Hẳn nhiều người sẽ nghĩ, bắt giam, phạt tù sẽ là hình thức cải tạo giúp những người phạm pháp nhìn ra tội lỗi để biết ăn năn và làm lại cuộc đời. Điều này có lẽ đúng tại một số các quốc gia, nhưng Trung Quốc thì ngoại lệ.
Dĩ nhiên, cũng như bao nơi khác, nhà tù tại Trung Quốc là nơi giam giữ phạm nhân, nhưng trước hết và cũng quan trọng nhất, đây chính là công cụ trấn áp những người đi ngược với đường lối chủ trương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và sau đó nó là nơi sinh ra những tệ nạn.
Mới đây, một nhà tù ở đông bắc Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của một cơn bão truyền thông khi các trang tin tức trên khắp Trung Quốc đăng tải các câu chuyện về những việc làm sai trái ở nhà tù này.
Trang tin The Paper, có trụ sở ở Thượng Hải, đã khơi mào các câu chuyện vào ngày 20/1 với một bản tin về vụ bê bối tình dục của một tù nhân tại nhà tù Nột Hà, tỉnh Hắc Long Giang. Các hãng truyền thông khác sau đó đã đăng lại tin này.
Tù nhân Vương Đông đã sử dụng ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc là WeChat để làm quen với phụ nữ trên mạng Internet, chiếm lòng tin của họ, tạo mối quan hệ tình cảm rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền, The Paper cho hay.
Một người trong cuộc giấu tên tại nhà tù Nột Hà tiết lộ, ít nhất bảy phụ nữ đã duy trì mối quan hệ tình cảm thời gian dài với Vương, ba người trong số đó đã đưa tiền cho Vương trong khi hai người khác đã có gia đình..
Một trong số các tình nhân của Vương đã chuyển 80.000 NDT (12.788 USD) vào tài khoản ngân hàng của Vương sau khi Vương giới thiệu cho cô này một “dự án đầu tư”. Các lính canh sau đó đã rút tiền, đem cho Vương sử dụng trong tù, theo The Paper.
Vương cuối cùng đã đi quá xa khi tống tiền chồng của một người tình tên là Li Li (biệt hiệu), vốn là một cảnh sát, bằng ảnh khỏa thân của cô này. Không chịu được sự quấy rối từ Vương, chồng của Li Li đã báo cáo vụ việc với chính quyền vào tháng 11/2014, bản tin cho biết.
Bốn cai ngục và hai lính canh tại nhà tù này đã bị phạt do vụ của Vương, theo một tài liệu mà The Paper có được.
Bóc lột lao động tù nhân bằng việc chơi điện tử kiếm tiền
Năm 2006, nhà tù Nột Hà đã mua 250 máy tính để cho các tù nhân chơi những trò chơi trực tuyến như World of Warcraft để kiếm tiền cho nhà tù, theo Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông.
“Các tù nhân được giao yêu cầu cần phải kiếm bao nhiêu tiền trong game hàng ngày”, một nguồn tin nội bộ giấu tên nói với Đài truyền hình Phượng Hoàng. Sau khi các tù nhân nâng cấp các nhân vật trong game, họ có thể bán chúng lấy tiền. “Nó trở thành một hình thức thu nhập của nhà tù”, người trong cuộc trên cho hay.
Một lính canh tên là Li Bin từng đánh đập dã man một tù nhân, làm bị thương mắt của anh ta do tù nhân này chơi điện tử không tốt. Tù nhân này về sau đã kiện Li Bin, người mà [sau đó] bị kết án hai năm tù rưỡi, bản tin cho biết.
Phương pháp kiếm tiền bằng cách tổ chức các tù nhân chơi điện tử sau đó đã bị ngừng vào năm 2008.
Tỉ lệ tự sát cao được tin là có liên quan đến những vụ đánh đập thường xuyên của lính canh đối với các tù nhân.
Đánh đập, tra tấn và những cái chết bất thường
Nhà tù Nột Hà có tỉ lệ cao các vụ tử vong bất thường do nhiều lý do.
Ít nhất năm tù nhân tại nhà tù Nột Hà đã tự sát từ năm 2008 đến 2014, ba tù nhân khác đã cố tự tử trong khoảng thời gian này, và một cai ngục cũng tự sát sau khi bị cảnh sát triệu tập, theo The Paper.
Tỉ lệ tự sát cao được cho là có liên quan đến các vụ đánh đập thường xuyên của lính canh đối với các tù nhân. Một nguồn tin giấu tên kể với The Paper, vào năm 1991, hai tù nhân đã bị đánh đến chết do họ không có tiền để hối lộ lính canh.
