Tinh Hoa

Nhiều địa phương ủng hộ bỏ thu phí xe máy

TT – Trước đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM) về việc bãi bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nhiều địa phương đã có ý kiến.

Bộ trưởng Đinh La Thăng và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận về mức thu phí đường bộ đối với xe máy trong giờ giải lao của Quốc hội – Ảnh: Nguyễn Nam

Bộ trưởng Đinh La Thăng và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận về mức thu phí đường bộ đối với xe máy trong giờ giải lao của Quốc hội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18-6, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nói: “Hà Nội đồng tình với đề nghị bãi bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy của TP.HCM. Hà Nội ủng hộ nếu trung ương quyết định bãi bỏ quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy”.

Bà Ngọc nói trước đây trung ương đã có các văn bản quy định phải thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố là quy định mức thu. Khi có quy định của trung ương về việc thu phí, Hà Nội là địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương này.

Từ năm 2013, Hà Nội bắt đầu thu phí với xe máy, việc thu được quy định theo hai mức: 100.000 đồng/năm đối với xe có dung tích xilanh đến 100 cm3, 150.000 đồng/năm đối với xe có dung tích xilanh trên 100 cm3. Tuy nhiên, nguyện vọng của cử tri bày tỏ nên bỏ quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

Đặc biệt, từ thực tế Hà Nội triển khai thu phí, các cấp phường, xã, tổ dân phố dù thực hiện nghiêm túc nhưng hiệu quả thu không cao. Năm đầu tiên thực hiện thu phí không đạt chỉ tiêu. Số thu được rất ít và có tình trạng người nộp, người không nộp. Đến năm thứ hai thì khó khăn hơn, nhiều cử tri đề nghị nên bãi bỏ quy định thu phí này.

Hiệu quả chưa cao

Trước đó, ngày 8-4, ông Nguyễn Thành Long, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã có văn bản gửi Quỹ bảo trì đường bộ trung ương về việc đánh giá việc thực hiện thu phí đường bộ đối với xe máy.

UBND tỉnh này cho rằng việc thu phí gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý (mua bán chưa sang tên đổi chủ) cũng như chưa có chế tài xử lý phù hợp với các trường hợp không nộp phí.

Do đó, hiệu quả công tác này chưa cao. Bên cạnh đó, từ năm 2004, việc thu phí xe máy tại các trạm thu phí đường bộ đã được bãi bỏ. Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Quỹ bảo trì đường bộ trung ương kiến nghị Thủ tướng tạm dừng, chưa thực hiện thu phí xe máy.

Ngày 18-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Thảo, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (đơn vị tham mưu cho tỉnh ký công văn trên), cho hay ngoài lý do khó thu, chế tài chưa hợp lý, còn có lý do khác là rất nhiều người đi xe máy là người lao động nghèo, nếu thu tiền của họ nữa thì không hợp lý.

Trước đó, vào tháng 6-2014, khi góp ý dự thảo thông tư cho Bộ Tài chính về nộp, quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu xe, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị Bộ Tài chính bỏ đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là xe máy vì hiệu quả không cao, số thu không đủ bù đắp chi phí tổ chức thu và “sự đồng thuận của nhân dân đối với việc thu phí xe máy chưa cao”. Cuối năm 2014, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua nghị quyết cho UBND tỉnh này thu phí xe máy.

Chiều 18-6, ông Trần Thanh Bình, phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết việc HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua nghị quyết là thực hiện theo chỉ đạo từ trên, kinh phí nếu thu được sẽ được để lại cho tỉnh để bảo trì đường nông thôn.

Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa triển khai thu. Ông Bình cũng thừa nhận việc thu phí này sẽ gặp nhiều khó khăn và cho biết nếu có chuyện địa phương tự quyết mức thu thì HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ xem xét lại và dừng nghị quyết.

