Phong trào chống luật dẫn độ tại Hồng Kông thời gian gần đây nổi lên các vụ án mạng bí ẩn, được cho là tự sát nhưng ẩn chứa nhiều nghi vấn. Một tổ chức của Mỹ là Tổ chức Trí tuệ Nhân tạo (The AI Organization) công bố thông tin độc quyền tiết lộ nội tình liên quan đến các vụ tự sát, bắt giữ và tấn công tình dục.
“The AI Organization” là tổ chức nghiên cứu trí tuệ có thẩm quyền tại Hoa Kỳ, đã tiến hành khảo sát hơn 1 nghìn công ty ở Trung Quốc Đại lục trong suốt 20 năm qua, với cơ sở dữ liệu và phân tích tình báo chi tiết của hàng trăm công ty. Đây là kênh thông tin quan trọng có mối liên hệ với Hoa Kỳ, nhưng rất nhiều thông tin cơ mật không được tiết lộ cho công chúng.
Người sáng lập của tổ chức này là Cyrus A. Parsa, một chuyên gia an ninh mạng, nắm rõ tình hình Trung Quốc đại lục và Iran. Thời trẻ, ông từng ở Trung Quốc và là một “võ tăng” ẩn cư trên núi. Trải qua 20 năm nghiên cứu bí mật, ông thành lập nên một mạng lưới tập hợp cả người Trung Quốc Đại lục và người nước ngoài để nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề rủi ro liên quan đến Trung Quốc Đại lục và Iran.
Ngày 6/10, trang web của The AI Organization đăng bài viết với tiêu đề “Trí tuệ nhân tạo với công nghệ nhận diện khuôn mặt ‘săn’ người Hồng Kông để ghi hình, cưỡng hiếp và cái gọi là ‘tự sát'”.
Bài báo cho biết, trí tuệ nhân tạo nếu có khả năng tổ hợp chức năng nhận diện khuôn mặt, giọng nói và các đặc điểm nhận dạng khác sẽ trở thành một đòn chí mạng. Bởi chúng có khả năng nhận diện đối tượng, xác định vị trí, theo dõi, săn đuổi và cuối cùng là sát hại. Công nghệ này đã được cung cấp cho các công ty Trung Quốc Đại lục, giúp họ xâm nhập vào điện thoại thông minh, nhà thông minh, máy bay, xe hơi không người lái và hệ thống camera giám sát.
Cộng đồng tình báo đã cung cấp thông tin cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã triển khai lực lượng bán quân sự tại các đồn cảnh sát ở Hồng Kông, lên kế hoạch nhắm vào các nữ sinh Hồng Kông thông qua công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định đối tượng và vị trí của đối tượng, tiếp đến là bắt giữ đối tượng này nhốt vào đồn hoặc xe cảnh sát.
Nhiều báo cáo cho thấy, các cô gái này đã bị cảnh sát Hồng Kông cưỡng hiếp. Những người được gọi là “cảnh sát Hồng Kông” này thực chất là cảnh sát và công an Trung Quốc Đại lục được gửi đến Hồng Kông theo sự phê duyệt của chính phủ Hồng Kông.
Bài viết còn cho biết, cả nam lẫn nữ sinh viên Hồng Kông được thông báo là “tự tử”, thực chất là nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp. Mục đích của chính quyền là đe dọa nhằm tạo áp lực buộc các sinh viên rút lui.
Những người bị tuyên bố “nhảy lầu” thực chất là bị ép buộc hoặc bị trực tiếp xô ngã. Cách thức “tự sát” này được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc Đại lục. Cảnh sát, an ninh, quân nhân dùng cách này để truy đuổi và uy hiếp những nhà hoạt động dân chủ như người theo tập Pháp Luân Công, tín đồ Cơ Đốc, người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, cũng các tập thể khác.
