Cuộc biểu tình ở Hồng Kông giằng co đã hơn 4 tháng, cảnh sát lạm bắt khiến người dân bất bình, rất nhiều cô gái cậu trai đứng ở tuyến đầu đối mặt với bom cay, có người bị bắt bị đánh bởi những cảnh sát vũ trang có nghiệp vụ.
Apple Daily đã có cuộc phỏng vấn với 5 cô gái Hồng Kông tham gia biểu tình và nghe câu chuyện “Mùa hè này chỉ qua một đêm đã trưởng thành, những cô gái tự chủ lựa chọn vận mệnh cho chính mình”.
Cô gái 16 tuổi bụng đói và bị người nhà khóa cửa lưu lạc ngoài đường vào đêm thâu
Tiểu Hắc (tên giả) năm nay 16 tuổi, mới vừa vào lớp trung ngũ, cũng như bao bạn học sinh khác vào tháng 6, em tham gia phong trào “Hòa lý phi” (phong trào hòa bình, lý tính và phi bạo lực) cho đến sự kiện tập kích đường Nguyên Lãng vào ngày 21/7, cảnh sát lạm bắt bất kể người nào, Tiểu Hắc không chịu nổi đã xông lên tuyến đầu trở thành một cô gái trẻ đội “vũ dũng” trong mắt người khác. Kể từ đó dường như trong bất kỳ cuộc đụng độ nào em cũng có mặt.
Mùa hè này, em làm được nhiều điều lắm, không phải la cà cùng bạn bè mà là xuống đường “ăn” bom cay, từ giữa tháng 7 tới giờ em chưa về nhà nếm qua bữa cơm gia đình, bởi cha mất sớm, mẹ lại “xanh đậm” (ý chỉ việc ủng hộ chính quyền).
Từ khi mẹ biết em tham gia phong trào biểu tình, bà không cho em tiền tiêu vặt nữa, tiền cơm đều là tiền quyên góp từ các gia đình trên phố, đôi khi dùng phiếu ăn uống để mua đồ ăn. Mỗi đêm chỉ về nhà sau 1h, khi đó cả nhà đã ngủ say.
Sau tháng 9 khai giảng, phải đi học mỗi ngày, nên cũng mấy tháng rồi chưa về nhà ăn cơm, vì tiết kiệm tiền nên cũng chỉ ăn một bữa. Em vốn thân hình nhỏ bé, mấy tháng nay thì ngày càng gầy thấy rõ. Em cũng bị cảm thời gian ngắn chưa khỏi, có lẽ do ăn không đủ dinh dưỡng, cũng có lẽ do hít nhiều bom cay nên cổ họng viêm, nhưng em không dám gặp bác sĩ.
Cô gái lớn lên ở Trung Quốc Đại lục theo đuổi công lý tại Hồng Kông
YY (tên giả) là học sinh 15 tuổi, người nhỏ nhắn như học sinh cấp 1, thân thể cũng gầy yếu. Em sinh ra tại Hồng Kông, sau đó lại theo gia đình vào Trung Quốc Đại lục sinh sống cho đến khi trở lại Hồng Kông để đi học. Em coi Hồng Kông là nhà của mình và coi những người đang đứng nơi chiến tuyến này là anh chị em như chân với tay.
Em nhớ lại khi còn nhỏ, em hát quốc ca Trung Quốc, bị tẩy não và thấm nhuần các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): “Hồng Kông có tự do ngôn luận, lên mạng không phải vượt tường lửa, ở Hồng Kông có thể thấy sự giám sát và phong tỏa tại Trung Quốc Đại lục, hai năm rồi em đã đi thắp nến tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn”.
Cả mùa hè vừa rồi, em có thể tự do ra ngoài cùng mọi người biểu tình, bởi vì cha mẹ đều trở về Trung Quốc Đại lục nghỉ hè.
Hè này đáng lẽ ra em sẽ quay về Trung Quốc Đại lục thăm người thân, đi Disney, xem hòa nhạc, nhưng mọi thứ tan như bọt xà phòng rồi, bởi mỗi cuộc đụng độ, em đều chạy đến hiện trường, đem hết tiền tiêu vặt để mua bông vải, kính bảo hộ, bao tay.
Khi diễu hành, em chỉ đeo mặt nạ phòng độc, không đội mũ bảo hiểm. Em nói, mũ bảo hiểm lớn quá không có giấu đi được, nên em sợ bị cảnh sát phát hiện ra. Giữa việc bị bắt giữ và việc bị nhắm bắn vào đầu, em chọn cái thứ hai.
Từ tháng 7 đến giờ, YY đã “nếm” rất nhiều bom cay. Có một lần bị trúng đạn hơi cay, suýt nữa thì mất mạng. May mắn là viên đạn cay đó đã xuyên qua mấy chướng ngại vật rồi mới trúng vào gáy em. Sau khi bị trúng đạn, em yếu hơn, da bỏng, ngứa lại đau nữa.