Với nhiều người nghèo, việc thu phí xe máy là một gánh nặng. Trong ảnh: người dân chen chúc đi xe qua cầu Chà Và, Q.8, TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng

Với nhiều người nghèo, việc thu phí xe máy là một gánh nặng. Trong ảnh: người dân chen chúc đi xe qua cầu Chà Và, Q.8, TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng

Thu phí rất khó

Chiều 18-6, ông Trần Văn Huy, thành viên Ban kinh tế – ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, cho biết việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên địa bàn Đà Nẵng rất khó. Thực tế người nộp phí cũng như người không nộp cũng như nhau, không có chế tài, không ai kiểm soát việc này, nộp cũng được mà không cũng được. Với nhiều gia đình khó khăn, việc nộp phí không phải là chuyện dễ dàng. “Mang tính tự giác nhiều hơn là thực thi pháp luật” – ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, qua theo dõi cho thấy nhiều phường thu phí chỉ đạt 5 – 7%, còn tính theo hộ dân thì nơi cao nhất khoảng 30% số hộ dân. “Nhiều quận không dám giao chỉ tiêu cao quá vì sợ không hoàn thành, không được xét thi đua, vì thế thường giao mỗi tổ dân phố dưới 40 hộ khoảng 3 triệu đồng” – ông Huy cho hay.

Theo nghị quyết mới của HĐND TP Đà Nẵng, 20% nguồn thu loại phí này chi cho thực hiện công tác thu, 40% để lại phường xã, 40% để lại cho quận huyện. Theo ông Huy, người đi thu phí chủ yếu là kiêm nhiệm nên chi phí để “nuôi” cũng không đáng kể. “Bà con cử tri cũng kiến nghị xe máy chủ yếu đi trong hẻm, trong khi điều kiện người dân còn khó khăn, do đó Nhà nước nên “bao” luôn phí đường bộ. Còn áp dụng thu từng hộ dân sợ khó thành” – ông Huy nhìn nhận.

Bộ trưởng Thăng nhớ nhầm số công văn

* Phí bảo trì đường bộ đối với xe máy chỉ quy định mức tối đa

Ngày 18-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết trước đây, thông tư 197 ngày 15-11-2012 quy định mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy gồm mức tối thiểu và mức tối đa: xe máy dưới 100 cm 3 là từ 50.000 – 100.000 đồng/xe/năm, xe trên 100 cm 3 là 100.000 – 150.000 đồng/xe/năm.

Tuy nhiên, sau hơn một năm áp dụng, nhiều địa phương, nhất là các địa phương còn có nhiều khó khăn, cho rằng mức thu tối thiểu tương đối cao so với điều kiện của người dân. Do đó, ngày 11-9-2014, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 133 sửa đổi mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

Theo đó, quy định mới chỉ ban hành mức thu tối đa để HĐND cấp tỉnh chủ động hơn trong việc quyết định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể: loại xe có dung tích xilanh đến 100 cm 3 thu tối đa 100.000 đồng/năm, xe trên 100 cm 3 có mức thu phí tối đa 150.000 đồng/năm.

So với cả nước, TP.HCM là địa phương thực hiện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy muộn nhất. Hiện nay, 63 tỉnh thành đều ban hành mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Hầu hết các địa phương quy định mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy chỉ bằng khoảng 40 – 60% mức thu tối đa.

Tối 18-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói ông nhớ nhầm số công văn khi trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm là thông tư 159, đúng ra là thông tư 133.

Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, thông tư 159 được Bộ Tài chính ban hành ngày 14-11-2013 có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 chỉ hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ chứ không hướng dẫn mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. (L.THANH – L.KIÊN)

Ông Lâm Ngọc Hiếu (người dân ở quận 12, TP.HCM):

Ủng hộ chủ trương không thu phí

Từ trước khi HĐND TP.HCM thông qua việc thu phí, nhiều người dân đã cho rằng việc triển khai thu sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhiều người cũng không đồng tình khi hiện nay đã có quá nhiều loại thuế, phí…

Thu phí bảo trì đường bộ, trong khi nhiều tuyến đường xuống cấp, chưa được sửa chữa kịp thời. Điều này còn tạo ra sự không công bằng giữa người nộp phí và người không nộp phí.

Theo dõi báo đăng về sự trao đổi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM) và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, tôi thấy nếu đúng như ông Thăng nói có văn bản giao quyền cho HĐND tỉnh thành tự quyết việc thu phí, thậm chí có mức thu 0 đồng thì người dân như tôi rất đồng tình và ủng hộ. Mong HĐND TP.HCM điều chỉnh lại nghị quyết về việc thu phí và UBND TP.HCM sẽ thu hồi quyết định về thu phí dự kiến áp dụng từ đầu tháng 7-2015. (Q.KHẢI ghi)

XUÂN LONG – ĐÔNG HÀ – ĐOÀN CƯỜNG

Theo Tuổi Trẻ