Giả mạo đánh giá, mua người theo dõi và lượt thích, che dấu mức giá cuối cùng và bán hàng giả… là những chiêu trò người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua hàng qua mạng.
Nhiều người được trả tiền để viết đánh giá giả mạo. Ảnh: Bloomberg 1. Đánh giá giả mạo Những đánh giá 5 sao về sản phẩm và cửa hàng luôn là cơ sở tuyệt vời để khách hàng đưa ra quyết định mua. Năm 2011, một nghiên cứu của Trường kinh doanh Havard chỉ ra rằng một ngôi sao tín nhiệm trên mạng Yelp (trang đánh giá xếp hạng dịch vụ kinh doanh Mỹ), tương đương với 5–9 % tăng trưởng doanh thu cho cửa hàng. Song điều đó khiến nhiều cửa hàng có những thủ thuật nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Năm 2012, hãng nghiên cứu Gartner phát hiện ra khoảng 10-15% nhận xét trên mạng xã hội là không đúng sự thật. Một số những cửa hàng khác còn có chính sách trả tiền cho khách hàng khi họ đánh giá tốt về sản phẩm. “Đây là một phương pháp marketing rẻ tiền”, Bing Liu – chuyên gia khoa học máy tính đại học Illinois nhận định. Để giảm thiểu được những rủi ro trên, người mua cần cảnh giác với những đánh giá quá tốt và thiếu thông tin cụ thể. Cần kiểm tra nguồn những đánh giá này và trả lời câu hỏi: Liệu những khách hàng này có mối quan hệ nào đó với chủ cửa hàng? Những đánh giá có đến từ một người hay không? Những tài khoản này có tồn tại thật sự không? Và cuối cùng hãy kiểm tra thông tin qua nhiều nền tảng khác nhau, nhiều kênh khác nhau. 2. Tài khoản giả mạo Một số những cửa hàng có rất nhiều người theo dõi và lượt thích. Bạn nghĩ rằng tất cả đều là tự nhiên. Tuy vậy, theo báo cáo của Facebook, hiện có khoảng 7% trong 1,4 tỷ tài khoản là giả mạo. Việc tạo ra những hồ sơ giả này không ngoài mục đích lợi nhuận. Thông qua mua lượt thích, và người theo dõi, cửa hàng có thể tăng độ tin cậy và tính khách quan cho những sản phẩm của mình. Huffinton Post đánh giá những trang như SEOClerks và Fiverr có thể bán hàng chục ngàn lượt thích (likes) với khoảng giá từ 5 tới 25 USD. Tuy nhiên, điều này có thể phạm pháp tại một số quốc gia. 3. Che giấu mức giá cuối cùng Những chi phí phụ như tiền vận chuyển có thể bị giấu đi, chừng nào tới thời điểm thanh toán cuối cùng. Ví dụ Forbes chỉ ra rằng, một khách hàng đã phải trả thêm 50 USD tiền phí thành viên và gần 200 USD tiền phí bản quyền phần mềm Microsoft khi mua một laptop tưởng chừng như rẻ hơn tại một cửa hàng trực tuyến. Giải pháp cho vấn đề này là hãy nhớ “Không có gì miễn phí”, dù bạn trả chi phí vận chuyển hay không. Gọi điện, kiểm tra thật kỹ thông tin thanh toán và cần thiết in ấn hóa đơn điện tử để đảm bảo rằng mức giá cuối cùng là số tiền bạn phải trả. 4. Hàng giả Hàng giả, hàng kém chất lượng không phải là điều lạ lẫm đối với người tiêu dùng. Ngay cả hàng hóa trên những trang uy tín như Amazon cũng có thể là hàng giả. CBS News phát hiện ra rằng có rất nhiều cách để hàng giả có thể tuồn vào hệ thống Amazon. Matthew Frank, giám đốc điều hành hãng ICI USA sản xuất vật dụng bếp, gần đây đã phát hiện ra nhiều lời phàn nàn về sản phẩm nhãn hiệu Tovolo của hãng. Sau khi kiểm tra, ông phát hiện ra những mặt hàng này không có xuất xứ từ công ty mình. Sở dĩ vậy là do Amazon cho quá nhiều gian hàng bán một sản phẩm cùng thương hiệu. Việc trộn lẫn cả hàng thật và hàng giả khiến hãng gặp khó khăn trong việc kiểm tra tính xác thực của từng sản phẩm. Để đối phó với tình trạng này, bạn hãy kiểm tra thật kỹ nguồn gốc của gian hàng, và xác minh tính chính xác thông qua việc hỏi nhiều câu hỏi, tham khảo nhiều nguồn khác nhau. Nếu mức giá quá tốt để có thể tin, đừng tin. Theo Đức Anh/vnexpress.net |
Theo TCTC