Tinh Hoa

Nhật Bản: Đường phố và phương tiện công cộng vẫn tấp nập giữa đại dịch

Người Nhật vẫn tiếp tục tất bật trên các toa tàu sau khi chính phủ Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch virus Vũ Hán tại Tokyo và 6 tỉnh thành khác hôm 7/4.

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại cuộc họp về các biện pháp chống dịch COVID-19 tại phủ Thủ tướng ngày 6/4. (Ảnh: Reuters)

Ngày 7/4, Thủ tướng Abe Shinzo đã ban bố tình trạng khẩn cấp về đại dịch Vũ Hán tại 7 tỉnh thành ở Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, tình trạng khẩn cấp được ban bố tại nước này có những khác biệt so với các hạn chế mà Mỹ và nhiều nước châu Âu đang áp dụng. 

Những nơi như hệ thống siêu thị, bệnh viện, nơi mua bán nhu yếu phẩm, khách sạn, nhà ở cộng đồng, nhà trọ, hệ thống giao thông công cộng (xe bus, tàu điện, xe thuê, tàu, thuyền, máy bay), nhà máy, cơ quan tài chính bao gồm ngân hàng,… đều vẫn sẽ hoạt động bình thường nhằm đảm bảo và duy trì nhu cầu thiết yếu của người dân.

Ngoài ra, mặc dù ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng chính phủ Nhật Bản không đưa ra bất cứ hình phạt nào với người không chấp hành khuyến cáo ngăn ngừa virus Vũ hán lây lan, chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác của người dân.

Đường phố tại Nhật vẫn tấp nập bất chấp dịch virus Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, cảnh tượng trên khắp đường phố trung tâm Tokyo hoàn toàn trái ngược với những con đường vắng vẻ bị phong tỏa nghiêm ngặt ở các quốc gia khác trên thế giới. 

Tại các trung tâm lớn như Shinjuku, Shibuya và Tokyo, nhiều người lao động vẫn phải tiếp tục tới công sở như thường lệ vì không được công ty cho phép làm ở nhà. Đường phố và các ga tàu vẫn đông đúc, chỉ ít người hơn một chút so với tuần trước.

Một doanh nhân Tokyo cho biết, anh đã tránh bắt các chuyến tàu đông đúc và luôn đeo khẩu trang, cũng như giữ khoảng cách với những người khác để bảo vệ mình. Nhưng đó là điều không thể vào giờ cao điểm ở Tokyo.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang, ngồi trên một tuyến tàu điện ngầm ở Tokyo hôm 7/4. (Ảnh: Reuters)

Tanaka – một nhân viên văn phòng nói: “Tôi không rõ tuyên bố tình trạng khẩn cấp có đủ hay không, nhưng điều quan trọng chúng ta phải làm là giữ khoảng cách với người khác, rửa tay thường xuyên và tránh lây lan virus khi ho”.

Dự kiến tới ngày 10/4, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike mới công bố các doanh nghiệp cần phải đóng cửa sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên Lịch trình hoạt động của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, nơi phục vụ các tuyến tàu ở thủ đô và các khu vực xung quanh, vẫn không thay đổi.

Được biết, tình trạng khẩn cấp trao cho chính phủ nhiều quyền hạn hơn để buộc người dân ở nhà nhằm giảm tiếp xúc với người khác, và áp lực buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa. Tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản sẽ kéo dài tới ngày 6/5 – ảnh hưởng tới sinh hoạt của 44% người dân Nhật.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe Shinzo cho rằng nếu có sự hợp tác của toàn dân, hạn chế được sự tiếp xúc giữa người với người khoảng 70-80%, thì nhất định Nhật Bản sẽ vượt qua khó khăn. Có thể sau một tháng, tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ được bãi bỏ.

Theo thống kê mới nhất, với hơn 80 ca nhiễm mới tính đến hôm 8/4, các ca nhiễm virus Vũ Hán ở Tokyo đã tăng gấp đôi lên khoảng 1.200 người chỉ trong 5 ngày qua.

Chính phủ cũng đã thông qua gói cứu trợ chưa từng có, trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, chiếm khoảng 20% GDP, để hạn chế thiệt hại kinh tế.

Mặc dù có động thái khá tích cực, nhưng hiện Chính phủ Nhật đang hứng chịu nhiều chỉ trích vì hành động chậm chạp so với nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi số người nhiễm virus Vũ Hán liên tục tăng cao. Nhiều chuyên gia nhận định đáng lẽ Nhật Bản phải cảnh báo về sự nguy hiểm của virus với người dân nước này sớm hơn.

Việt Anh (t/h)