Nói đến đàn piano là người ta nghĩ ngay đến những hộp gỗ sáng bóng tuyệt đẹp, những phím trắng đen cách điệu, những bản nhạc du dương, nguồn cảm hứng bất tận đánh thức tâm hồn biết bao người. Nhưng không chỉ có thế, nhắc đến đàn piano người ta còn nhớ đến những câu chuyện đời thường cảm động. Từ những con người, số phận được gắn kết yêu thương qua những phím đàn.
Bạn đã bao giờ nghe đến câu chuyện về chiếc đàn piano màu gụ đỏ?
Câu chuyện về một người bà đã mất cả năm trời viết thư thuyết phục người bán để được mua trả góp cây đàn piano cũ màu gụ đỏ. Và thêm bốn năm ròng rã bà nhịn ăn, chắt chiu từng đồng tiền bán trứng trả góp cho người bán như đã hứa.Tất cả những điều bà làm chỉ vì tình yêu thương, sự tin tưởng khi bà nhận thấy được niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt của cô cháu gái.
Và đúng như niềm tin của bà, chẳng bao lâu sau, với cây đàn piano cũ, cô bé đã trở thành một nghệ sĩ piano thực thụ. Tiếng đàn của cô thánh thót, trong trẻo, vang xa. Đánh thức tâm hồn của biết bao người yêu nhạc.Tiếng đàn chất chứa niềm đam mê, tình yêu thương và sự biết ơn của cô bé với bà. Người đã dành những điều tuyệt vời nhất cho cháu gái của mình.Đó là câu chuyện cảm động về tình yêu, tình thương, niềm đam mê. Và cũng là cổ tích kì diệu từ chiếc đàn piano.
Câu chuyện về cô bé khiếm thị với chiếc đàn piano.
Cô bé khiếm thị không thể tự mình học đàn mặc dù cô vô cùng yêu thích. Ngày ngày cô chỉ làm khán giả của người anh. Người đang ôn luyện cho kì thi quan trọng. Nhưng bất chợt, người anh bị tai nạn gãy tay và vô cùng tuyệt vọng.
Để chứng minh cho anh thấy, âm nhạc không chỉ dựa vào đôi tay mà là cảm nhận của trái tim. Cô bé đã ngày ngày miệt mài tập đàn. Và chính cô là người đoạt giải nhất cuộc thi mà người anh đã bỏ lỡ.
Tuy câu chuyện kết thúc buồn, khi cô gái ra đi vì căn bệnh quái ác, để lại tiếc nuối cho người anh và người yêu piano từng biết đến cô. Nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng sâu sắc. Đó là bài học cho những con người biết vượt khó để đứng lên.
Con người không ai là hoàn hảo cả, nhưng đôi khi chính sự không hoàn hảo đó lại là động lực để họ đứng lên, và thực hiện đam mê. Chỉ có niềm đam mê mới mang đến thành công.
Và âm nhạc chính là cảm hứng bất tận của cuộc sống.
Câu chuyện về cô gái câm và chiếc đàn piano.
Lại là một câu chuyện khác về niềm đam mê, sự vượt khó của những con người hết sức bình dị giữa đời thường.
Cô bé câm lớn lên trong vòng tay của người cha. Mẹ bỏ đi vì cha cô quá nghèo và cô bị câm. Cô học trong một trường dành cho người khuyết tật ở Đức. Khi người cha biết mình bị bệnh và sẽ không qua khỏi, cô được mẹ đưa về nuôi trong thời gian chờ được ở nội trú trong trường. Ngày ngày cô thu mình trong phòng, không tiếp xúc với ai. Thứ duy nhất cô hứng thú đó chính là cây đàn piano trong nhà mẹ. Nhưng mỗi khi cô chạm vào chiếc đàn là mẹ lại mắng, sợ cô làm hỏng đàn.
Chỉ đến một ngày, nửa đêm người mẹ thức dậy và bất ngờ khi nghe thấy tiếng đàn piano của cô bé. Một bản nhạc buồn da diết, như cứa vào tâm can. Tiếng đàn đã đánh thức tình yêu đã được chôn dấu từ rất lâu của người mẹ. Và cũng là lời chia tay cuối cùng của cô bé dành cho người cha, ông đã ra đi vĩnh viễn.
Câu chuyện vô cùng cảm động này đã lấy đi nước mắt của biết bao người. Và là lời nhắn gửi đến những ai vì của cải vật chất mà nỡ quên đi những người mình từng yêu thương. Đôi khi, từ những thứ không hoàn hảo sẽ mang đến những điều kì diệu cho bạn.
Hãy để âm nhạc, đánh thức tình yêu thương trong con người của bạn.
Câu chuyện về chiếc đàn piano và người đàn ông vô gia cư
Video clip về một người đàn ông vô gia cư râu tóc xồm xoàm đánh piano với những giai điệu thánh thót đầy tươi vui đã thu hút 5 triêu lượt xem chỉ trong vài ngày, và làm rung động biết bao con tim cộng đồng mạng. Ông tên là Donald Gould, 51 tuổi, cựu thuỷ quân lục chiến. Ca khúc piano khiến ông nổi tiếng là Come Sail Away (Styx). Donald đã từng phấn đấu để trở thành giáo viên dạy nhạc tại Michigan nhưng đã không đủ tiền đóng học phí. Bi kịch lớn nhất của đời ông là vợ bị đột tử, chán đời, nghiện rượu, mất quyền nuôi con và trở thành người vô gia cư từ 15 năm trước.
Câu chuyện đã có một kết cục thật vui và đầy cảm động, ông và con trai đã đoàn tụ sau video ‘homeless piano man go viral’. Không chỉ vậy Donald đã có công ăn việc làm.
Tuy nhiên, rất ít người biết đến dự án Sarasota Keys đã giúp cho cộng đồng Sarasota (miền trung Florida) ngày càng gắn kết với nhau nhờ những chiếc đàn piano công cộng.Từ một nhạc cụ đắt tiền, nữ hoàng của bộ dây – vua của các nhạc cụ, giờ đây đã trở thành tài sản bình dân, nơi con người chia sẻ và đối đãi với nhau bằng âm nhạc bất kể giàu nghèo, hèn sang, già trẻ. Và cũng nhờ có piano miễn phí mà người ta tìm thấy điều kỳ diệu mang tên Donald Gould.
Jim Shirley – Giám đốc Trung tâm nghệ thuật và liên minh văn hoá hạt Sarasota cho biết ông đã có ý tưởng này từ 4 năm và ban đầu dự án chỉ có thời gian thí điểm trong 6 tháng. Nhưng ngay sau đó dự án được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ và chính quyền thành phố sau khi lấy phiếu trưng cầu đã phê duyệt khoản hỗ trợ đặt thêm đàn piano tại các khu vực công cộng xung quanh thành phố.
“Mục tiêu của dự án là để có một dự án nghệ thuật công cộng tương tác nhằm thúc đẩy Sarasota trở thành cộng đồng văn hóa”, Shirley chia sẻ. “Nó được thực sự tốt để tạo nên một liên minh thúc đẩy nghệ thuật và văn hóa trong cộng đồng”.
Trên thế giới, cứ mỗi cây đàn piano khác nhau, đều mang đến những điều kì diệu.
Cây đàn piano cao quý giờ đây đã trở thành biểu tượng sức mạnh của tình yêu con người, lòng nhân ái, những tâm hồn tự do và mang đến những món quà từ cuộc sống.
Video đã làm nên điều kỳ diệu cho cuộc đời người đàn ông gia cư Donald Gould.
Sưu tầm