YY hận là mình không thể lớn lên ngay được, để mau chóng vào đại học, đi làm kiếm tiền, độc lập về kinh tế rồi thì em đến và đi lúc nào cũng được.
Cô học sinh 16 tuổi bị cảnh sát bắn đạn cay cự ly gần, nhưng làm làm việc nghĩa nên không lùi bước
Ngày 12/6, thị dân tham dự cuộc biểu tình ôn hòa, A Trừng (tên giả) tại đoạn cầu vượt khu Kim Chung, đột nhiên gặp một toán cảnh sát chống bạo động xông lên cầu, đứng cách người biểu tình chưa đến 10 mét bắn đạn hơi cay khiến A Trừng nổi giận, em quyết xông ra tuyến đầu.
Mỗi khi rảnh em đều đến nơi biểu tình, gặp đụng độ bất ngờ là em lao thẳng vào không kể là có đồ bảo hộ chưa, không kể chướng ngại trên đường, khói hơi cay. Trong mắt em không có chút sợ hãi, đã quen với cảnh bạo lực của cảnh sát, đó cũng là lý do em vì việc nghĩa mà chẳng ngần ngại tiến lên không chùn bước.
A Trừng nói cũng có lúc em suýt chút nữa là bị bắt, sợ hãi mà không biết dùng từ nào để diễn tả, lúc ấy cảnh sát chống bạo động đã tóm được túi của em, em vận hết ý chí và sức lực để thoát ra. Em chạy đến một cửa hàng, một nhân viên gọi em vào và cho em uống nước.
Cô sinh viên bị bắt chứng kiến cảnh sát tra khảo người trẻ tuổi
Là sinh viên đại học năm 3, lúc Rita (tên giả) bị bắt, cô đang mặc bộ đồ đen và đeo ba lô. Chỉ vì mặc đồ đen mà cô cùng mười mấy người trẻ ở đây bị cảnh sát bắt. Việc cảnh sát lạm bắt này khiến Rita cảm thấy phẫn nộ.
Lúc bị giữ 48 tiếng đồng hồ, cô được sắp xếp ngồi ở trong một bãi đỗ xe, ngồi trên ghế, không bị ngược đãi nên cô thấy mình may mắn, nhưng có những người bị bắt cùng với cô bị bức cung, “có cậu con trai bị cảnh sát đem vào nhà vệ sinh, lột quần áo, dùng đèn pin tra hỏi, buộc khai tên của mình và những người khác”.
Cô cũng từng trúng đạn, nằm trên đường hấp hối, cả người run lên, hai tay ôm lấy mắt lẩm bẩm “mình có bị mù không”. Cô cũng nhiều lần chứng kiến cảnh sát hàng mấy người đột kích, xả lượng lớn hơi cay vào mấy người đi đường khiến họ liên lụy, nhiều lần cô giúp họ lấy nước rửa mắt.
Cô sinh viên bỏ những vướng bận nữ nhi thường tình
21 tuổi, Ping Ping cũng là sinh viên, sau khi bị cảnh sát chống bạo động truy đuổi, cô chạy theo mọi người đi thay quần áo, khi mọi người cởi bỏ mặt nạ bảo hộ, cô mới phát hiện không ít người đã 40, 50 tuổi cũng tham gia.
Mới 15 phút trước, cô cùng họ chạy trốn, chạy thoát rồi lại được gặp nhau, khiến cô rất cảm động bởi hoạn nạn có nhau. Mấy tháng nay cô ở tuyến đầu tham gia đội dập bom hơi cay, gặp những người chung lòng càng khiến cô có cái nhìn hoàn toàn mới về thành phố Hồng Kông.
Hiện tại Ping Ping thường phối hợp với bạn nữ học sinh YY ở trên, hai người có năng lực và thể lực tương đương, nên tiến lùi đều dễ dàng cùng chung ý tưởng.
Ping Ping nói, cô không thể nào mà ngồi ở nhà cho được, nếu cô không ra ngoài chiến đấu, thì Hồng Kông sẽ bị Đại lục đồng hóa, tương lai của cô cũng ảnh hưởng: “Hồng Kông mà rơi vào tay giặc, đầu tư nước ngoài rút hết, tôi có tốt nghiệp thì cũng thất nghiệp, chẳng có gì khác hết”.
Các tin tức hiện nay cho thấy, thế hệ người trẻ hiện đã mất lòng tin đối với cảnh sát và chính phủ. Những cô gái trẻ Hồng Kông sẽ nhớ mãi mùa hè này, nhớ những gương mặt đã rơi lệ và đổ máu cùng họ. Đôi mắt những cô gái trẻ ấy đều hiểu một điều rằng Hồng Kông đã không có đường lui.
Khải Hoàn (Theo Epoch Times)