Trong khi chính quyền Trung Quốc liên tục tuyên bố là “nạn nhân” của đại dịch Vũ Hán (Covid-19) thì nhiều tổ chức, chính quyền các nước lại khởi kiện Bắc Kinh với lý do làm bệnh dịch lây lan rộng, khiến nhiều người chết và gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.
Bị nhiều bang của Mỹ đệ đơn kiện
Missouri là bang đầu tiên của Mỹ đệ đơn kiện lên tòa án liên bang yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những thiệt hại xảy ra ở bang này. Vào ngày 21/4, Tổng chưởng lý bang Missouri, Eric Schmitt cho biết đơn kiện đã được đệ trình lên tòa án tại quận phía đông bang Missouri, Hoa Kỳ, tuyên bố rằng hành vi che giấu bưng bít thông tin của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến những hậu quả nặng nề và gieo mầm chết chóc cho bang Missouri. Ông Schmitt muốn người dân của bang được bồi thường và Trung Quốc phải ngừng đầu cơ thiết bị y tế.
Đến ngày 23/4, Mississippi cũng trở thành tiểu bang tiếp theo đệ đơn kiện lên chính quyền Trung Quốc. Tổng chưởng lý bang Mississippi Lynn Fitch cho biết đơn kiện của bà sẽ được đệ trình thay cho toàn bang nhằm tìm kiếm những thiệt hại dựa theo Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài (FSIA). Bà Fitch tuyên bố việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy sự bùng phát của virus Vũ Hán vào giai đoạn đầu của đại dịch đã gây ra những đau khổ hiện tại cho toàn bang Mississippi.
Bên cạnh đó, truyền thông và giới chức cấp cao Mỹ đã tung ra hàng loạt điều tra và nghiên cứu buộc tội Trung Quốc che đậy thông tin virus Vũ Hán và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Một số giả thuyết cũng cho rằng phòng thí nghiệm tại Vũ Hán đã nghiên cứu một loại vũ khí sinh học mới và vô tình để lọt ra môi trường tự nhiên.
Ngày 20/4, Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton chia sẻ với kênh Fox News rằng ông đang đề xuất dự luật cho phép tất cả nạn nhân bị ảnh hưởng từ virus Vũ Hán có thể kiện chính phủ Trung Quốc và áp đặt biện pháp trừng phạt với những người che đậy thông tin.
Trên trang web chính thức của mình ngày 14/4, thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley đã trình dự luật có tên “Công lý cho các nạn nhân COVID-19” cho phép người Mỹ kiện trực tiếp Chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh chịu trách nhiệm tạo ra đại dịch toàn cầu. Ông Hawley khẳng định dự luật do ông bảo trợ sẽ trừng phạt Trung Quốc vì bịt miệng những người tố giác và ém nhẹm các thông tin quan trọng về đại dịch Vũ hán.
“Có nhiều bằng chứng cho thấy sự dối trá, bất tài của Trung Quốc đã khiến COVID-19 từ một dịch bệnh địa phương thành đại dịch toàn cầu. Chúng ta cần một cuộc điều tra quốc tế để hiểu rõ những thiệt hại mà Trung Quốc đã gây ra cho thế giới và trao cho các nạn nhân COVID-19 quyền nhận được các khoản bồi thường xứng đáng. Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước các nạn nhân của mình”, ông Hawley lập luận.
Áp lực từ các tổ chức, chính quyền trên thế giới
Gần đây, Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cũng cho rằng các nước G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 6.500 tỷ USD do để Covid-19 lây lan. “Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không rời khỏi nước này”, Viện Henry Jackson Society viết trong báo cáo “Bồi thường virus corona?”, được công bố hôm 7/4.
Báo cáo cho rằng Trung Quốc đã vi phạm 10 điều luật, trong đó có Quy định Sức khỏe Quốc tế (IHR) vốn được siết chặt sau đại dịch SARS năm 2003. HJS khẳng định nỗ lực che giấu bệnh dịch của Bắc Kinh đã khiến Covid-19 lan khắp thế giới.
“Nhiều quan chức Trung Quốc, bao gồm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã ủng hộ quan điểm phi lý rằng virus corona được quân đội Mỹ đưa vào Vũ Hán, thay vì bắt nguồn từ chợ hải sản ở thành phố này, nơi động vật hoang dã được mua bán”, báo cáo có đoạn viết.
