Chính phủ Nhật Bản hôm 28/9 tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ 810 triệu USD cho những người di cư Iraq và Syria đang phải chạy trốn chiến tranh, nhưng có vẻ như chính sách tiếp nhận người tị nạn tại nước này lại khắt khe hơn.
Theo Reuters, thông tin được công bố trên Đài truyền hình NHK của Nhật Bản và dự kiến được Thủ tướng Shinzo Abe công bố trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 29/9.
Đài NHK cho hay, vẫn chưa rõ Chính phủ Nhật Bản có thêm chính sách nới lỏng nào khác với người nhập cư không. Tuy nhiên, trong Tháng 9, Nhật Bản đã công bố những thay đổi trong chính sách người tị nạn mà các nhà hoạt động xã hội đánh giá là sẽ càng khó khăn hơn với những đối tượng này.
Năm 2014, trong số 5.000 đơn xin đăng ký cơ chế tị nạn tại Nhật, chỉ có 11 đơn được phê duyệt.
Trước đó, ngày 25/6, ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố, nước này sẽ hỗ trợ người tị nạn Syria 2 triệu USD và thêm 2 triệu USD khác cho các nước ở phía tây Balkan như Serbia và Macedonia, các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng di dân.
Mười bốn tổ chức phi chính phủ, trong đó có Tổ chức Ân xá quốc tế, hôm 28/9 đã kêu gọi Thủ tướng Abe đưa nội dung tiếp nhận người tị nạn Syria vào bài phát biểu của ông tại hội nghị Liên Hiệp Quốc.
Bà Eri Ishikawa, chủ tịch Hội Người tị nạn Nhật Bản, phát biểu trong một cuộc họp báo: “Đây là thời điểm mà Nhật Bản, một quốc gia G7, cần đóng vai trò chủ động hơn trong những đóng góp vào giải pháp quốc tế về cuộc khủng hoảng (di dân) bằng cách tiếp nhận những người tị nạn Syria vào Nhật Bản”.
Nước Mỹ gần đây cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm 419 triệu USD, nâng tổng mức hỗ trợ tài chính cho người tị nạn lên tổng cộng 4,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng mức tiếp nhận người tị nạn thường niên của Nhà Trắng lên 15.000 người trong hai năm tới đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, một phần vì lo ngại nguy cơ khủng bố.
Hôm 25/9, Liên Hiệp Quốc cho biết, làn sóng di dân với khoảng 8.000 người mỗi ngày đang đổ vào châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những rắc rối mà chính phủ các nước trong khu vực đang phải đối mặt mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Theo Tuổi Trẻ