EVN vừa công bố các kịch bản thay đổi cơ cấu giá điện, cụ thể các mức đề xuất của EVN về 3 cách tính giá điện mới trong đó có việc bán đồng giá theo mức bình quân hiện nay.
Dự kiến, trong Tháng 10/2015, EVN sẽ tổ chức hội thảo để nghe ý kiến các chuyên gia, người dân về các phương án.
EVN chỉ nêu các phương án, chưa đề nghị nên dùng phương án nào.
Đặc biệt, lần này EVN cho rằng có những khách hàng ký hợp đồng mua điện nhưng không sử dụng gây lãng phí đầu tư và công sức quản lý của ngành. Vì vậy, cần áp một mức phí nhất định ngay cả không dùng điện.
Có nhiều ý kiến cho rằng phương án tính giá điện theo nhiều bậc thang gây phức tạp. Còn phương án giá điện một giá dễ dàng áp dụng, minh bạch rõ ràng, tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng e ngại, dù có nhiều ưu điểm như trên nhưng áp lực tiết kiệm điện ở phương pháp đồng giá không cao bằng phương pháp bậc thang lũy tiến. Tầng lớp người nghèo, dùng ít điện sẽ bị ảnh hưởng nên phải tính toán kỹ. Hiện nay, tỷ trọng số các hộ dùng điện dưới 250kWh là 76,2%.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng nếu tính giá điện đồng giá là quay trở lại cơ chế trước đây, rất bình đẳng trong việc sử dụng điện. Sử dụng ít hay nhiều đều phải trả như nhau.
Tuy nhiên, “Giá bậc thang có ý nghĩa là điều tiết tích cực, người giàu trợ giúp người nghèo, khó khăn, vùng nông thôn, vùng xa. Người nghèo dùng ít điện nên họ trả tiền ít hơn. Những hộ dùng quá nhiều điện thì cần hạn chế bằng việc trả tiền cao hơn nhiều để tiết kiệm điện”, ông Long nói.
Ông Long cũng đề nghị, nếu giữ biểu giá 6 bậc như hiện nay là hơi nhiều quá, có thể giảm bớt đi 1 bậc thôi còn 5 bậc chứ không nên giảm hẳn còn 3-4 bậc.
Tổng hợp