Trong một chia sẻ mới đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nhận định rằng “thực tế đã có những cán bộ đủ ăn, thậm chí là thừa ăn vẫn cứ tham nhũng” và ví đây như là “cuộc chiến đấu với giặc nội xâm”.
Nguồn tin ngày 24/1 từ Tổ Quốc cho biết, đây là những chia sẻ và nhận định của ông Vũ Quốc Hùng liên quan đến việc tạo ý thức “không muốn” tham nhũng trong cán bộ, đảng viên trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Cụ thể, ông Hùng cho biết, từ Đại hội XII trở về trước, chúng ta chỉ nói “ba không” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đó là: “không thể, không dám và không cần”.
Lần này, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII (diễn ra từ 25/1 – 2/2) đặt vấn đề “bốn không”. Ngoài “ba không”, có thêm một không nữa là “không muốn” tham nhũng.
Ông Hùng lý giải rằng việc thêm “không muốn” là vì “thực tế đã có những cán bộ đủ ăn, thậm chí là thừa ăn vẫn cứ tham nhũng”. Do đó, “không muốn”, tức là phải giáo dục, tạo ra ý thức, lòng tự trọng, kèm theo chế độ, chính sách đầy đủ để người đó không muốn tham nhũng.
“Muốn phòng chống tham nhũng, đòi hỏi tất cả phải trong sạch, không được tham lam. Muốn vậy, cần có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, nâng cao đời sống, giáo dục ý thức, để cán bộ, đảng viên thấy được sự liêm sỉ, lòng tự trọng trong mỗi người, từ đó họ không thể, không dám và không muốn tham nhũng…”, ông Hùng nói.
Theo đó, ông Hùng chỉ rõ, trước đây người ta thường dùng cụm từ “hạ cánh an toàn” để nói việc một số quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm, cho dù lúc đương chức có sai phạm.
Nhưng ở nhiệm kỳ XII đã thay đổi căn bản. Nhiều cán bộ dù đương chức, ở cấp cao hay về hưu, nếu có sai phạm đều bị đưa ra xử lý, kỷ luật, thậm chí, nhiều cán bộ kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý hình sự.
Điều này là tiếng chuông cảnh tỉnh những người đã và đang có dấu hiệu sai phạm, ông Hùng nói và bày tỏ rằng việc “chống tham nhũng là cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ và nhiều người thường ví, đây là cuộc chiến đấu với giặc nội xâm.”
Từ những chia sẻ trên, ông Hùng cũng nhận định rằng đại biểu phải có tâm sáng, trí tuệ để đưa ra quyết định, lựa chọn sáng suốt, khách quan, công tâm, vì lợi ích của nhân dân; và các cán bộ phải có đủ đức, tài mới góp phần giúp đất nước giàu mạnh.
Vũ Tuấn (t/h)