Tinh Hoa

Nhạc sĩ của ‘Thuyền và biển’ đã qua đời

(PLO) – Theo thông tin từ ông Phan Hồng Hà (con trai của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), cho biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất vào hồi 10h15 sáng nay 29-6 (nhằm ngày 14-5 năm Ất Mùi) hưởng thọ 91 tuổi.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – Ảnh tư liệu

Linh cữu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nổi tiếng với những ca khúc viết về Bác Hồ, cách mạng và một số ca khúc phổ thơ: Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Nhớ ơn Bác, Đoàn Vệ quốc quân, Hành khúc ngày và đêm, Giải phóng quân, Thuyền và biển, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Anh ở đầu sông em cuối sông… Với những ca khúc trữ tình phổ thơ nổi tiếng ông được mệnh danh là “Ông hoàng phổ nhạc”. Ca khúc đầu tayTrầu cau được ông sáng tác năm 21 tuổi (1945).

Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vào ngày 19-6 tại đêm thi Tiếng hát mãi xanh.

Clip Thuyền và Biển do Quang Lý & Bảo Yến thể hiện

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng. Ông cũng là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn,Quảng Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX. Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là“Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Rất nhiều các bài hát của ông có lời từ các tác phẩm thơ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – Ảnh tư liệu

Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tayTrầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là Mùa đông binh sĩ được viết khoảng giữa thập niên 1940.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam

Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12- 1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Thời gian đó ông viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang.

Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong nhật 90 tuổi – Ảnh tư liệu

Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công nhưTình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng… Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ.

Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là:Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác

Những nghệ sĩ thể hiện thành công tác phẩm của ông có thể kể đến Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Dậu và Nghệ sĩ ưu tú Tuấn Phong”.

QUỲNH TRANG – NGUYỄN TÝ

(2)

Theo Pháp Luật TP.HCM