“Tôi đã từng làm rơi mất đồ và rất hiểu cảm giác của người đánh rơi đồ, đặc biệt là những đồ vật quý giá. Nếu lúc đó tôi không gặp được vợ chồng chị Oanh thì tôi sẽ giao nộp chiếc nhẫn cho công ty để nhờ họ tìm giùm”, anh Lộc nói.
Vào đêm 16/2, chị Hà Hoàng Oanh (trú tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã chia sẻ niềm hạnh phúc khi được nhận lại chiếc nhẫn kim cương giá trị mà chị lỡ đánh rơi trên mạng xã hội Facebook.
Chị cho biết, vào tối cùng ngày (16/2), sau khi đỗ xe bên đường Lê Quý Đôn (TP. Huế) để vào nhà, chị lỡ đánh rơi 2 chiếc nhẫn kim cương đeo trên tay. Vào nhà rồi mới biết mất đôi nhẫn, chị quay ra ô tô tìm kiếm thì chỉ phát hiện 1 chiếc trên ngách cửa xe, chiếc còn lại tìm mãi không thấy.
Theo chị Oanh thì chiếc nhẫn bị mất này là một phần trong bộ sản phẩm kim cương hiệu PNJ mà gia đình chị mua nhân kỷ niệm 11 năm ngày cưới.
Chồng chị sau đó cũng ra tìm giúp, lúc đó, anh thấy đoạn đường nơi chị đỗ xe đã được dọn sạch nên cả hai đã đi tìm các công nhân quét rác và gặp được anh Trần Phương Lộc (34 tuổi, ngụ P. Phường Đúc, TP. Huế; công nhân của Công ty CP Công trình đô thị Huế).
Sau khi nghe hỏi, anh Lộc đã lấy từ trong túi ra chiếc nhẫn và vui vẻ trả lại cho vợ chồng chị Oanh.
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, Anh Lộc cho biết, thời điểm thu gom rác, dọn vệ sinh dọc tuyến đường Lê Quý Đôn (TP. Huế), anh nhìn thấy một chiếc nhẫn đính đá quý to rơi giữa đường. Ban đầu anh tưởng chỉ là đồ chơi nên nhặt lên xem. Ai ngờ khi sờ thử vào viên đá quý đính trên chiếc nhẫn, anh liền nghi đây là một chiếc nhẫn kim cương thật.
Nghĩ một vật dụng có giá trị lớn bị đánh rơi thì khổ chủ có thể sẽ quay lại tìm. “Nếu là nhẫn thật, chắc chắn người đánh rơi sẽ đi tìm, lúc đó mình sẽ biết chính xác của ai để trả lại cho họ. Còn nếu không ai tìm, mình cũng sẽ đem về trình báo với công ty để tìm người trả lại”, anh Lộc chia sẻ.
Một lúc sau, anh Lộc thấy có 2 vợ chồng đang tỏ vẻ hốt hoảng, hai mắt đảo quanh xuống đường như đang tìm vật gì đó nên anh tiến đến hỏi.
Sau khi nghe chị Oanh kể về việc mất chiếc nhẫn kim cương, anh hỏi rõ chị Oanh về hình thù chiếc nhẫn để xác định đúng chủ nhân rồi lấy chiếc nhẫn mà mình nhặt được trả lại chị.
“Tôi đã từng làm rơi mất đồ và rất hiểu cảm giác của người đánh rơi đồ, đặc biệt là những đồ vật quý giá. Nếu lúc đó tôi không gặp được vợ chồng chị Oanh thì tôi sẽ giao nộp chiếc nhẫn cho công ty để nhờ họ tìm giùm”, anh Lộc nói.
Chia sẻ về anh Lộc, ông Trần Hữu Ân – Phó giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Huế nói rằng, anh Lộc là công nhân có gia cảnh rất khó khăn nhưng không hề tham của rơi. Trước Tết anh Lộc cũng từng nhặt được một chiếc túi xách giá trị và trả lại cho khổ chủ trong lúc làm việc.
Xuân Hạ (t/h)