Tính đến ngày 22/11, Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) đã bị cảnh sát bao vây tới ngày thứ 6, hiện vẫn còn người biểu tình bị mắc kẹt trong trường. Một nhân viên cấp cứu đã rút khỏi PolyU mô tả với truyền thông rằng, tận mắt chứng kiến hành động tàn bạo của cảnh sát những ngày này giống như đang ở dưới địa ngục.
Ngày 20/11, những người biểu tình vẫn bám trụ tại PolyU đã tạo ra một biểu tượng SOS lớn từ các đồ vật khác nhau, họ xếp biểu tượng cứu viện SOS trên mặt đất để truyền thông tin xin trợ giúp ra thế giới bên ngoài.
Victor, một người biểu tình bám trụ tại PolyU nói: “Không chỉ những người biểu tình bị mắc kẹt bên trong, mà còn rất nhiều sinh viên và công dân bình thường. Sự việc này chính là một thảm họa nhân đạo. Họ không cho chúng tôi đi, cũng không cung cấp lương thực và nước uống cho chúng tôi. Nhưng một khi thoát ra ngoài liền cáo buộc chúng tôi là ‘bạo động’”.
Sau nhiều ngày cố thủ liên tiếp, ngoài những tổn thương và mệt mỏi về thể xác, Victor cho rằng, nỗi đau tinh thần còn nghiêm trọng hơn. “Vài ngày trước tôi gặp rất nhiều trẻ em khoảng mười mấy tuổi, tất cả chúng đều khóc và muốn về nhà”.
“Nhiều người thực sự muốn về nhà, nhưng lại không thể quay về”. Victor lại nghẹn ngào nói: “Một số người nhớ gia đình và bạn bè. Họ không muốn ở đây nữa, thật sự quá khó khăn”. Nhiều người đã ra ngoài, nhưng lại không trốn thoát thành công mà bị bắt lại.
Anh cho biết, hai ngày trước đó, một số người đã bỏ cuộc hoặc đang lưỡng lự, nhưng anh cảm thấy rằng tiếp tục thế này không ổn, nhất định phải làm một việc gì đó, chẳng hạn như thu thập thực phẩm còn sót lại, có thể trụ được ngày nào hay ngày đó.
Ví dụ, như cách làm hiện tại của anh, sử dụng khăn mặt để tạo nên chữ “SOS” thật lớn nhằm yêu cầu cứu trợ quốc tế. Cuối cùng anh “cầu mong những người đã rời khỏi có thể thoát ra một cách an toàn”. Đôi mắt Victor ánh lên niềm hy vọng nhưng cũng mang một chút cảm xúc: “Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng đó là con đường cửu tử nhất sinh”.
William, người đã cố thủ 5 ngày cho biết, anh không hề sợ hãi. Người dân Hồng Kông khao khát dân chủ và tự do, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hủy hoại tự do của Hồng Kông. “Trên thực tế, không cần phải nhìn lại cũng biết rằng, đã chiến đấu tới giờ phút này, một khi bạn thua bạn chẳng còn gì cả, chỉ có lựa chọn duy nhất là chiến thắng thì bạn mới có lối thoát”.
Hơn 20 nhân viên cứu trợ nhân đạo chuyên làm nhiệm vụ cấp cứu đã bất lực rút khỏi PolyU vào tối ngày 19/11. Nhân viên cấp cứu tình nguyện kiêm sinh viên X nói với tờ Apple Daily Hồng Kông rằng, tại PolyU vài ngày qua, mọi người luôn đồng lòng giúp đỡ lẫn nhau, nhưng mặt khác phải chứng kiến cảnh tượng bạo lực kinh hoàng từ phía cảnh sát, khiến người dân hoảng loạn và không biết phải làm gì.
X là sinh viên đại học năm nhất trường Đại học Trung Văn. Vào ngày 17/11, nhận được tin PolyU đang ở trong tình trạng hỗn loạn, có một số lượng lớn người bị thương cần được xử lý, với chứng nhận cấp cứu của mình, anh tiến thẳng về phía PolyU, hy vọng có thể giúp đỡ cho những người bị thương. Đến tối ngày 19 anh mới rời đi.
Trong ba ngày đêm cấp cứu tại “địa ngục” PolyU, X tận mắt chứng kiến nhiều vết thương nghiêm trọng. Một số người bị vỡ đầu và mất rất nhiều máu, máu phun ra từ đầu như vòi phun nước.
X nói, cảnh sát rõ ràng đang gia tăng việc sử dụng vũ lực, họ không còn sử dụng dùi cui mà thay vào đó là những thanh gỗ lớn để trấn áp bạo động. Khoảng cách bắn đạn cao su không ngừng bị thu hẹp. Nhân viên cấp cứu nhìn thấy những vết bầm tím, thậm chí vết bầm ở phần đầu và mắt còn nghiêm trọng hơn trước đây.
X nói rằng anh không phải là người chữa bệnh chuyên nghiệp, chỉ có thể thực hiện các phương pháp điều trị đơn giản, như cầm máu, cố gắng giúp người bị thương kiểm soát tình trạng chảy máu và làm sạch vết thương. Ban đầu, có một số bác sĩ có mặt tại hiện trường nhưng sau đó đã lần lượt rời đi.
