Tinh Hoa

Nhiều quan chức nước ngoài từ chức khi sập cần cẩu

Trong nhiều vụ sập cần cẩu trên thế giới, các quan chức sẵn sàng đối mặt với truyền thông, thừa nhận sai lầm và từ chức.

Vụ sập cần cẩu làm 7 người thiệt mạng năm 2008 tại New York. (Ảnh AP)

Tháng 3/2008, vụ tai nạn công trường nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở New York, Mỹ. Một thanh thép rơi xuống đã cắt đứt sợi dây cáp nối một cần cẩu với tòa nhà đang xây dựng và làm chiếc cần cẩu sập xuống, 7 người thiệt mạng.

Mặc dù được Thị trưởng New York Michael R. Bloomberg hết lời bảo vệ do những thành công trong suốt quá trình đảm nhận vị trí phụ trách ủy ban xây dựng thành phố, bà Patricia J. Lancaster vẫn không thể tiếp tục công việc.

Bà Lancaster là người phụ trách ủy ban đầu tiên rời chính quyền vì chỉ trích từ dân chúng. Trước đó, bà phải trải qua một cuộc điều trần tại hội đồng thành phố và thừa nhận sai lầm của ủy ban bà đảm trách khi cấp phép xây dựng công trình.

Tại Ấn Độ, tháng 7/2009, E Sreedharan cũng đệ đơn từ chức Tổng giám đốc tập đoàn Đường sắt đô thị New Delhi (DMRC) lên Thủ hiến New Delhi khi đó là bà Sheila Dikshit, sau khi chiếc cầu vượt đang xây ở phía nam thành phố sụp đổ làm 5 người thiệt mạng, 13 người bị thương.

“Là người đứng đầu, tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ tai nạn”, Sreedharan nói.

DMRC đã lập một ủy ban 5 người điều tra vụ tai nạn. Trong khi đó, Thủ hiến Sheila Dikshit đã tới thăm những người bị thương và thông báo mức hỗ trợ cụ thể cho các gia đình nạn nhân. Khoảng 30 công nhân làm việc tại hiện trường khi tai nạn xảy ra. Một cột trụ bị sập kéo theo các tấm bê tông.

Năm 2014, hai công nhân người Ai Cập đã thiệt mạng do bị chôn vùi dưới hố sâu 8m sau vụ sụt lún tại công trường xây dựng trường Đại học Shaddadiya ở Kuwait. Bộ trưởng Giáo dục nước này là Ahmad Al-Mulaifi đã quyết định từ chức để “nhận trách nhiệm chính trị” về vụ việc.

Tháng 8/2014, một nhịp cầu bê tông nặng 300 tấn đang được thi công theo dự án hệ thống đường sắt cao tốc (MRT) bị sập tại thị trấn Kota Damansara, bang Selangor. Ba công nhân bị mắc kẹt dưới nhịp cầu bê tông dài 38m này.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Datuk Wira Azhar Abdul Hamid – Giám đốc điều hành tập đoàn Mass Rapid Transit Corporation Sdn Bhd (MRT Corp) đã bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về vụ việc. Ông nói rằng, mặc dù công tác điều tra đang được tiến hành, MRT Corp vẫn đứng ra nhận trách nhiệm đầy đủ về vụ việc này. Một khi cuộc điều tra hoàn thành, biện pháp pháp lý sẽ được thực hiện đối với những người chịu trách nhiệm.

Ông Datuk Wira Azhar Abdul Hamid – Giám đốc điều hành Tập đoàn MRT Corp, Malaysia. (Ảnh Thestar)

Chưa đầy 24h sau đó, ông đã quyết định từ chức. “Là người đứng đầu MRT Corp, tôi chịu trách nhiệm cá nhân về vụ tai nạn và đây là quyết định đúng đắn”, ông cho biết. Truyền thông Malaysia đã không ngớt lời ca ngợi quyết định từ chức của ông Hamid. MRT là tập đoàn nhà nước hàng đầu tại Malaysia về xây dựng hạ tầng.

Ông giải thích với truyền thông và nhân viên tập đoàn rằng, an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu. Để xảy ra tai nạn khiến 3 người chết nghĩa là ông không thể đảm bảo an toàn cho dù đã nỗ lực. “Tôi đã làm tốt nhất có thể, nhưng rõ ràng đã thất bại và vì thế cần phải giao trọng trách cho người khác”, ông thừa nhận.

Theo VNN