là có chuyện cần hỏi. Sau cuộc thẩm vấn, ông Phùng, Giám đốc Cục cảnh sát thành phố Thành Đô đã cáo buộc cô tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” và giam giữ bà ở đồn cảnh sát trong ba ngày với hai tay bị còng.
Sau đó họ cử hơn 10 người đến nhà cô lục soát và nói rằng “Không thể gọi là lục soát, chúng tôi chỉ đến để xem xét”.
“Đây không phải là đánh đập, mà là dạy những quy tắc”
Sau đây là câu chuyện của 1 học viên Pháp Luân Công về khoảng thời gian cô bị giam giữ tại trung tâm cải tạo Kiều Trang, Thông Châu:
Buổi sáng, họ thông báo các “quy tắc trong tù” như sau : 1. Tư thế bay: Hạ thấp đầu đến chân, lưng tựa vào tường, 2 tay giơ lên; 2. Tư thế quỳ: Hai chân nửa quỳ, với hai tay giữ thăng bằng song song trước mặt; 3. Đánh đập: Nạn nhân sẽ bị đánh vào mông ít nhất mỗi lần 10 cái bằng dép nhựa.
Trong tù, tôi không được phép nói chuyện hoặc cười. Mỗi ngày tôi bị buộc phải đọc thuộc lòng các quy tắc và kỷ luật trong tù với hơn 100 dòng. Nếu đọc sai tôi sẽ chịu hình phạt là những trận đánh đập tàn nhẫn. Sau khi đánh xong, họ nói với tôi: “Chúng tôi có rất nhiều quy định khiến bà đau đớn. Nhưng bà không thể nói với người khác rằng ở đây tra tấn bà. Ở đây không có tra tấn, chỉ có giáo dục người ta biết các quy tắc trong tù mà thôi”.
“Đây không phải là tra tấn thể xác, mà làm tâm trí các người mệt mỏi thôi”
Ở Đội số 3 của Trại lao động Tân An, Bắc Kinh, các học viên bị tra tấn bằng cách bắt chạy trong một thời gian rất lâu, cấm ngủ và bắt đứng hay ngồi xổm rất lâu. Lính canh Tiêu Học Tiên tuyên bố: “Đây không phải là tra tấn thể xác, mà làm tâm trí các người mệt mỏi thôi. Bằng cách làm các người kiệt sức, đầu óc các người sẽ hoàn toàn tỉnh táo và không suy nghĩ vớ vẫn nữa”.
“Chúng tôi không đánh ông, mà giáo dục”
Tại nhà tù Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, ông Lâm Thành Lai, cựu giảng viên Trường Đại học Tập Mỹ ở thành phố Hạ Môn, đã phản đối việc ngược đãi ông khi ông bị một nhóm lính canh đè xuống đất và đánh đập. Giám đốc chính trị của nhà tù, Hồng Kiến Quân tuyên bố: “Chúng tôi không đánh ông, mà giáo dục ông thôi. Hiểu chưa?”
“Ở Trung Quốc, đây không phải là trộm cướp”
Tháng 2/2002, một học viên Pháp Luân Công người Mỹ, bà Lý Xuân Tuyền, đang đi trong một đường hầm ở Quảng trường Thiên An Môn, thì bị các công an mặc thường phục đè xuống đất và đánh đập. Mặt bà bị thương vì kính bị vỡ. Công an đã giẫm lên cổ bà, làm bà gần ngạt thở. Sau đó bà bị mấy tên công an kéo lên và đá bà. Công an còn dùng khăn quàng cổ của bà để bịt miệng làm bà ngạt thở. Sau đó, họ nhét chiếc khăn quàng cổ vào miệng bà.
Công an đã tịch thu những tài sản cá nhân của bà và bắt cóc hai học viên Pháp Luân Công người Mỹ khác. Bà Lý hỏi công an liệu họ có biết rằng họ đang phạm tội trộm cướp vì lấy tài sản cá nhân của bà không, và công an đã trả lời: “Ở Trung Quốc, đây không phải là trộm cướp”.
Ở Trung Quốc, tất cả những hành động phi pháp đều được phép khi liên quan đến Pháp Luân Công. Cuộc bức hại do cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – Giang Trạch Dân phát động đã diễn ra hoàn toàn không dựa trên pháp luật hiện hành. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng tốt và xấu đều bị đảo ngược trong cuộc đàn áp này. Những lời nói và hành vi của cảnh sát đều thể hiện các thủ đoạn nhằm bào chữa cho những vi phạm pháp luật trong việc thực thi pháp luật của họ.
Ngày nay, ngày càng nhiều người nhận thức được sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Những gì mà bài viết này đề cập đến chỉ là những điều thông thường nhất đang được những cảnh sát của ĐCSTQ sử dụng. Những hành động tàn ác này đang không ngừng bị vạch trần trước thế giới.
Theo Minh Huệ