Hiện các sinh viên Hồng Kông đang bị theo dõi thông qua trình nhận diện khuôn mặt từ các phần mềm và ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh của họ. Phía Bắc Kinh cũng đã cài cắm gián điệp ở các đồn, cục cảnh sát, nhóm phóng viên, trường học, câu lạc bộ,…. trên khắp Hồng Kông.
Ngoài ra bài báo kết luận mạng lưới camera giám sát khắp Hồng Kông sẽ được kết nối gián tiếp với chính phủ Trung Quốc, từ đó phía Trung Quốc có thể tổng hợp thông tin và lưu trữ để các cơ quan an ninh có thể sử dụng về sau.
Những vụ người biểu tình “tự sát” nghi ngờ có bàn tay của hắc cảnh Hồng Kông
Kể từ khi diễn ra phong trào biểu tình ở Hồng Kông, ngày càng nhiều các cáo buộc nghi ngờ cảnh sát Hồng Kông có những hành vi bạo lực tình dục đối với người biểu tình.
Hôm 6/10, một nữ sinh Hồng Kông từng bị bắt giam tại Trung tâm giam giữ San Uk Ling, đã lên tiếng tố cáo hành vi lạm dụng tình dục của cảnh sát Hồng Kông, đồng thời kêu gọi hiệu trưởng ra mặt lên án hành vi phi pháp này. Cô cho biết, những người khác còn bị lạm dụng tình dục tập thể.
Tờ Apple Daily hôm 11/10 cho biết, người ta đã tìm thấy thi thể của một cô gái lõa thể nổi lên trên biển ở Yau Tong vào ngày 22/9. Danh tính cô gái này được xác định là Trần Ngạn Lâm, sinh viên Học viện Thanh Niên thuộc Hội đồng Đào tạo nghề (Vocational Training Council – VTC). Cơ quan này đã lên tiếng xác nhận.
Điều đáng ngờ nhất trong vụ “tự sát” này là, Trần Ngạn Lâm vốn là một kiện tướng bơi lội, từng là thành viên đội nhảy cầu, ba năm trước có tham gia các khóa huấn luyện bộ môn nhảy cầu. Bạn bè cho biết, Trần Ngạn Lâm có thể nhảy cầu từ độ cao 5m, nhảy vào bể nước sâu 5m, rồi lại có thể bơi vào bờ bình thường.
Báo cáo của trường trung học tưởng niệm Đặng Bộ Quỳnh Bệnh viện Bác Ái, nơi Trần Ngạn Lâm từng theo học, cho biết cô Trần từng nhận được giải thưởng bơi lội cấp trường. Thêm vào đó, Trần Ngạn Lâm trước khi tử vong, từng nhiều lần tham gia phong trào biểu tình.
Phong trào Hồng Kông tính đến thời điểm hiện tại đã phát đi rất nhiều tin tức liên quan đến các vụ tự sát. Ngày 5/10, tại Sư Tử sơn, người ta phát hiện một thi thể nữ mặc trang phục leo núi màu xanh đậm.
Tối 8/10, một xác chết nữ mặc trang phục màu đen được phát hiện trôi nổi trên mặt biển gần bán đảo Hải Di (South Horizons). Danh tính người phụ nữ này chưa được xác nhận. Cảnh sát Hồng Kông tiến hành điều tra và nhanh chóng đưa ra kết luận “chết đuối”.
Hoàng Chi Phong, Tổng thư ký Đảng dân chủ Demosistō Hồng Kông sống gần đó, cho biết anh cư trú tại đó 10 năm qua và chưa từng nghe sự việc nào tương tự. Anh nhận định đây là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng nên đã liên lạc với cơ quan quản lý địa phận Hải Di để tìm hiểu thêm sự việc và hình ảnh ghi được từ camera.
Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 5 thi thể được phát hiện kể từ ngày 31/8, và đều bị nghi ngờ liên quan đến phong trào biểu tình.
Khải Hoàn (Theo SOH)