Một nguồn tin nội bộ khác tiết lộ, một tù nhân tên là Cao Mengqi bị chết đuối trong một cái mương khi người này cố gắng nhặt khẩu súng mà một lính canh đánh rơi. Hai lính canh đã ra lệnh cho Cao đi lấy khẩu súng. Hai người này đã bỏ bê công việc để đi bắn vịt trời trong khi các tù nhân đang lao động trên các cánh đồng.
Uống rượu, cờ bạc
Bằng cách hối lộ lính canh, các tù nhân không những có thể có được điện thoại di động mà còn cả rượu. “Các lính canh thường cho rượu vào trong những chai nước khoáng, và sau đó giấu cái chai trong ống tay áo hoặc lưng quần. Thông thường, họ mang rượu vào trong giờ làm việc, khi có nhiều người”, một lính canh giấu tên kể với The Paper.
Một nguồn tin nội bộ khác đã xác thực thông tin trên, và chỉ ra rằng với lượng rượu có giá 20 NDT (3,2 USD) ở bên ngoài, nhà tù sẽ bán lại cho các tù nhân với giá 100 NDT (16 USD).
Việc đánh bạc giữa các tù nhân cũng được cho phép. Hai tù nhân thậm chí đã tự tử vì các khoản nợ cờ bạc lớn, một lính canh giấu tên cho biết. “Họ đánh bạc rất nhiều tiền. Việc kiếm được hay mất hàng vạn nhân dân tệ là rất bình thường”.
Các lính canh còn làm một nhà bếp bí mật trong một nhà kho cho các tù nhân muốn trả 200 NDT (32 USD) cho mỗi bữa ăn để tự nấu bữa ăn riêng với đồ ăn ngon hơn, bản tin cho biết. Các tù nhân thậm chí còn có thể đặt mua thức ăn từ các lính canh, họ sẽ bí mật mang đến thịt và rau củ trong khi đổi ca.
Phần nổi của tảng băng trôi
Tất cả những điều được chính quyền tự phanh phui trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi về những tệ nạn diễn ra trong các nhà tù tại Trung Quốc.
Trang minghui.org là trang tin thể hiện chân thật nhất về những diễn biến tồi tệ diễn ra bên trong các nhà tù tăm tối và kín cổng cao tường này.
Theo trang tin này, những người bị bắt vào đây không phải là người vi phạm pháp luật, mà đơn thuần chỉ là người không tuân theo quan điểm của Đảng, rồi bị ghép một cái tội họ không hề phạm, cuối cùng là đối mặt với những tra tấn, nhục hình, cưỡng bức lao động, thậm chí là bị mổ cướp nội tạng kiếm tiền, và mất mạng. Người phạm tội và người vô tội cùng ở trong tù, đôi khi những tội phạm đúng nghĩa còn được giao quyền giám sát người vô tội.
Các nhà tù khét tiếng từng được lên báo nước ngoài như nhà tù nữ Liêu Ninh, Trung tâm lao động Mã Tam Gia, Nhà tù Cam Túc, Cát Lâm, …
Tất cả các tệ nạn và hình thức tội ác đều diễn ra trong tù ở cấp độ cực kì tồi tệ. Mọi hình thức tra tấn đều được áp dụng như chích điện, bức thực, đánh đập, cưỡng hiếp phụ nữ,…Việc bóc lột lao động không chỉ tập trung vào khai thác game điện tử, mà còn có sản xuất các sản phẩm tiêu dùng. Nói cách khác, nhà tù Trung Quốc là mô hình công xưởng sản xuất với giá nhân công rẻ nhất tại nước này, thế nên bất cứ khi nào cầm trên tay một món hàng “Made in China”, người tiêu dùng có thể đang sở hữu vật dụng được cho ra lò từ các nhà tù.
Với tình trạng tồi tệ này, dĩ nhiên việc hối lộ quan chức và lính canh là điều không thể tránh khỏi, người hối lộ cũng chỉ mong được ưu đãi hơn một chút, hoặc để tránh những đòn tra tấn ghê người. Ngoài ra, việc hối lộ còn để giúp những tội phạm thật sự dễ bề hoạt động như vụ việc nói trên. Do đó, nhà tù Trung Quốc trở thành nơi trú ẩn của các quan chức và nhân viên tham ô, là nơi dung túng cho hết thảy cái ác và xấu xa của con người, cũng như người ta không thể chắc rằng các tội phạm khi ra tù sẽ được cai nghiện hoặc hoàn lương.
Theo daikynguyenvn