X cũng từng làm tình nguyện viên cấp cứu tại trường đại học Trung Văn, anh nói rằng, trong hai lần những trường đại học này bị bao vây đều có một số lượng lớn người bị thương cần điều trị, nhưng nhân viên y tế không đủ, chỉ có thể ưu tiên xử lý những người bị thương nặng trước. Sau hai đêm ở PolyU, X từng ngủ trên sàn nhà của trạm sơ cứu và lớp học, thậm chí anh còn ngủ trên mặt đất ở gần khu vực biểu tình vì quá mệt. X thở dài, anh nói cảm xúc lớn nhất khi rút khỏi PolyU là cuối cùng cũng được nhìn thấy gia đình.
Kể từ tối ngày 17/11, 2000 cảnh sát Hồng Kông đã chặn tất cả các tuyến đường và tất cả các lối thoát của PolyU. Giới phóng viên truyền thông gần đó không được xâm nhập vào phạm vi thuộc tầm kiểm soát của cảnh sát Hồng Kông. Phía cảnh sát không chỉ dùng xe phun nước, điên cuồng phun nước xanh và nước trắng vào những người biểu tình ở bên ngoài trường, họ còn ném nhiều lựu đạn gây choáng vào người biểu tình ở trong trường, sức tàn phá rất lớn. Đạn hơi cay và đạn cao su thì nhiều không đếm xuể.
Cảnh sát ban đầu kêu gọi mọi người có thể rời đi từ cổng Y của PolyU. Tuy nhiên, khi đi qua cổng, họ đã bị cảnh sát phục kích và ném ra rất nhiều lựu đạn gây choáng. Một số lượng lớn nhân viên bao gồm nhân viên y tế và nhà báo đều bị bắt giữ, một số người bị buộc phải quay trở lại trường.
Hứa Trí Phong, nghị viên Hội đồng Lập pháp Đảng Dân chủ Hồng Kông cũng bị mắc kẹt trong PolyU, ông nói rằng trong trường có nồng độ cao của đạn hơi cay và mùi đạn hạt tiêu, hơn nữa gần như bị cắt nước và thực phẩm, đây là tình trạng thảm họa nhân đạo.
Trong vài ngày qua, những người biểu tình đã bốn lần thử phá vỡ vòng vây và đều bị cảnh sát dùng hỏa lực cường độ cao buộc phải quay lại và bị bắt. Nhiều người bị đánh tới mức đầu bị thương và chảy máu, thậm chí có những nữ biểu tình bị cảnh sát kéo lê trên mặt đất, cảnh tượng hết sức tàn nhẫn.
Sáng sớm ngày 18, phía cảnh sát cảnh cáo sẽ sử dụng đạn thật chống lại người biểu tình. Đồng thời bắt một nhóm nhân viên y tế rút khỏi Đại học Bách Khoa. Theo tin tức trên mạng, khoảng 50 bác sĩ, y tá và nhân viên cấp cứu đã bị bắt giữ. Hình ảnh cho thấy tay họ bị trói và khóa lại như kẻ chạy trốn.
Từng bức thư tuyệt mệnh của những sinh viên và người biểu tình trong vòng vây lần lượt được truyền ra ngoài. Trong những bức thư tuyệt mệnh, họ e rằng sẽ không thể thoát ra ngoài, nhưng không hối hận vì đã đấu tranh và hy vọng về một Hồng Kông đoàn kết đồng lòng. Ngoài ra, những người bị thương và nhân viên y tế sau khi bị bắt đã để lại nhiều vết máu tại hiện trường cùng nhiều bức huyết thư viết tay.
Có người ở trên mạng đã tiết lộ bản ghi âm của sinh viên bị mắc kẹt trong PolyU. Bản ghi âm đề cập đến lời cảnh sát nói rằng, tất cả những người ở đây đều sẽ bị kết án 10 năm vì “tội bạo động”, mặc dù tình trạng hiện tại là cảnh sát bao vây toàn bộ PolyU. “Họ chưa bao giờ để cho chúng tôi một con đường sống”.
Bản ghi âm cũng nói rằng, cảnh sát bắt đầu tấn công PolyU không ngừng kể từ sáng ngày 17, ngoài những người biểu tình, ngay cả đầu bếp hay tình nguyện viên, nhân viên xã hội đều bị bắt sau đó định tội. Cũng vì lo sợ bị định tội nên gần như không còn bác sĩ ở lại. “Tại đây ít nhất có khoảng trên 1000 người, từ độ tuổi 11 tới 60”.
Một sinh viên đang bị cô lập trong PolyU cũng nói rằng, mỗi lần họ muốn thử rời khỏi trường, cảnh sát sẽ không ngần ngại bắn đạn cao su vào họ. Vào 1 giờ chiều ngày 18/11, cảnh sát đã bắn hơn 100 viên đạn hơi cay trước mặt các phóng viên. Nhiều người biểu tình đã không thể thở và bị bắt.
Theo cảnh sát Hồng Kông, từ ngày 17 đến ngày 18 họ đã bắt hơn 400 người tại PolyU, hơn 70 người bị thương đã đầu hàng để được giúp đỡ. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm người bị bao vây trong trường, hơn 100 người trong số họ là sinh viên. Chiều ngày 19, cảnh sát một lần nữa tuyên bố rằng 1100 người đã bị bắt trong ngày.
Dư luận chỉ trích chính quyền “giết người” ĐCSTQ lặp lại sự kiện Thiên An Môn tại Hồng Kông. Có bình luận cho rằng, Hồng Kông đã trở thành chiến trường. Cảnh sát không kiêng nể gì mà cho mọi người thấy họ chính là những con thú. Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông chuyển từ “người Hồng Kông cố gắng lên” sang “người Hồng Kông phản kháng”, bây giờ là “người Hồng Kông trả thù”.
Minh Huy (Theo NTDTV)