Tờ Daily Mail đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Trung Quốc cung cấp nhiều thông tin hơn về giai đoạn khởi phát đại dịch. Các lãnh đạo châu Âu khác như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đều đặt ra nghi vấn về tỷ lệ tử vong và nguồn gốc lây nhiễm dịch bệnh ở Trung Quốc.
Tờ Bild, nhật báo hàng đầu của Đức, thì đăng tải hóa đơn trị giá 160 tỷ USD đòi Trung Quốc bồi thường cho những tổn thất về du lịch, hàng không, điện ảnh của nước này. Tổng biên tập báo Bild Julian Reichelt sau đó đã gửi thư ngỏ cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông viết: “Từ lâu chính phủ của ông và các nhà khoa học của ông đã biết virus corona rất dễ lây nhiễm, nhưng ông đã cố ý để thế giới chìm trong bóng tối dịch bệnh.”
Những hậu quả mà thế giới đang phải đối mặt
Theo số liệu của trang thống kê Worldometers trong 24 giờ qua, toàn cầu đã tăng thêm 71.669 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 2.991.073, trong đó có 57.591 người đang trong tình trạng nguy kịch. Số ca tử vong tăng thêm 3.658 người, nâng tổng số người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này lên 206.822.
Việc để virus Vũ Hán lây lan đã khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Biểu hiện rõ rệt nhật là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chủ yếu nhắm vào giới trẻ, những người mới tốt nghiệp hoặc có bằng cấp thấp.
Tờ Le Monde của Pháp gọi giới trẻ 18-25 tuổi là “những nạn nhân đầu tiên của nạn suy thoái kinh tế” do lệnh phong tỏa toàn cầu nhằm ứng phó với tình trạng lây lan của đại dịch Vũ Hán. Mặc dù thanh niên là nhóm đối tượng ít bị tác hại nhất về sức khỏe. Nhưng họ lại là nhóm lao động đông đảo trong các lĩnh vực bị đóng cửa nhiều nhất trong đợt phong tỏa: nhà hàng, khu thương mại, trung tâm vui chơi giải trí…
Tờ Libération của Pháp cũng dành nhiều bài viết phân tích cuộc khủng hoảng dầu lửa, nhất là về tác hại đối với các nước khai thác và xuất khẩu dầu. Trong bài “Thời kỳ đen tối của các nước sản xuất dầu lửa”, Libération lo ngại là nếu các nền quân chủ dầu lửa ở Trung Đông phải xem xét lại các mục tiêu kinh tế thì nhiều nước khác như Algeri, Nigeria có nguy cơ bùng nổ xã hội .
Thị trường dầu lửa thế giới và Mỹ giờ chẳng khác gì đang trong trạng thái trợ thở nhân tạo. Virus corona hoành hành khiến dầu thô trên thị trường liên tục rớt giá từ nhiều tháng nay: 63 USD/thùng (tháng Giêng năm 2020), rồi 35 USD/thùng (tháng Ba), 22 USD/thùng (trung tuần tháng Tư).
Theo giới quan sát, có hai lý do để giải thích tình trạng giá dầu xuống thấp đến như vậy. Thứ nhất, cung vượt quá cầu, đây là hệ quả của đại dịch Covid-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Cả thế giới hiện trong tình trạng phong tỏa, mọi hoạt động di chuyển từ hàng không, hàng hải, đường bộ và các hoạt động sản xuất, kinh tế đều bị đình chỉ khiến nhu cầu dầu lửa giảm mạn
Libération đặc biệt lo ngại cho các nước Algeria, Irak, nơi khủng hoảng xã hội sẽ còn lan rộng hơn nữa nếu thu nhập giảm sút. Các mối đe dọa cũng đè nặng lên Venezuela và Iran, những nước đang chịu lệnh trừng phạt của quốc tế. Còn đối với các nước giàu có vùng Vịnh, cho dù có tránh được tình trạng bất ổn xã hội nhờ có dự trữ tài chính đáng kể, thì các chế độ quân chủ sẽ khó lòng thực hiện các tham vọng kinh tế và chính trị, đặc biệt là các chiến lược đa dạng hóa để chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu lửa. Cuối cùng, sự sụt giảm doanh thu của các quốc gia dầu lửa giàu có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới.
Thiện Thành (t/h)