Tinh Hoa

Những hành động làm xấu mặt người Việt ở nước ngoài

Việc một số du khách Việt Nam hành xử thiếu văn hóa, thậm chí phạm pháp khiến người dân các nước khác có cái nhìn thiếu thiện cảm với người Việt.

Hiện nay, lượng khách Việt Nam tới thăm các địa điểm quốc tế đã tăng nhiều. Tuy nhiên, một số người có những hành vi, cách cư xử không đẹp, không chỉ gây ảnh hưởng tới chuyến đi của đoàn mà còn khiến người dân các nước khác mất thiện cảm với người Việt Nam.

Trộm cắp

Chuyện lấy các đồ dùng tại khách sạn như khăn tắm, mắc áo, cốc chén… bị nhiều du khách coi là bình thường, vì nghĩ đã trả tiền phòng thì có quyền làm vậy. Điều này khiến nhiều khách sạn quốc tế ngán ngẩm và có suy nghĩ không hay về người Việt, dù giá trị của những món đồ bị mất không lớn.

Biển cảnh báo trộm cắp bằng tiếng Việt ở siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Vietnamnet.

Mới đây, hai du khách người Việt đã bị bắt tại Thụy Sĩ do lấy trộm 3 chiếc kính hàng hiệu trị giá mỗi chiếc 300 euro. Họ đã phải nộp phạt tổng cộng 2.000 euro (tương đương 47 triệu đồng). Sự việc này đã khiến các thành viên còn lại trong đoàn thấy mất mặt. Đây không phải lần đầu sự việc này diễn ra. Một số siêu thị ở Nhật Bản, Đài Loan còn trưng biển có tiếng Việt cảnh cáo về việc ăn trộm. Phần lớn các cửa hàng, siêu thị ở nước ngoài đều có camera và nhân viên giám sát chặt chẽ. Hành động trộm cắp không chỉ khiến bản thân du khách gặp rắc rối pháp lý, phải đóng khoản tiền phạt lớn, mà còn khiến hình ảnh người Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế.

Muộn giờ

Thói quen đi muộn của nhiều người Việt dường như đã thành bệnh mãn tính, gây không ít bực tức, khó chịu cho hướng dẫn viên (HDV) và thành viên cùng đoàn. Bạn Phương Bảo (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết trong một chuyến đi Philippines, bạn đăng ký đi tour lặn biển của công ty địa phương trên đảo. Hướng dẫn viên sẽ đón khách theo thời gian hẹn trước. Bạn cùng các du khách đến từ Nhật và Australia đã phải ngồi chờ 2 du khách người Việt Nam khác tới nửa tiếng đồng hồ vì họ mải đi ăn sáng và quên cầm điện thoại.

Các HDV dẫn tour nước ngoài cho biết du khách các nước khác, đặc biệt là phương Tây, rất coi trọng giờ giấc, thường đến trước cả thời gian hẹn. Nhiều khách Việt không ý thức được rằng việc họ đến muộn sẽ làm ảnh hưởng tới kế hoạch của cả đoàn vì cho rằng chỉ 10-15 phút cũng không sao cả, mặc cho HDV đã nhắc đi nhắc lại là phải khởi hành theo lịch trình.

Nhóm chị Đỗ Minh cũng gặp tình huống dở khóc dở cười khi một thành viên trong đoàn mải mê mua sắm ở chợ Chatuchak, Thái Lan, đến mức quên cả giờ về. Dù đã thống nhất hẹn tại cổng chợ để lên đường ra sân bay lúc 11h, một thành viên vẫn bặt vô âm tín, điện thoại không liên lạc được khiến mọi người vừa bực, vừa lo. Cuối cùng, cả đoàn phải cắt một người biết tiếng Anh ở lại đợi. Tất nhiên, cả hai ra sân bay muộn và phải mua vé khác, và lý do chỉ đơn giản là thành viên đó “không để ý thời gian”.

Biển cảnh báo các du khách Việt bỏ thừa đồ ăn ở Lào. Ảnh: Thethaovanhoa.

Bỏ thừa đồ ăn

Hình thức ăn buffet được nhiều nhà hàng lựa chọn để du khách có thể thoải mái thưởng thức các đặc sản địa phương theo khẩu vị. Tuy nhiên, một số du khách người Việt lấy quá nhiều đồ ăn và bỏ thừa.

Tình trạng này diễn ra thường xuyên đến mức nhiều nhà hàng ở Thái Lan, Lào phải để biển thông báo bằng tiếng Việt, khuyên du khách lấy vừa đủ ăn và những người bỏ thừa sẽ bị phạt.

Ý thức kém và cư xử thiếu lịch sự

Việc tiện tay vứt rác ở bất cứ đâu của một số khách Việt khiến nhiều người nước ngoài bất ngờ. Khi được nhắc nhở, nhiều người còn tỏ ra khó chịu và bực bội.

Ngoài ra, du khách Việt Nam còn hay gây ồn ào nơi công cộng, lục tung hàng hóa khi mua sắm, thử đồ xong không để lại chỗ cũ… Những cử chỉ này tuy nhỏ nhưng đã để lại ấn tượng xấu.

Mỗi người đi du lịch nên nhớ mình không chỉ đang khám phá thế giới, mà còn tạo cơ hội cho người dân quốc tế tiếp xúc và hiểu hơn về con người và đất nước Việt Nam. Do đó, hãy cư xử sao cho các khách sạn không phải lắc đầu ngán ngẩm mỗi khi tiễn đoàn, hay các biển cảnh báo bằng tiếng Việt không còn tồn tại.

Hoàng Linh (Tổng hợp)

Theo Zing